Ma trận hàng giảm giá, vét sạch túi khách hàng
Black Friday năm nay sẽ diễn ra vào thứ Sáu ngày 29/11. Nhưng cách đây vài ngày, nhiều cửa hàng từ bình dân đến sang trọng đã liên tục tung chiêu khuyến mại, giảm giá. Các tuyến phố mua sắm lớn ở Hà Nội như: Chùa Bộc,Nguyễn Trãi, Cầu Giấy, Đông Các, Tây Sơn..., biển quảng cáo Black Friday đã được treo rầm rộ. Các quảng cáo hút khách như "Giảm 50% toàn bộ cửa hàng", "mua 1 tặng 1", "sale all items” (giảm giá toàn bộ sản phẩm), “giảm giá lên tới 90%"...
“Trùng trùng điệp điệp” những lời quảng cáo hấp dẫn cùng với tiết trời se lạnh của Hà Nội vào nên nhu cầu mua sắm sẽ được đẩy lên hơn bao giờ hết. Chính vì chương trình siêu giảm giá này mà vào ngày “Thứ Sáu đen tối” hàng năm, người ta thường thấy cảnh người dân điên cuồng mua sắm, thậm chí nhiều chị em đã vét sạch túi để thỏa mãn đam mê.
Vào những ngày này doanh số bán hàng sẽ tăng đột biến từ vài lần đến chục lần, các cửa hàng hoàn toàn có thể lấy số lượng bù chất lượng. Đa số các mặt hàng đều là các sản phẩm đã lỗi mốt, hàng tồn kho, không đủ size đủ số. Đặc thù của ngành thời trang là theo “trend” (xu hướng – PV), một khi mốt này đã hết “trend” nếu còn tồn hàng để mùa sau việc bán được hàng lỗi mốt là điều không tưởng. Vì vậy, “xả kho” hàng tồn chính là phần lãi của cửa hàng đó, việc giảm giá 50 – 60 – 90% chỉ mang tính tượng trưng. Tùy vào việc cơ cấu “ma trận” giảm giá nhưng vẫn tuân thủ 1 nguyên tắc duy nhất: trước đó đã thu hồi được hết phần vốn bỏ ra hoặc không giảm giá thấp hơn giá gốc.
Cho dù các cửa hiệu trưng các tấm biển "sale thanh lý", "sale lỗ vốn", "sale sập sàn", nhưng có một thực tế không thể phủ nhận: các cửa hàng sẽ không mở cửa trong Black Friday nếu họ không thu về lợi nhuận. Từ góc độ kinh doanh mà nói, sự kiện này đem lại lợi nhuận cho hầu như tất cả các cửa hàng.
“Thứ Sáu đen tối” là bài test kiểm tra “sức khỏe” của doanh nghiệp
Thông thường, mỗi một cửa hiệu luôn luôn định vị phục vụ một “tệp” khách hàng và sẽ phục vụ chu đáo cho nhu cầu cầu “tệp” khách hàng đó. Những vị khách hàng trung thành sẽ không bàn đến, bởi các VIP luôn được thụ hưởng các chính sách ưu đãi. Nghịch lý xảy ra khi đây lại chính là nhóm phải trả giá cao nhất. Bởi vì họ có nhu cầu cao với sản phẩm và không muốn phải chờ đợi. Các cửa hiệu sẽ cố chiếm được giá trị thặng dư ở “tệp” khách hàng này.
Sau khi cảm thấy đủ “khỏe”, các cửa hiệu sẽ tung ra các chương trình giảm giá để thu hút nốt “tệp” khách hàng tiềm năng và đại trà còn lại. Mục đích chính là "kiểm tra" sức hút thương hiệu của mình đến đâu, đồng thời cũng là một lời “nhắc – nhớ” những khách hàng cũ nhớ đến thương hiệu của mình. Đó lý giải vì sao có hiện tượng nơi đông khách, nơi vắng vẻ trong ngày Black Friday.
“Thứ Sáu đen tối” quả thực là 1 mũi tên trúng nhiều đích khi tận dụng được “thiên thời – địa lợi – nhân hòa”, người tiêu dùng được mua hàng với giá phù hợp, nhà kinh doanh thì được lợi nhuận. Nhưng túi tiền khách hàng có hạn, nếu như cứ giảm giá nhiều đợt trong năm thì cũng không thể làm tăng nhu cầu của khách, thậm chí còn bị phản tác dụng bởi tâm lý: nếu không mua thì sau cũng giảm giá. Tuy nhiên, Black Friday cũng thực sự trở thành một ngày “đen tối” khi khách hàng ham rẻ mà chi tiêu quá mức cần thiết. Vào những ngày này hãy trở thành những người tiêu dùng thông thái cân nhắc thiệt hơn tránh rơi vào “ma trận” giảm giá siêu hấp dẫn.