Thiếu thuốc không chỉ riêng ở Việt Nam
Liên quan đến vấn đề thiếu thuốc mà ĐBQH nêu, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, để giải quyết triệt để vấn đề thiếu thuốc không phải mục tiêu của riêng Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang phải thực hiện. Đặc biệt, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống cung ứng cũng như chuỗi cung ứng liên quan tới nguyên liệu và các mặt hàng thuốc trên thế giới.
Về chính sách phát triển công nghiệp dược, theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, dự thảo luật đã quy định những vấn đề liên quan tới các chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư đặc biệt; bên cạnh đó các chính sách cũng quy định trong các điều luật khác, ban soạn thảo cũng đã đưa vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược lần này.
Liên quan tới vấn đề kinh doanh chuỗi nhà thuốc, người đứng đầu ngành y tế cũng khẳng định, hiện việc kinh doanh chuỗi nhà thuốc không phải là nội dung mới và đã được quy định trong Luật Dược (2016). Dự thảo lần này bổ sung thêm các quy định về quyền và trách nhiệm của các tổ chức chuỗi nhà thuốc, trách nhiệm của nhà thuốc trong chuỗi cũng như quy định các nhà thuốc phải chịu trách nhiệm về toàn bộ chuỗi cung ứng.
Giải trình liên quan đến vấn đề thương mại điện tử (TMĐT), theo tư lệnh ngành y tế, việc kinh doanh TMĐT hiện nay là vô cùng cần thiết, trong thực tiễn vẫn còn khoảng trống pháp lý, đặc biệt là đối với mặt hàng đặc thù như thuốc. Chính vì vậy, trong dự thảo luật chỉ cho phép việc kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc thông qua sàn giao dịch TMĐT, ứng dụng TMĐT, website TMĐT bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến để xác định rõ được pháp nhân phải chịu trách nhiệm.
Ngoài ra, quy định thêm các quy định về điều kiện kinh doanh loại thuốc, đối tượng được tham gia mua bán, bảo mật thông tin, truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng, quản lý giá thuốc, tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc, quy trình giao thuốc, vận chuyển, trách nhiệm của người thực hiện kinh doanh TMĐT.
Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định: "Chúng tôi nói đây là loại hình kinh doanh, các doanh nghiệp thực hiện kinh doanh TMĐT vẫn là những doanh nghiệp đang thực tế hoạt động, có giấy phép đáp ứng đầy đủ các quy định về kinh doanh dược. Không phải chúng ta mở cho tất cả các loại thuốc, kể cả thuốc không đăng ký lưu hành".
Tránh tăng giá đột biến với giá thuốc
Giải trình về giá thuốc, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh, thuốc là mặt hàng đặc biệt nên việc quản lý với giá thuốc là một việc rất quan trọng. Năm 2016, Luật Dược đã quy định các nội dung liên quan đến quản lý giá thuốc bán buôn; Luật Giá năm 2023 với rất nhiều quy định mới về quản lý giá.
"Với tính chất mặt hàng đặc biệt và quy định về quản lý giá bán buôn đã được triển khai thực hiện từ năm 2016 đến nay. Chúng tôi đánh giá là rất hiệu quả. Qua các biện pháp, chúng ta sẽ dần quản lý được giá thuốc, tránh tăng giá đột biến trên thị trường", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Giải trình liên quan đến cấp phép, đăng ký lưu hành, gia hạn thuốc, Bộ trưởng cho biết, tiếp thu tinh thần chỉ đạo chung và những bất cập của Luật Dược năm 2016, Bộ đã quy định rất rõ những điều kiện về vấn đề tham chiếu, vấn đề giảm thủ tục hành chính trong quá trình triển khai thực hiện.
Cuối bài phát biểu, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh, đây là một luật rất quan trọng đã được cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp thu đầy đủ, được sự đồng thuận, rất mong các ĐBQH sẽ bấm nút thông qua tại kỳ họp này để đảm bảo tính đồng bộ, tương thích khi thực hiện Nghị quyết 80 của Quốc hội; Các vấn đề vướng mắc sẽ được giải quyết đến ngày 31/12/2024, từ ngày 1/1/2025 sẽ được thực hiện theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.