Vai trò của chất sắt đối với sức khỏe
Chất sắt đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe. Nó có nhiều tác dụng, gồm:
- Đóng vai trò quan trọng để tạo hồng cầu.
- Vận chuyển oxy và CO2 trong quá trình hô hấp.
- Dự trữ oxy cho cơ thể.
- Vận chuyển electron (cytochrom, mitochondrial dehydrogenase).
- Hô hấp tế bào (catalase, peroxydase).
- Tham gia vào thành phần của một enzym trong hệ miễn dịch.
- Là thành phần của một số men quan trọng.
- Có vai trò quan trọng trong sự phát triển trí não ở trẻ. Do đó chất sắt rất quan trọng đối với phụ nữ có thai, giúp quá trình mang thai khỏe mạnh cho cả thai phụ và thai nhi.
Thiếu sắt: Sẽ gây ra tình trạng thiếu máu thiếu sắt, ảnh hưởng đến hoạt động chuyển hóa của tế bào do thiếu hụt các men chứa sắt. Hơn nữa, còn gây ra nguy cơ cao hấp thu chì từ đường tiêu hóa, gây ngộ độc chì cho cơ thể.
Nhu cầu về sắt tăng trong trường hợp mất máu qua các chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, có thai, cho con bú, trẻ em tuổi dậy thì...
Sắt thường được bổ sung đầy đủ qua chế độ ăn thông thường hằng ngày.
Thừa sắt: Quá tải sắt trong cơ thể cũng gây ra ứ đọng sắt tại các mô như tim, gan, tuyến nội tiết... dẫn đến rối loạn trầm trọng chức năng các cơ quan này. Từ đó có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nếu không có biện pháp loại bỏ lượng sắt dư thừa.
Trên thực tế thường gặp các tình trạng thiếu sắt mà rất hiếm gặp tình trạng thừa sắt do tiêu thụ thực phẩm nhờ cơ chế tự điều hòa chuyển hóa của cơ thể. Tình trạng tích lũy gây thừa sắt thường gặp ở bệnh nhân phải truyền máu thường xuyên trong các bệnh thiếu máu huyết tán.
Vai trò của chất sắt đối với da và tóc
Khi cơ thể bị thiếu chất sắt sẽ dẫn đến thiếu máu. Thiếu máu làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe toàn trạng nói chung và làn da, mái tóc nói riêng.
Làn da: Da nhợt nhạt, xanh xao, xuất hiện nhiều quầng thâm là dấu hiệu thiếu máu phổ biến nhất do thiếu sắt. Việc thiếu chất sắt làm cho nồng độ hemoglobin giảm, dẫn đến giảm hồng cầu.
Lưu lượng oxy giảm có thể làm mất màu da, khiến làn da thiếu sức sống. Bổ sung sắt có trong thực phẩm một liều lượng lành mạnh vào chế độ ăn uống hàng ngày sẽ giúp khắc phục tình trạng thiếu máu thiếu sắt và giúp làn da hồng hào.
Ngoài ra, quá trình sản xuất collagen tự nhiên của cơ thể cần nhiều oxy. Nếu thiếu sắt sẽ ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển và tích lũy oxy. Từ đó làm ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp collagen, cơ thể cũng không hấp thu được tối ưu hàm lượng collagen. Từ đó sẽ khiến làn da xuất hiện những nếp nhăn và các tổn thương trên da cũng lâu hồi phục.
Mái tóc: Sợi tóc có cấu trúc riêng biệt, trong tóc có 80% protein, 15% nước, 5% muối khoáng. Một sợi tóc gồm có nang tóc và thân tóc.
Nang tóc là phần bầu tóc nằm dưới da đầu, thành phần chủ yếu là chất sừng keratin (một protein) chiếm 70%. Còn lại là một số chất béo, chất dầu có tác dụng gắn kết các phần keratin lại với nhau. Mỗi nang tóc chứa rất nhiều mạch máu nhỏ li ti. Mạch máu là đường dẫn chất dinh dưỡng đi nuôi tóc, giúp tóc mọc dài ra.
Nếu thiếu sắt, nang tóc sẽ bị suy yếu, chất keratin bị thiếu hụt, sợi tóc không có đủ oxy để duy trì trạng thái khỏe mạnh bình thường. Lúc này, tóc sẽ trở nên khô giòn, dễ bị gãy rụng.
Bổ sung sắt giúp cải thiện kết cấu tóc và giảm sự xỉn màu bằng cách tăng lưu lượng oxy và chất dinh dưỡng đến chân tóc, da đầu.
Bổ sung sắt qua chế độ ăn
Do cơ thể không tự sản xuất được chất sắt, nên cần bổ sung sắt qua chế độ ăn. Các thực phẩm giàu chất sắt gồm:
- Các loại thịt bò, thịt cừu, gà tây, thịt gà, thịt bê, thịt lợn, gan là nguồn cung cấp sắt tốt nhất.
- Hải sản như tôm, nghêu, sò điệp, hàu, cá ngừ, cá mòi, cá thu chứa nhiều sắt và các chất dinh dưỡng có lợi khác.
- Các loại rau có nhiều chất sắt là rau bina, bông cải xanh, cải xoăn, rau ngót, khoai lang, đậu Hà Lan...
- Các loại trái cây như dâu tây, dưa, nho khô, chà là.
- Ngũ cốc nguyên hạt, nguyên cám, bột ngô, bánh mì lúa mạch đen, yến mạch, gạo…
- Uống đủ nước để giúp cơ thể vận chuyển, tiêu hóa, chuyển hóa thức ăn tốt hơn.