Đang loay hoay tìm căn nhà 73 phố Hàng Than (Hoàn Kiếm, Hà Nội) của vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa (SN 1954) và Đặng Hương Lan (SN 1960). Chúng tôi khá bất ngờ khi thấy cô đứng ở đầu ngõ từ lúc nào để chờ đón chúng tôi. Băng qua dãy cầu thang tối om “đặc trưng” của những căn tập thể cũ trên phố cổ, chúng tôi lên căn gác 3 chưa đầy 15m2 là nơi làm việc của vợ chồng nghệ nhân làm mặt nạ giấy bồi cuối cùng của Hà thành.
Cái nắng sớm mùa hạ chiếu thẳng vào nơi cô chú đang cặm cùi vẽ mặt nạ. Quệt đi những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, chú Hòa cười xòa bảo: “Phải nắng như vậy mới làm việc được, chứ trời mà đổ mưa là coi như ngày đó chỉ ngồi chơi”.
Hỏi ra mới biết, sau khi đắp xong mặt nạ hay vẽ sơn nên mặt… từng công đoạn đều phải nhờ ánh nắng tự nhiên làm khô. Cô Lan chia sẻ: “Mọi công đoạn vợ chồng tôi đều làm thủ công.
Đặc biệt, sau khi hoàn thiện công đoạn thô, mặt nạ được mang ra phơi nắng tự nhiên chứ không được dùng máy sấy, vì dùng máy sấy sẽ làm cong và biến dạng mặt nạ. Trung bình mỗi ngày, hai vợ chồng làm được 10 chiếc mặt nạ”.
Mặt nạ thô được lấy ra khỏi khuôn sẽ được phơi nắng cho khô tự nhiên. Ảnh: Hữu Thắng
40 năm qua, vợ chồng nghệ nhân vẫn ngồi trên căn gác nhỏ đầy nắng, mọi chỗ trống đều dành để phơi mặt nạ, chỉ duy nhất còn một khoảng trống nhỏ để ngồi. Ấy thế nhưng, cô chú không hề thấy bất tiện hay nóng bức. Cô Lan bảo: “Làm mãi rồi nó hóa quen”.
Được tận mắt chứng kiến vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa - Đặng Hương Lan tỉ mỉ, cẩn trọng thực hiện từng công đoạn, từng chi tiết nhỏ để làm ra một chiếc mặt nạ giấy bồi mới có thể hiểu được sự tâm huyết của vợ chồng nghệ nhân gửi gắm trong những chiếc mặt nạ giấy bồi.
“Đầu tiên, chồng tôi sẽ tạo khuôn đúc mặt nạ bằng xi măng. Đến nay, nhà tôi có 30 chiếc khuôn lớn nhỏ, mẫu mã khác nhau. Ngoài những chiếc mặt nạ truyền thống như ông Địa, bà Địa, Chí Phèo, Thị Nở, mặt nạ hình trâu, ngựa, hổ, báo… mấy năm gần đây, nhà tôi làm thêm những khuôn đúc hình siêu nhân, người nhện… theo đề nghị của khách hàng”, cô Lan chia sẻ.
Sau khi có khuôn, người nghệ nhân bắt đầu thực hiện công đoạn quét hồ vào lớp giấy A4 và bồi dần dần vào khuôn. Sau lớp A4 đến lớp thứ hai là lớp bìa, lớp thứ ba, thứ tư là lớp giấy học sinh tùy theo độ dày mỏng của mặt nạ.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa thực hiện công đoạn bồi mặt nạ. Ảnh: Hữu Thắng
Công đoạn này phải làm hết sức cẩn thận để mặt nạ căng, mịn và không bị nhăn. Sau khi bồi đủ các lớp giấy, gấp mép mặt nạ và lấy từ khuôn ra đem phơi khô dưới nắng từ sáng đến tối để có độ cứng.
Cuối cùng là công đoạn tô sơn. Từng lớp sơn được tô vẽ tỉ mỉ, khéo léo lên từng chiếc mặt nạ. Lớp sơn này khô, mới tiếp tục tô lớp sơn khác lên để tránh bị nhòe. Quá trình tô màu cũng phải thực hiện tỉ mỉ, cẩn trọng thì mới ra được cái “hồn” của mặt nạ.
Cô Lan chia sẻ: “Không phải ai cũng có thể làm được mặt nạ giấy bồi có hồn đâu. Như gia đình nhà tôi, có 8 anh/chị em, bố tôi truyền nghề cho tất cả nhưng nay chỉ có một mình tôi theo nghề bởi anh/chị em tôi vẽ không có hồn, chiếc mặt nạ không sinh động. Mà làm không đẹp thì ai người ta còn mua”.
Nghệ nhân Đặng Hương Lan ngồi tỉ mẩn vẽ sơn lên chiếc mặt nạ thô. Ảnh: Hữu Thắng
Nói về lịch sử nghề làm mặt nạ giấy bồi của gia đình, nghệ nhân Đặng Hương Lan kể, cha cô là nhà giáo, mẹ là bác sĩ nhưng vì gia đình đông con nên ngoài nghề chính còn phải làm thêm nghề phụ nuôi các con ăn học. Sau những giờ dạy, ông Đặng Đình Viên (SN 1935) trở về nhà cặm cụi làm thêm mặt nạ để bán vào dịp Trung thu.
Sau này, khi người con gái lấy chồng, thấy con rể khéo tay, lại cẩn thận, bố cô đã truyền lại nghề cho đôi vợ chồng trẻ. “Ngày ấy, mặt nạ chưa được tinh xảo, không có độ lồi lõm nhất định như vậy giờ.
Qua thời gian, cùng với những kinh nghiệm của thế hệ trước, vợ chồng tôi sáng tạo thêm để phù hợp với thị hiếu hiện nay. Đặc biệt, khi vợ chồng tôi nghỉ công việc nhà nước thì lại càng chú tâm vào nghề làm mặt nạ giấy bồi”, cô Lan chia sẻ.
Công đoạn sơn màu lên mặt nạ đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì và cả chút khéo tay. Ảnh: Hữu Thắng
Chúng tôi thắc mắc, sao ở cái tuổi 60, cô chú không an hưởng tuổi già bên 5 người cháu nội, ngoại mà vẫn cặm cụi hàng ngày với cái nghề này. Nghệ nhân Đặng Hương Lan chia sẻ: “Có lẽ, nghề này là cái nghiệp của vợ chồng tôi, bỏ không sao đành, bứt rứt lắm. Bởi, sau mỗi mùa Tết Trung thu, vợ chồng tôi lại nhận được lời cảm ơn của mọi người vì vẫn còn giữ lại món đồ truyền thống từ xưa, để con họ biết được ngày xưa bố mẹ đã từng có những đồ chơi như thế.
Tuy nhiên, con cháu tôi lại không hứng thú với nghề này, chúng tìm được niềm đam mê với công việc khác. Nhưng cũng thật may mắn, vẫn còn có những bạn trẻ yêu thích văn hóa dân gian.
Đặc biệt, có một anh chàng đã qua lại nhà tôi chục năm nay để học nghề vì trót mê đắm với mặt nạ giấy bồi. Sau này, dù vợ chồng tôi có tuổi già sức yếu cũng không lo thất truyền nghề nữa”.
Mặt nạ giấy bồi được phủ bằng lớp sơn dầu.Ảnh: Hữu Thắng
Vừa trò chuyện cô Lan vừa vẽ từng nét sơn lên mặt nạ, cô bảo, làm nghề này quan trọng nhất là sự kiên trì, tỉ mỉ và phải có một chút khéo tay cùng với sự yêu nghề nữa.
Chính vì vậy, vợ chồng cô chú cứ ngày ngày cặm cụi làm việc trên căn gác nhỏ để chờ đến mùa Tết Trung thu cùng nhau trở hàng trăm chiếc mặt nạ ra phố Hàng Lược bày bán.
Nhắc đến đây, ký ức một thời xa xưa lại ùa về, cô Lan kể: “Xưa, trẻ con không có nhiều đồ chơi như bây giờ. Dịp Trung thu được ba mẹ cho lên phố chơi, lựa mua một chiếc mặt nạ giấy bồi, ông sao, đèn kéo quân... là thích lắm”.
Nhớ về thời hoàng kim, người nghệ nhân có hàng mấy chục năm theo nghề kể, ngày trước cứ dịp Trung thu là khắp phố phường Hà Nội chỉ toàn bày bán mặt nạ đủ hình thù. Hàng làm ra lúc ấy nhiều đến đâu cũng không kịp để bán.
Giờ đây, khi có nhiều thể loại đồ chơi để lựa chọn hơn thì những đồ chơi truyền thống dần dần ít hiện diện. Có thời, đồ chơi Trung Quốc xâm nhập thị trường đồ chơi dân gian, mặt nạ lúc ấy làm ra ế ẩm, không bán được.
“Đến khi mặt nạ nhựa gây dị ứng với da mặt trẻ em, nhiều người tìm lại món đồ chơi truyền thống cho con. Hai vợ chồng tôi rất vui vì sau một khoảng thời gian dài khách hàng bỏ bẵng với món đồ chơi này thì nay lại được nhiều người quan tâm”, cô Lan tâm sự.
Thế nhưng, cái gì cũng có mặt tốt, mặt xấu, khi thị trường mặt nạ giấy bồi sôi động trở lại. Lái buôn thấy sản phẩm đắt khách nên bắt chước làm theo. Những chiếc mặt nạ làm nhái với chất lượng kém tràn ngập chợ. Buồn hơn khi họ dùng chính sản phẩm làm giả nhưng lại bán ra với thương hiệu mặt nạ ông Hòa, bà Lan ở phố Hàng Than.
“Có nhiều người cứ ca cẩm với vợ chồng tôi là tại sao bao nhiêu năm giá thành vẫn có 30.000 đồng/ chiếc mặt nạ sói, hổ, lợn… 100.000 đồng/ chiếc mặt nạ ông Địa, bà Địa đã thế chất lượng thì khỏi bàn.
Lúc đấy, vợ chồng tôi nhìn nhau rồi nói với khách hàng, mình làm vì đam mê, tiền bạc đâu có quan trọng”, chú Hòa chia sẻ và lại cắm cúi vào những sản phẩm của mình như một người giữ mãi ngọn lửa đam mê và hồn ký ức.
Mặt nạ giấy bồi không chỉ là một món đồ chơi, thực chất mỗi chiếc mặt nạ đều mang thông điệp văn hóa. Ví như mặt nạ ông Địa tức vị Thổ thần, Thổ địa được thể hiện với hình dáng tròn vo và vui tươi như sự sung mãn đầy đủ của đất đai màu mỡ. Mặt nạ thỏ ngọc lại là tượng trưng cho sự đẹp đẽ hài hòa hoặc tượng trưng cho ánh trăng sáng ngời đêm Rằm. |