Cái giá bèo bọt cho những kẻ “tham bát bỏ mâm”

Huy Hoàng

Mấy ngày qua, khi những thông tin về diễn biến dịch Covid-19 tại Việt Nam đang trở thành tiêu điểm, thì trên mạng xã hội cũng “sục sôi” thông tin về những kẻ “tham bát bỏ mâm”, vì chút lợi nhuận cỏn con mà bán rẻ sức khỏe, tính mạng của đồng bào, đạp đổ biết bao công sức của cả một đất nước.

Bạn tin được không, cái giá cho một người Việt Nam về từ Trung Quốc thông qua các hãng xe dịch vụ Trung Việt chỉ khoảng 4.000 NDT (tương đương khoảng 13 triệu đồng Việt Nam). Chi phí này được nhà xe cam kết đảm bảo tránh được chốt kiểm dịch và người trên xe không phải cách ly 14 ngày bắt buộc... hay Tiền công “vận chuyển” một người Việt Nam qua đường mòn, lối mở từ Campuchia về Việt Nam chỉ có... 250.000 đồng. Đó là những thông tin đau xót đối với bất kỳ người Việt nào khi đọc được những thông tin quảng cáo đang được lan truyền trên mạng xã hội Facebook, Zalo...

Rạng sáng 25/7, đồn Biên phòng Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang) phối hợp cùng Công an xã Thượng Phùng đã ngăn chặn một nhóm 10 công dân Việt Nam nhập cảnh trái phép. Nhóm này thuê 4 người bản địa dẫn đường với giá khoảng hơn 3 triệu đồng, với mục đích trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng, để không phải vào khu cách ly tập trung.

Những con số bèo bọt được chi trả để tiếp tay cho những sai lầm, phải chăng, nhân cách của một số cá nhân đang bị bán rẻ, chỉ vì hám của mà sẵn sàng đặt sức khỏe, tính mạng của đồng bào vào những mối nguy khó bề phòng bị?

Hơn nửa năm nay, những chiến binh quả cảm vẫn đang cần mẫn từng ngày với sứ mệnh sớm đưa đất nước thoát khỏi “lũ giặc” mang tên Covid-19. Cùng kề vai sát cánh với đội ngu y, bác sĩ đang miệt mài chiến đấu với những ca dương tính, là hàng nghìn chiến sĩ biên phòng căng mình làm nhiệm vụ, có nhiều chiến sĩ biền biệt từ Tết đến giờ vẫn chưa về thăm nhà, việc hiếu, việc hỷ cũng phải hoãn lại, để hoàn thành nhiệm vụ.

Đồng bào cả nước chung sức chống dịch, tuân thủ những đợt giãn cách xã hội, chấp nhận rủi ro công việc,… chỉ mong sớm tìm lại cuộc sống bình yên, khỏe mạnh.

Những công sức ấy đổi lại cho Việt Nam gần 100 ngày không phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng. Những tưởng, thời khắc công bố hết dịch của Việt Nam đã đến thật gần, khi chúng ta đã làm rất tốt khi kiến tạo một bức tường thành ngăn chặn Covid-19, mà cả thế giới cũng phải đánh giá cao.

Nhưng, một bức tường thành cũng có thể đổ sập vì “tổ mối”! Ca bệnh số 416 và những ca nối tiếp phía sau, cập nhật đến thời điểm hiện tại đã là 431, một lần nữa khiến chúng ta phải giật mình: “Có ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng và mất dấu F0”.

Thật đáng lên án và cần có sự trừng trị thích đáng cho những kẻ chỉ vì chút lợi nhuận không đáng kể mà sẵn sàng bỏ đi nghĩa đồng bào bất chấp an toàn, tính mạng của cộng đồng, bất chấp nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Một cuộc chiến mới lại bắt đầu, khi cuộc chiến trước đó đã và đang dần đi đến hồi kết. Cuộc chiến mới chẳng đâu xa lạ, do chính những kẻ “khoác áo đồng bào” vì sự tham lam ích kỷ của mình mà ngu dốt tự mở cửa, đón virus về nhà.

Những người nhập cảnh trái phép, những người có thể về Việt Nam trốn được cách ly cũng chính là nhờ những người Việt kia dẫn đường. Chúng tổ chức thành một đường dây tinh vi, tự tin quảng cáo trên mạng xã hội: “Đảm bảo né được cách ly”, chúng hả hê thu về những đồng tiền đánh đổi bằng sự an toàn của cả một đất nước, một dân tộc.

Chỉ vì cái lợi cỏn con của một vài cá nhân ích kỷ, mông muội, mà cả hệ thống chính trị và hàng triệu người đang phải chạy theo để truy tìm virus, chạy theo để “lấp lỗ hổng”, để vực dậy bức tường thành vững chãi suốt nhiều tháng qua, bỗng dưng bị “mối xông”.

Đã có những cá nhân bị khởi tố, nhưng liệu đã tìm được hết những kẻ mờ mắt vì tiền này hay chưa, khi những ngày qua, chỉ cần lướt mạng xã hội, đã có thể tìm thấy hàng loạt tài khoản cá nhân hứa hẹn đưa người trốn cách ly. Biết bao chuyến xe đã trót lọt mà những kẻ mang mầm mống của dịch bệnh chưa bị phát hiện?

Ngay cả những kẻ, bằng cách nào đó, có thể luồn lách để về được Việt Nam, mà không chịu khai báo y tế, tự cách ly để đảm bảo an toàn, cũng chính là những “con mối” đáng trách! Chỉ vì chăm chăm tư lợi cá nhân, thậm chí, họ mang virus đi gieo rắc khắp nơi trong sự hả hê, tận hưởng, nghĩ rằng bản thân đã an toàn, mà chính họ trở thành kẻ địch, chống lại sự nỗ lực của toàn dân.

Lòng người trở nên bạc bẽo theo cái giá bèo bọt để chi trả cho những chuyến xe đánh đổi, hy sinh sự an toàn của người khác để thỏa mãn mình, rồi vô tình “thả F0 về rừng người” khó nhận diện, khó kiểm soát.

Tự hỏi, đến khi, chính người thân, bạn bè của những kẻ bất chấp sinh tử của đồng bào kia, chẳng may trở thành bệnh nhân, liệu họ có chút mảy may ân hận? Hay với bản tính ích kỷ, chỉ biết đến lợi ích của bản thân, họ cũng chẳng có một chút cảm xúc, lạnh lùng bước qua như chưa từng có chuyện gì xảy ra…

Vào lúc này, sức mạnh toàn Đảng, toàn dân lại cần được đẩy lên cao nhất. Đứng trước một cuộc chiến mới, những chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch lại thêm phần vất vả, người dân cả nước lại một phen sốt sắng, phập phồng. Nhiều chuyến đi bị hủy, nhiều gia đình phải quyết định tự cách ly vì những chuyến bay vô tình qua Đà Nẵng trước đó.

Tôi đồng cảm khi bắt gặp những dòng chia sẻ của một người bạn nhỏ bé: “Cũng vì phát hiện thêm ca nhiễm mới trong cộng đồng, mà mình phải huỷ chuyến đi chơi Đà Nẵng vào đầu tháng 8, dù vé đã đặt, chỉ đang đợi ngày đi. Trong lòng vừa tiếc tiền, vừa tiếc chuyến đi “xả hơi”. Nhưng tính ra, cái vé của mình cũng chưa thấm vào đâu so với đời sống của bao nhiêu con người khác. Vài tháng trước là Hà Nội, rồi bây giờ lại là Đà Nẵng... Hy vọng lần này chúng ta lại có thể thực hiện được tốt như lần trước để Việt Nam sớm được bình yên trở lại. Có lẽ khi nào mỗi người dân đều biết tự ý thức thì khi đó Việt Nam mới hết khổ được…”.

Giá như, bất cứ ai mang trong mình dòng máu Việt, mang quốc tịch Việt Nam đều có những suy nghĩ vì cộng động như vậy, thì cuộc chiến đã không còn gian nan như lúc này.

Virus vốn không biết chọn để lây cho người giàu hay người nghèo, càng không thể có chuyện dùng tiền để mua sự sống, mua lấy sự ưu tiên khi cả cộng đồng đứng trước nguy cơ bị lây nhiễm. Vậy, tại sao, lại mang đồng tiền để đánh đổi với bức tường thành nguy nga, kiên cố; với tấm khiên bảo vệ trong cuộc chiến này?

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!