Trên những con đường nhỏ làng Yên Trường (Chương Mỹ, Hà Nội), đâu đâu cũng thấy có giếng nước. Đặc biệt, không có giếng nào bị khô cạn và vẫn đang được người dân sử dụng để sinh hoạt, kể cả dùng làm nước ăn.
Những chiếc giếng kì lạ đều có điểm chung, không biết có từ bao giờ, cũng không có ai đào cả. Các cụ cao tuổi trong làng đã ngót 90 cho biết, khi sinh ra đã có giếng rồi.
Theo truyền thuyết các cụ trong làng kể lại, những giếng này là do điểm huyệt mà có. Một ông thầy (như người dân kể lại - PV) đến điểm huyệt bằng bút lông 100 vị trí quanh làng với quan niệm đủ 100 dấu thì dân làng có người làm quan. Điểm đến cái thứ 99 thì bút bị tòe và vứt bút đi nên không đủ như ban đầu.
Những nơi được điểm huyệt biến thành giếng nước từ khi nào không ai rõ và vì thế làng có 99 cái giếng. Giếng nào cũng được người dân lập ban thờ thần giếng.
Các giếng làng Yên Trường rất khác lạ, lòng giếng lồi lõm, méo vẹo như những hang động bằng đá ong chứ không tròn trịa bằng phẳng. Đây cũng chính là lí do để người dân tin rằng do thiên tạo mà có.
Nước giếng mùa này đầy ắp, trong vắt. Lại có tích chuyện cho biết, những giếng này là 99 vết chân ngựa của Thánh Gióng nện xuống khi nước kiệu ngang qua mà thành.
Dù theo huyền tích nào thì làng An Tràng xưa (nay là Yên Trường) có 99 giếng lớn nhỏ khác nhau, đến nay đã bị lấp dần bởi sự đô thị hoá. Giếng trong làng vẫn còn khá nhiều, dễ dàng bắt gặp nằm rải rác trên khắp các con đường làng, bên cạnh là một ban thờ nhỏ.
Đều là giếng thiên tạo song phần miệng giếng đã được người dân xây đắp để tránh sự xâm phạm và để an toàn cho người dân lấy nước, đặc biệt với trẻ nhỏ.
Một chiếc giếng ở xóm An Ninh nằm giữa đường đã được người dân xây che lại một nửa phần miệng giếng để lấy lối đi trở thành chiếc giếng hình bán nguyệt. Bên dưới, lòng giếng giữ nguyên và được các gia đình lấy nước sử dụng bằng máy bơm.
Những giếng lớn ngoài việc xây cao thành bằng đá ong còn quây thêm rào sắt, tuy có bớt đi phần nào vẻ cổ kính nhưng lại an toàn cho trẻ nhỏ. Các giếng đều có độ sâu khoảng 7 - 8 mét.
Hình thù kì lạ của một lòng giếng, giống với bàn chân, vó ngựa.
Đối với dân làng Yên Trường, giếng nước là linh thiêng, đều có các vị thần cai quản. Xưa người An Tràng ăn bằng nước giếng, đến nay dù có nước máy nhưng nhiều gia đình vẫn không thể bỏ được nguồn nước tự nhiên này. Giếng ở đây có tiếng là nước ngọt trong và tinh khiết nên nhiều người ở địa phương khác còn về đây lấy nước để làm tương.
Một giếng có phần cổ được người dân xây đá ong theo dạng hình tròn ở trên.
Thành giếng uốn lượn chứ không tròn đều, bằng phẳng như các loại giếng nhân tạo.
Hiện tại giếng xóm Chùa là lớn nhất của làng Yên Trường, đường kính lên đến 4 mét, độ sâu khoảng 8 mét, nước trong.