Họ là những tài xế, chủ xe tải hằng ngày mưu sinh bằng nghề lái xe nhưng hơn 3 tuần qua, khi thấy tình hình hạn mặn ngày càng nghiêm trọng nên họ đã rủ nhau những ngày không lái xe thì cùng đi xin nước ngọt rồi chở đến tận vùng sâu cho bà con.
Được nghỉ dạy nên chở nước cho dân
Câu chuyện mang đậm tính nhân văn của thầy giáo Đoàn Trung Hiếu (giáo viên Trường Trung cấp Gò Công, tỉnh Tiền Giang) và em trai là Đoàn Trung Hậu là một câu chuyện điển hình. Trong lúc hạn mặn tấn công xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông thì mỗi ngày hai anh em Hiếu, Hậu chở khoảng 6 chuyến xe (từ 12 giờ trưa đến tận 12 giờ đêm) để mang hàng chục ngàn lít nước ngọt phục vụ miễn phí cho người dân. Đây là khu vực người dân vùng khó khăn trong mùa hạn mặn
Dân xếp hàng trật tự đợi lấy nước ngọt do tài xế chở đến cấp miiễn phí
Những chuyến xe từ thiện của cánh tài xế ở Mỹ Tho
Anh Hiếu cho biết: "Bản thân mình là giáo viên, hằng ngày trên lớp có nhiều thông tin từ phía các em học sinh cho biết tình hình thiếu nước ngọt hết sức trầm trọng. Rồi đến lúc trường cho nghỉ vì dịch bệnh Covid-19, anh em mình bàn nhau sẵn có xe tải của nhà nên ngày nào cũng chở nước đến phục vụ cho bà con. Khi thấy bà con có những can nước ngọt sử dụng, mình không còn mệt nữa".
10 tài xế thay nhau chở nước ngọt về vùng sâu
Ngoài hai anh em Hiếu và Hậu, tại TP Mỹ Tho, doanh nghiệp Hiếu "Tân Ánh Dương" và một số tài xế khoảng 10 người đã chạy ngược chạy xuôi hằng ngày thuê xe bồn để chở nước về các huyện phía Đông cấp phát miễn phí cho người dân.
Các tài xế cấp nước cho bà con
Anh Vũ, một trong những tài xế, cho biết gần tháng qua, khi thấy bà con thiếu nước ngọt sinh hoạt nên anh và anh Hải đã bàn nhau huy động xe tải của những anh em bạn bè không chở hàng thì giúp bà con. Cứ mỗi tuần hai lần thứ 5 và chủ nhật có khoảng 4-5 xe bồn mượn đi xin 100 m3 nước ngọt chở về cho bà con. Cứ chiều hôm trước, các xe bơm đầy bồn để sáng hôm sau xuất phát về huyện phía Đông cấp cho bà con. Sau đó thì cho xe quay lại Trạm cấp nước Tân Tây xin nước và chuyển đến cho bà con. Cứ như thế, đến khoảng 22 giờ quay về Mỹ Tho".
Để hỏi rõ hơn về lý do vì sao những người lái xe này lại cứ nghỉ việc lại chở nước ngọt miễn phí cho bà con, phóng viên Báo Người lao Động đã gọi điện cho anh Hiếu "Tân Ánh Dương" nhưng anh này từ chối với lý do "Chỉ là tình người thôi anh".
Thuyết phục mãi, Hiếu mới cho biết: "Anh em hùn tiền thuê xe và lấy xe nhà rồi thì đi mượn từng can của người quen để chở nước đến cho bà con các huyện phía Đông. Hàng chục ngàn lít nước trong mỗi ngày đã được đưa đến cho bà con. Dù việc làm không lớn nhưng lúc này những giọt nước rất quý đối với người dân".
Phóng viên cũng điện thoại cho anh Hải (có biệt danh là Hải "Bắc"- PV) thì được anh cho biết mình chở nước ngọt miễn phí cho bà con cũng xuất phát từ cái tâm. Việc này cũng không có gì to tát, chỉ là tình người với nhau mà thôi.
Ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang vừa cùng đoàn công tác kiểm tra điểm lấy nước tập trung từ nguồn nước BOO Đồng Tâm tại xã Tân Phước, xã Gia Thuận (huyện Gò Công Đông). Tại đây, có rất đông người dân trên địa bàn 2 xã đến lấy nước. Qua khảo sát thực tế, nguồn nước tại các điểm cấp nước tập trung này khá mạnh, chất lượng nước tốt cơ bản đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt hằng ngày của người dân khu vực trong điều kiện khô hạn.
Đoàn cũng đã đến khảo sát vị trí khu đất trên 6.000 m2 thuộc ấp 3 (xã Gia Thuận), ao chứa nước sẵn có trên địa bàn ấp 6 (xã Tân Phước) để có kế hoạch đầu tư ao mới, nạo vét cải tạo đáp ứng nhu cầu tích trữ, cung cấp nước sinh hoạt trong nhân dân, đặc biệt là trong mùa khô những năm tới.
Đối với huyện Gò Công Tây, đến thời điểm này huyện đã bố trí trên 12 vòi nước công cộng, 29 bình chứa nước, mỗi bình có sức chứa 2 m3 nước trên địa bàn các xã Long Vĩnh, Vĩnh Hựu, Bình Tân, Long Bình, Bình Phú và Đồng Thạnh nhằm cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trong điều kiện khó khăn hiện nay.
Ông Nghĩa đề nghị chính quyền huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây tiến hành rà soát lại các ao đất công trên địa bàn, từ đó có kế hoạch hợp lý trong việc nạo vét, đầu tư mới để tích trữ, đàm bảo một phần nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn, đặc biệt là vào mùa khô.