Biến động chưa từng có của thế giới vì đại dịch Covid-19: Nhận diện khó khăn và cơ hội từ những thách thức sống còn

Thảo Huyền

Cho đến nay, đại dịch Covid-19 không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người dân toàn cầu mà còn gây chấn động thế giới với các ảnh hưởng dự kiến có thể tồn tại lâu dài. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế và nhà nghiên cứu, trong bức tranh gam màu tối này, vẫn có những điểm sáng quý giá.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, GS, TSKH. Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới - đã có những nhận định sâu sắc về tác động của đại dịch lên nền kinh tế-chính trị thế giới cũng như những khuyến nghị xung quanh vấn đề này.

Gam màu sáng từ bức tranh xám

PV: Biến động chưa từng có trong nhiều thập kỷ do tác động của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng ra sao thưa ông?

TSKH. Võ Đại Lược: Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới gây ra đã gây tổn hại rất lớn, rất nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới. Nhiều dự báo cho thấy kinh tế thế giới năm nay có thể tăng trưởng âm và ở mức âm 5%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng mấy chục năm qua. Người ta tính là từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 đến giờ, thế giới mới chứng kiến một cuộc suy thoái kinh tế như vậy.

Thậm chí đến cả những nước hùng mạnh như Mỹ, ở quý 2 năm nay mức tăng trưởng cũng tụt giảm đến 33%. Kinh tế Trung Quốc cũng suy giảm mạnh, giảm âm 1,5%. Mức tăng trưởng của kinh tế châu Âu cũng giảm rất mạnh.

Tuy nhiên, Việt Nam lại là một trong số rất ít nền kinh tế giữ được mức tăng trưởng không bị âm. Năm ngoái, Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng 2,8%.

Vì lẽ đó mà năm ngoái WTO (tổ chức thương mại quốc tế) có đánh giá rằng bầu trời thế giới u ám nhưng bầu trời Việt Nam vẫn sáng. Có điều, diễn biến dịch bệnh vẫn đang phát triển phức tạp nên có thể để lại những tác động xấu hơn nữa lên nền kinh tế.

Tăng trưởng kinh tế kém hẳn nhiên sẽ dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao. Đây là vấn đề lớn của cả thế giới, không trừ một quốc gia nào.

Khác với các cuộc khủng hoảng trước đây, cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây nên tình trạng sụt giảm nghiêm trọng ở cả cung lẫn cầu. Sản xuất đình trệ, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng đình đốn, phá sản. Trong khi đó, nhu cầu của người tiêu dùng cũng sụt giảm đáng kể do người dân thắt chặt chi tiêu. Và hệ quả của cuộc khủng hoảng này thực chưa thể đong đếm được vì nó nổ ra khắp các quốc gia. Các nền kinh tế lớn như Mỹ hay các nước châu Âu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhật Bản, Trung Quốc cũng không là ngoại lệ.

TSKH. Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới

PV: Tác động của dịch Covid-19 với sự chuyển dịch chuỗi giá trị tại Việt Nam và khu vực ra sao thưa ông? Và ngoài thách thức, có cơ hội nào cho kinh tế Việt Nam trong giai đoạn này thưa ông?

TSKH. Võ Đại Lược: Trung Quốc lâu nay là đại công xưởng của thế giới. Trung Quốc có thị trường lớn, dân số lớn, sức lao động dồi dào nên các nước đều đặt Trung Quốc gia công sản xuất. Khi dịch bệnh diễn ra ở Trung Quốc, chuỗi cung ở đấy bị đình trệ dẫn đến việc chuỗi cung ứng của thế giới bị đứt đoạn và gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất của các nước.

Nền kinh tế Việt Nam có quan hệ rất lớn với các nước ngoài. Khi tình hình bên ngoài xấu đi sẽ gây tác động rõ rệt đến nền kinh tế

Tuy nhiên, đại dịch Covid có thể mang tới một số cơ hội cho Việt Nam. Chẳng hạn, khi các công ty, doanh nghiệp rời khỏi Trung Quốc, chúng ta có nhiều cơ hội kêu gọi đầu tư. Có điều, để thu hút đầu tư, ta cần chuẩn bị đáp ứng đủ các tiêu chuẩn mà các nhà đầu tư đặt ra.

Thay đổi chiến lược toàn cầu

PV: Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã đẩy quan hệ quốc tế vào tình huống và tình trạng trước đó chưa từng thấy. Ông đánh giá sao về vấn đề này?

TSKH. Võ Đại Lược: Đại dịch Covid-19 tiếp tục khoét sâu những mâu thuẫn vốn có và làm gia tăng những căng thẳng mới giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Dịch bệnh phá vỡ sự hòa hoãn tạm thời giữa hai bên sau thỏa thuận thương mại giai đoạn một được ký kết hồi đầu năm nay. Covid-19 đã thúc đẩy thêm những xu hướng đã hiện hữu từ nhiều năm qua, khi hai nước cạnh tranh ảnh hưởng kinh tế và chính trị toàn cầu. Và sự đối đầu giữa hai nước này diễn ra ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, công nghệ và để lại hậu quả khó lường.

Những tranh cãi liên quan đến dịch Covid-19 của Mỹ và Trung Quốc không chỉ có tác động tiêu cực trực tiếp đến mối quan hệ của hai nước mà còn ảnh hưởng lớn đến quá trình hợp tác quốc tế trong việc ứng phó với các thách thức toàn cầu.

PV: Vậy theo ông, dịch bệnh tác động ra sao tới chiến lược quốc gia của các nước thưa ông?

TSKH. Võ Đại Lược: Chiến lược phát triển của các quốc gia nói chung đều bị ảnh hưởng và buộc các nước phải thay đổi để thích ứng. Mỗi nước lại chú trọng những mục tiêu riêng. Chẳng hạn, với Hàn Quốc, Tổng thống nước này, ông Moon Jae-in đưa ra chiến lược thay đổi khá lớn thông qua 3 điểm mấu chốt. Một là chuyển mạnh sang kinh tế số. Hai là tăng trưởng xanh. Và ba là an sinh xã hội và trọng dụng nhân tài. Trong khi đó, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ cũng đều có thay đổi chiến lược để phù hợp với tình hình mới. Và xu hướng chung được nhiều nước hướng đến sự tập trung vào công nghệ, phát triển nhân tài.

PV: Xin ông cho biết, nhận định của mình về cục diện thế giới khi dịch bệnh tiếp tục phát triển?

Nếu như sự phát triển của y học thế giới, của vắc xin phòng Covid-19 đạt kết quả lớn, mang lại hiệu quả cao và dịch bệnh được chấm dứt vào năm nay nền kinh tế thế giới sẽ nhanh chóng được hồi phục. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh kéo dài đến sang năm thì chưa biết tình hình kinh tế thế giới sẽ tồi tệ đến mức nào. Chúng ta cùng hy vọng một tiến triển tốt đẹp!

Thách thức cho khu vực Đông Nam Á

“Cho đến nay đại dịch Covid-19 đã diễn ra được 8 tháng và nó tác động tiêu cực đến mọi mặt của nền kinh tế, chính trị thế giới nói chung. Với các nước Đông Nam Á, với nền kinh tế phát triển dựa vào dịch vụ, du lịch, tác động của đại dịch lên nền kinh tế là rất lớn. Philippines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan... là những nước chịu tác động mạnh. Tỷ lệ đóng góp của các ngành du lịch, dịch vụ vào GDP của các nước Đông Nam Á là rất cao nhưng năm nay do ảnh hưởng của đại dịch ngành du lịch, dịch vụ suy giảm rất mạnh, chỉ bằng 5-10% so với cùng kỳ năm ngoái. Hàng triệu người làm các ngành này đang phải chống chọi với đại dịch này.

Đại dịch đã ảnh hưởng đến hệ thống cung-cầu của thế giới. Hàng hóa sản xuất ra như nông sản xuất sang các nước châu Âu, Mỹ đã gặp khó khăn nên tỷ lệ hàng xuất khẩu của các nước trong khu vực bị giảm mạnh. Điều này tạo nên sự dư thừa hàng hóa, người dân thiếu việc làm.

Do môi trường an ninh, đặc biệt là do khó khăn của đại dịch khiến dự án đầu tư vào khu vực suy giảm nhanh.

Tình trạng thất nghiệp làm cho người nghèo càng gặp khó khăn hơn và xã hội có sự phân hóa lớn. Vì vậy các quốc gia trong khu vực phải cắt giảm đầu tư khác để hỗ trợ cho xã hội.

Diễn biến dịch bệnh cũng làm cho các nước trong tổ chức ASEAN gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thúc đẩy hoàn thiện cộng đồng kinh tế khu vực theo tầm nhìn 2025”.

(TSKH Nguyễn Khánh – Viện nghiên cứu Đông Nam Á – Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam)