PGS. Khuê cũng khẳng định, ngay tại huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) với sự chi viện của các đội cơ động phản ứng nhanh, các bác sĩ tuyến dưới cũng đang điều trị rất tốt cho bệnh nhân nCoV, nên chưa cần thiết phải chuyển lên BVĐK tỉnh Vĩnh Phúc và các tuyến cao hơn.
Tại BVĐK tỉnh Thanh Hoá, hay BV chuyên khoa như BV Bệnh Nhiệt đới Khánh Hoà cũng đã điều trị hiệu quả cho bệnh nhân nCoV. Thậm chí bệnh nhân nCoV ở Thanh Hoá đã khỏi bệnh và xuất viện.
nCoV đã xuất hiện ở cả trẻ em và người lớn
Trao đổi với báo chí trưa 11/2, PGS. Khuê cho biết, ca bệnh nhiễm nCoV thứ 15 vừa được công bố tại Việt Nam là lây từ bà ngoại sang cháu, bà ngoại lây từ con gái. Theo PGS. Khuê, mô hình lây, tính chất lây cho thấy đã lan đến F3.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê.
Bệnh nhân nCoV thứ 15 là một bé gái mới chỉ có 3 tháng tuổi, đang được cách ly, điều trị tại một phòng khám thuộc huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Tình trạng bệnh của cháu bé đang được kiểm soát tốt. Bé là cháu ngoại của bệnh nhân P.T.B (là bệnh nhân có liên quan đến bệnh nhân N.T.D - 1 trong 8 người đi từ Vũ Hán về đã được báo cáo trước đây, được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và được ra viện ngày 10/02/2020). Như vậy tại Việt Nam đã có đủ lứa tuổi mắc bệnh nCoV, từ trẻ nhỏ đến người già.
PGS. Khuê cho biết thêm, tại cuộc họp trực tuyến 700 điểm cầu cuối tuần qua, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thu dung và điều trị kịp thời, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Hiện Bộ Y tế cũng đã cử đội chuyên gia y tế dự phòng, truyền nhiễm, hồi sức cấp cứu, nhi khoa sẵn sàng hỗ trợ cho tỉnh Vĩnh Phúc để kịp thời xử lý nếu bệnh nhân có diễn biến nặng lên.
Triệu chứng bệnh không rầm rộ, tuyến dưới điều trị được
Lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh khẳng định, các bệnh nhân nCoV ở Vĩnh Phúc hiện nay đều không có triệu chứng rầm rộ của bệnh như ho, sốt cao, khó thở… Do đó, đều được đưa xuống quản lý, điều trị tại bệnh viện, cơ sở y tế ở tuyến huyện. Tình trạng của các bệnh nhân đều bình thường, ổn định.
Tại Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên hiện có đội ngũ bác sĩ BV Bạch Mai đồng hành để theo dõi và điều trị cho bệnh nhân. Khi sức khoẻ các bệnh nhân ổn định, được xuất viện về nhà thì sẽ tiếp tục được giám sát tại gia đình, hướng dẫn chăm sóc động viên người bệnh bởi y tế tuyến xã cùng đoàn thể, chính quyền địa phương. Chúng tôi cũng chưa đưa bệnh nhân nào ở Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên về BVĐK tỉnh Vĩnh Phúc vì tuyến dưới đang điều trị tốt.
"Những trường hợp bệnh nhân nặng, phải thở máy, có bệnh nền mạn tính thì mới cần phải chuyển lên tuyến trên điều trị. Tuy nhiên số bệnh nhân nặng phải thở máy chỉ chiếm tỉ lệ từ 10-20%.
Tại miền Bắc, chúng tôi bố trí khu điều trị riêng ở BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, cách xa trung tâm thành phố để tránh lây lan dịch bệnh. BV Nhi Trung ương cũng đã bố trí thêm 20-40 giường bệnh để có thể "chia lửa" trong trường hợp quá đông bệnh nhi ở BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương” - PGS. Khuê nói.
Để chủ động phòng bệnh, tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức cách ly bệnh nhân ở 3 khu vực riêng gồm: Khu cách ly cho những người chưa mắc bệnh; khu cách ly của bệnh nhân đã xác định dương tính với nCoV nhưng ở thể nhẹ và khu cách ly của bệnh nhân nCoV thể nặng hơn.
PGS. Khuê nhấn mạnh, với phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ và hậu cần tại chỗ) với sự chi viện của bác sĩ tuyến trung ương sẽ giúp cơ sở tuyến tỉnh, huyện đáp ứng được điều trị cho người bệnh. Việc phân tuyến điều trị bệnh nhân nCoV tại các bệnh viện của Bộ Y tế như hiện nay là hợp lý, hiệu quả. Người dân hoàn toàn có thể yên tâm về công tác phòng, chống dịch bệnh.
Điều quan trọng là người dân cần hết sức bình tĩnh không nên quá hoang mang, lo lắng mà nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.