Bị người khác phá nhà khi đang ở ổn định 15 năm
Vừa qua chúng tôi có nhận đơn kêu cứu của ông Phạm Đình Khương ngụ tại số nhà 109, đường 36, khu phố 2, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP.HCM.
Trong đơn, ông Khương trình bày: Vào năm 2005, tôi có mua một phần đất tại số 109, đường 36, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, diện tích 4x10,15m, tổng diện tích hơn 40m2. Phần đất này được tách ra từ thửa đất có tổng diện tích 161,3m2, cùng địa, của vợ chồng ông Lê Văn Minh và bà Lê Thị Thanh Nguyệt. Giấy mua bán viết tay được 2 vợ chồng ông Minh cùng ký tên. Giá bán lúc bấy giờ là 400.000.000đ (bốn trăm triệu đồng), gia đình ông Minh đã nhận đủ tiền và hứa tách sổ cho tôi sau khi nhà được xây dựng.
Sau khi giao dịch xong, chính tôi đã bỏ tiền ra thuê ông Minh (ông Minh làm thầu xây dựng) xây giúp một căn nhà có cấp 3 với kết cấu 1 trệt 1 lầu. Khi căn nhà hình thành tôi tự mình đi đăng ký điện, nước và sinh sống ổn định cùng gia đình từ đó đến nay.
Căn nhà 109, đường 36, KP2, P.Bình Trị Đông B , Q.Bình Tân, TP.HCM
Thế nhưng, sau 15 năm ông Minh vẫn chưa thực hiện việc tách sổ cho gia đình tôi và tự dưng mấy tháng gần đây nhiều người tự xưng chủ nhà và nhân viên ngân hàng đến đề nghị tôi giao nhà. Những người này nhiều lần đe dọa gia đình tôi, vụ việc phức tạp nên tôi có báo cho Công an phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân.
Từ ngày 29/5/2020 đến nay, một số người đến và thông báo được chủ nhà ủy quyền đòi lại nhà, đến hăm dọa, đập phá dỡ sát bên nhà tôi và cố ý đập xuyên thủng tường nhà tôi ở phòng khách 10x10cm và phòng ngủ trên lầu 10x10cm, ngoài ra nhóm người này còn cố tự ý xông vào nhà tôi để gây sự.
Sự việc có nhiều người chứng kiến, Công an phường Bình Trị Đông B cũng đã mời những người liên quan lên trụ sở làm việc. Sự việc đập phá chỉ tạm ngưng khi có mặt cơ quan chức năng, khi không có cơ quan chức năng thì họ lại tiếp tục đập phá.
Theo tìm hiểu được biết, giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở và quyền sở hữu đất ở căn nhà và thửa đất địa chỉ số 109 đường 36, khu phố 2, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP.HCM (sổ hồng) được chuyển nhượng qua rất nhiều người và cầm cố, thế chấp rất nhiều lần bắt đầu từ năm 2011 cho đến nay. Vào ngày 11/12/2018 ông Huỳnh Như Ý sinh năm 1976 có địa chỉ quận12, TP.HCM là người được nhận chuyển nhượng cuối cùng, sau đó 3 ngày 14/12/2018 ông Như Ý thế chấp sổ hồng này tại Agribank chi nhánh An Phú theo hồ sơ số 106550.
Vào ngày 28/05/2020, ông Như Ý ủy quyền cho nhóm người thay mặt và nhân danh ông Như Ý quản lý, ở, trông coi, thuê bảo vệ khu đất trên…. Đồng thời, nhóm người trên yêu cầu gia đình ông Khương dọn đi nơi khác và hứa sẽ hỗ trợ 25 triệu đồng. Nhưng gia đình ông Khương không đồng ý và đã khởi kiện, chờ phán quyết cuối cùng của Tòa án.
Có dấu hiệu vi phạm pháp luật
Tại buổi làm việc chung do UBND phường Bình Trị Đông B chủ trì, ông Huỳnh Như Ý cho biết: “việc mua bán giấy tay giữa vợ chồng ông Minh, bà Nguyệt bán cho ông Khương là không có giá trị pháp lý nên tôi không đồng ý việc chờ phán quyết của tòa. Ông Khương phải liên hệ với tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, sau thời gian đó tôi sẽ tiếp tục sửa chữa tháo dở và tiếp tục sử dụng căn nhà trên”.
Biên bản làm việc các bên diễn ra tại UBND. P. Bình Trị Đông B, Bình Tân
Theo lời ông Khương, các ngày gần đây bên điện lực và bên cấp nước liên tục xuống xác minh về yêu cầu cắt điện nước của gia đình ông, nhưng chính ông và các thành viên trong gia đình đều khẳng định không có yêu cầu trên.
Trao đổi, ông Nguyễn Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân cho biết: “Ủy ban đã mời các bên liên quan lên làm việc nhiều lần nhưng các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Trước mắt UBND phường yêu cầu các bên phải tuân thủ luật pháp và giám sát chặt chẽ để kịp thời ngăn chặn các hành vi gây rối mất an ninh trật tự tại địa phương, sẽ hướng dẫn các bên khởi kiện ra tòa để đòi lại quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình”, ông Minh cho biết.
Theo Luật sư Nguyễn Thành Tâm, Đoàn Luật sư TP.HCM: Về hình thức, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được công chứng, chứng thực và đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tuy nhiên theo quy định tại Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015, giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.
Như vậy do ông Khương đã thanh toán đầy đủ số tiền phải trả cho ông Minh thì giao dịch này được xem có hiệu lực. Hơn nữa ông Minh chỉ bán đất chứ không bán nhà cho ông Khương, do đó căn nhà và những thứ bên trong mà ông Khương gây dựng nên là tài sản hợp pháp và được cơ quan chức năng công nhận.
Cũng theo ý kiến của luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM), hành vi của vợ chồng ông Minh đã chuyển nhượng đất cho ông Khương rồi nhưng tiếp tục thế chấp ngân hàng và chuyển nhượng cho người khác phần đất đó là hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí có dấu hiệu lừa đảo.
Cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra hành vi này nếu có dấu hiệu hình sự thì phải khởi tố vụ án. Vợ chồng ông Khương mặc dù mua nhà bằng giấy viết tay nhưng đã sinh sống ổn định, đã thực hiện xong hơn 2/3 hợp đồng, xây nhà trên đất nên vợ chồng ông Khương làm đơn ra tòa yêu cầu tòa án công nhận hợp đồng này là hợp pháp.
Những người đập phá nhà ông Khương có hành vi vi phạm pháp luật, nếu tài sản nhà ông Khương bị thiệt hại có đủ cơ sở thì có thể bị truy tố tội hủy hoại tài sản. Vợ chồng Khương nên làm đơn tố cáo các đối tượng nêu trên về hành vi đe dọa giết người (nếu có), hành vi hủy hoại tài sản, tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản (nếu có)... ra cơ quan công an.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!