Độ pH của da có thể ảnh hưởng tới ngoại hình tươi trẻ, mịn màng và cả sức khỏe của làn da. Tuy đóng vai trò quan trọng, độ pH này lại rất dễ bị ảnh hưởng bởi các tác nhân bên ngoài hay chính lượng hormone bên trong cơ thể.
Độ pH là mức thang từ 0 – 14 để đo tính axit (acidic) hay tính kiềm (alkaline) của một chất với 0 là mức axit cao nhất và 14 là mức kiềm cao nhất. Da cũng có một độ pH tối ưu nhất định để có thể luôn sáng khỏe, mượt mà và đủ ẩm. Vậy độ pH bao nhiêu là tốt cho da? Tại sao da mất cân bằng pH và cách cân bằng lại độ pH của da?
Độ pH bao nhiêu là tốt cho da?
Độ pH tự nhiên của da dao động trong khoảng 5,5, có nghĩa là làn da có tính axit nhẹ. Tình trạng độ pH của da quá cao hoặc quá thấp so với mức tối ưu này đều sẽ ảnh hưởng tới hệ sinh thái tự nhiên gồm các chất dưỡng ẩm, vi khuẩn và dầu trên da.
Khi da có tính axit cao hơn mức tối ưu, lợi khuẩn không còn kiểm soát được hại khuẩn cũng như khó chống lại các tình trạng viêm nhiễm. Điều này có thể khiến da bị mụn và đỏ cũng như không thể phục hồi nhanh khi bị tổn thương.
Nếu có tính kiềm quá cao, da lại dễ có các dấu hiệu lão hóa sớm. Một nghiên cứu trên Tạp chí Da liễu Anh (British Journal of Dermatology) cho thấy trong 8 năm, phụ nữ có làn da nghiêng về tính kiềm hơn (có số pH cao) có số lượng nếp nhăn và chân chim nhiều hơn so với những người có độ pH của da ở mức tối ưu.
Nguyên nhân gây mất cân bằng độ pH da
Làn da rất dễ mất đi độ cân bằng tối ưu vì các yếu tố tác động bên ngoài như hóa chất từ mỹ phẩm hay vì các nguyên nhân từ bên trong như thay đổi hormone qua các thời kỳ.
Da tiếp xúc với hóa chất
Những chất nhũ hóa ẩn trong các sản phẩm tẩy rửa có thể làm mất các loại dầu tự nhiên có tác dụng bảo vệ da, khiến độ pH của da dễ bị tác động hơn bởi các tác nhân trong môi trường. Một số chất tẩy rửa và chất tạo bọt có chứa sodium lauryl sulfate, một chất có tính kiềm cũng có thể khiến da mất cân bằng pH.
Bên cạnh đó, hợp chất ethanolamines trong các sản phẩm giặt giũ hay mỹ phẩm cũng có thể khiến da bị nhiễm độc hay ảnh hưởng tới hormone trong cơ thể và từ đó khiến da dễ tổn thương. Các chất kháng sinh như triclosan và triclocarban trong một số sản phẩm tẩy rửa cũng có thể khiến da mất cân bằng pH. Những chất này có tính năng diệt khuẩn nên có thể tấn công các vi khuẩn giúp cân bằng độ pH trên da cùng các hại khuẩn.
Thay đổi hormone trong cơ thể
Hormone trong cơ thể cũng có thể là tác nhân gây ảnh hưởng lớn đến mức pH của làn da. Sự biến động của các hormone giới tính như estrogen và progesterone sẽ khiến da sản xuất nhiều dầu thừa và bị mất đi độ pH tối ưu.
Ngoài ra, hormone cũng sẽ thay đổi khi bạn bước vào độ tuổi 50 tuổi hoặc khi phụ nữ tiến đến gần giai đoạn mãn kinh. Ở những độ tuổi này, mức pH của da cũng bắt đầu thay đổi và ngày càng trở về mức trung tính. Da khi mất tính axit sẽ trở nên dễ bị ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường, các gốc tự do và vi khuẩn hơn. Vậy nên, những tác nhân này sẽ góp phần phá vỡ độ pH của da nhiều hơn.
Chế độ ăn uống không lành mạnh
Chế độ ăn uống nếu không phù hợp có thể gây dị ứng và khiến da bị kích ứng cũng như mất đi độ pH tối ưu. Hơn nữa, cách ăn uống không lành mạnh cũng ảnh hưởng tới mức hormone trong cơ thể hoặc khiến sức khỏe tổng thể giảm sút. Đây là những tác nhân khiến da không còn khỏe mạnh và dễ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bên ngoài hơn.
Cách cân bằng độ pH của da
Khi da bị mất cân bằng pH và xuất hiện những dấu hiệu tiêu cực như viêm nhiễm hay lão hóa, bạn có thể thực hành một số cách khắc phục như sau:
1. Thay đổi chế độ ăn uống
Độ pH của da cũng bị ảnh hưởng bởi cách bạn lựa chọn thực phẩm bổ sung cho cơ thể. Nếu muốn da luôn được cân bằng và đẹp từ bên trong, bạn cần cân bằng độ pH bên trong cơ thể trước. Độ pH tự nhiên của máu rơi vào khoảng 7.365 – 7.45, một mức pH hơi kiềm. Nếu muốn duy trì độ pH này để cơ thể hoạt động một cách tốt nhất và làn da luôn sáng đẹp, bạn hãy bổ sung các loại trái cây và rau quả tươi xanh có tính kiềm nhẹ và tránh các thực phẩm có tính axit như sữa hay các loại thịt.
2. Không tắm rửa quá nhiều
Một trong những cách hiệu quả để giữ độ pH da lành mạnh, đặc biệt đối với những người có làn da khô hoặc nhạy cảm, là không làm sạch da quá nhiều. Độ pH của da tăng 1,1 sau khi bạn tắm rửa bằng nước không, 1,2 sau khi tắm rửa bằng xà phòng có tính kiềm và 0,9 sau khi tắm rửa bằng các chất tẩy rửa tổng hợp khác. Trong vòng 1 – 2 tiếng sau khi tắm rửa thì tính axit của da mới được phục hồi về mức tự nhiên 5,5.
Việc tắm rửa nhiều lần trong ngày sẽ khiến da mất nhiều thời gian phục hồi độ axit tự nhiên hơn. Vậy nên, bạn chỉ cần tắm rửa một lần vào buổi tối để làm sạch bụi bẩn là đã đủ. Sau khi tắm, bạn cũng có thể đẩy nhanh quá trình phục hồi độ pH của da bằng cách dùng toner chăm sóc da hoặc kem dưỡng da có tính axit nhẹ.
3. Chọn mỹ phẩm cẩn thận
Khi mua mỹ phẩm để dùng trên da, bạn hãy ưu tiên những sản phẩm có thành phần tự nhiên không nghiêng về tính axit hay tính kiềm quá nhiều. Bạn có thể ưu tiên mỹ phẩm có các chất chống oxy hóa như vitamin A, C và E. Những chất chống oxy hóa này giúp bạn duy trì độ axit của da bằng cách hỗ trợ các tế bào hoạt động một cách tối ưu và tránh được các ảnh hưởng từ môi trường.
4. Chăm sóc da mỗi ngày
Khi cân bằng độ pH của da, bạn nên chú ý đến các thói quen chăm sóc da hàng ngày sau đây:
• Đắp mặt nạ tự nhiên: Để làm mặt nạ dưỡng da tự nhiên chứa nhiều vitamin C và E, bạn có thể nghiền một quả dâu tây để trộn đều với một thìa cà phê dầu hướng dương và một thìa sữa chua. Sau đó, bạn thoa lên hỗn hợp lên da và để yên trong 10 phút. Loại mặt nạ này sẽ cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho làn da mà không chứa bất kỳ hóa chất có hại nào.
• Dùng mật ong: Bạn cũng có thể dùng mật ong chưa qua tinh chế hay còn gọi là mật ong nguyên chất để chăm sóc da vì mật ong có tính chất sát trùng mà cũng giúp da giữ ẩm rất tốt. Điều này sẽ giúp bạn giữ da luôn mịn màng và còn tránh trường hợp da có nếp nhăn sớm.
• Tẩy tế bào chết: Tẩy tế bào chết sẽ giúp da được đủ ẩm. Thế nhưng, bạn cần tránh dùng các chất tẩy tế bào chết vật lý dạng hạt mà hãy ưu tiên các chất tẩy tế bào chết hóa học từ thực vật vì sẽ dịu nhẹ cho da hơn. Bên cạnh đó, bạn cũng nên sử dụng kem chống nắng khi ra ngoài để bảo vệ làn da khỏi các tia bức xạ mặt trời có hại cho độ pH của da.
Khi mất cân bằng pH, da sẽ mất đi sự tươi trẻ vốn có do dễ bị kích ứng, nổi mụn, tấy đỏ hay bị lão hóa sớm. Để tránh những dấu hiệu tiêu cực này, bạn cần tránh các tác nhân ảnh hưởng tới độ pH của da như hóa chất trong mỹ phẩm hay thực phẩm không lành mạnh. Khi lựa chọn được những sản phẩm chăm sóc da tự nhiên cũng như xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, bạn không những có làn da sáng đẹp mà còn bảo vệ sức khỏe tốt hơn nữa đấy.
Như Vũ