Các ca tái dương tính Covid-19 không có khả năng lây bệnh ra cộng đồng

Thảo Huyền

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, các ca Covid-19 dương tính trở lại không phải là “người lành mang mầm bệnh”.

Trao đổi với phóng viên sáng 5/5, PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Chuyên gia cao cấp, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho rằng, Việt Nam đang đối mặt với SARS-CoV-2 với bản chất là corona virus đột biến. Nhưng tính đột biến của con virus này đa dạng và không ổn định giống như SARS và MERS CoV, do vậy, thế giới cần nhiều thời gian để nghiên cứu về sinh bệnh học và những khoa học cơ bản về đáp ứng miễn dịch của con virus này. 

Tại mỗi quốc gia, virus đều khác một chút so với virus ban đầu phát hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc. Và các nhà nghiên cứu đã giải được trình tự gene của virus tại mỗi nước, vùng lãnh thổ. Hiện nay, đã ghi nhận nhiều biến thể khác nhau. Kể cả tại Việt Nam, virus SARS-CoV-2 cũng không giống 100% virus gây viêm phổi ở Vũ Hán. 

cac ca covid-19 tai duong tinh khong co kha nang lay benh ra cong dong hinh 1
PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Chuyên gia cao cấp, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Sau khi các bệnh nhân khỏi về lâm sàng theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Việt Nam là hết sốt ít nhất 3 ngày và xét nghiệm 2 lần cách nhau ít nhất 24 giờ có kết quả âm tính. Tại Việt Nam có thể thực hiện xét nghiệm 3-4 lần âm tính mới công bố khỏi bệnh. Theo kinh nghiệm của Trung Quốc và Hàn Quốc, sau khi được công bố khỏi bệnh, bệnh nhân vẫn tiếp tục theo dõi, cách ly thêm 14 ngày. Trong quá trình theo dõi này, Hàn Quốc phát hiện một số trường hợp tái dương tính. Tại Việt Nam, một số trường hợp sau khi khỏi bệnh và về cách ly tại cộng đồng cũng có trường hợp tái dương tính trở lại.

PGS.TS Nguyễn Văn Kính cho biết, với những trường hợp này có một số điểm quan trọng, thứ nhất các trường hợp tái dương tính không có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng nào. Thứ 2, người bệnh hoàn toàn khỏe mạnh, ăn ngủ bình thường. Trong quá trình xét nghiệm lần cuối lại có kết quả dương tính. Bản chất xét nghiệm hiện nay là Realtime-PCR chỉ lấy một “đoạn mồi” để phát hiện gene của virus SARS-CoV-2, với độ nhạy cao tới 98%, để phát hiện mật mã di truyền. Tuy nhiên, để khẳng định người bệnh tái dương tính thì virus có hoạt động hay không thì virus phải được nuôi cấy. Hiện Việt Nam là nước thứ 4 trên thế giới có thể nuôi cấp, phân lập được virus SARS-CoV-2. 

“Nếu muốn phát hiện toàn bộ con virus phải làm xét nghiệm khác khẳng định việc virus này còn hoạt động hay không phải tiến hành nuôi cấy. Tất cả những trường hợp tái dương tính quay lại bệnh viện theo dõi, chúng tôi đều phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nuôi cấy virus và đều cho kết quả âm tính. Khi kết quả âm tính, thì giả thiết đặt ra chỉ là test để phát hiện xác virus trong quá trình thải loại. Qua theo dõi, các ca tái dương tính ở Hàn Quốc, Trung quốc và những ca tại Việt Nam, đều không lây bệnh cho bất cứ người nào mặc dù họ đã về cộng đồng để cách ly. Như vậy, chúng ta có thể yên tâm và tiến hành nghiên cứu thêm về kháng thể của những trường hợp này”, PGS.TS Nguyễn Văn Kính khẳng định.

Sáng 5/5, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ cơ sở 2 công bố điều trị khỏi cho 11 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 2 ca dương tính trở lại sau khi khỏi bệnh. Thông tin thêm về tình hình điều trị các bệnh nhân dương tính lại này, PGS.TS Nguyễn Văn Kính cho biết: “Các trường hợp tái dương tính với virus đều không có bất cứ dấu hiệu lâm sàng nào, sức khỏe hoàn toàn bình thường. Khi xét nghiệm thấy dương tính, chúng tôi đã đưa các trường hợp này vào cách ly theo dõi để đảm bảo cho cộng đồng, đồng thời, các bệnh nhân cũng không cần phải áp dụng biện pháp điều trị nào, chỉ theo dõi cách ly”.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính, các trường hợp này cũng hoàn toàn không phải là người lành mang mầm bệnh, vì nếu là trường hợp đó thì virus phải còn sống khi nuôi cấy: “Đây là một trong những vấn đề của đáp ứng miễn dịch cần nghiên cứu thêm. Về y tế công cộng, chúng ta không e ngại gì vấn đề tái dương tính”./.