Lập lờ “hóa đơn”
Genviet Jeans là thương hiệu thuộc Công ty Cổ phần thời trang Genviet có trụ sở tại Cụm công nghiệp Cầu Giát, xã Châu Giang, huyện Duy Tiên, Hà Nam. Đổi tên thương hiệu từ Genova jeans thành Genviet Jeans – “Jeans của người Việt” từ tháng 3/2012, tính đến nay, đơn vị này đã có hệ thống hơn 70 cửa hàng trên cả nước, riêng tại Hà Nội là 30 cửa hàng.
Thời gian gần đây, báo Đời sống và Pháp luật nhận được nhiều đọc giả về việc Genviet Jeans bán hàng không xuất hóa đơn VAT khi khách hàng yêu cầu.
Để làm rõ thông tin, trong vai khách hàng, PV có mặt tại cửa hàng Genviet 39 Đội Cấn (tại 39 Đội Cấn, Ba Đình) vào ngày 1/10. Theo quan sát, hầu hết sản phẩm tại đây đều được làm bằng chất liệu Jean (chất vải bò – PV), dành cho cả nam và nữ. Mức giá dao động từ 300 nghìn đến gần 600 nghìn/ sản phẩm.
Phiếu thanh toán được Genviet coi là “hóa đơn” nhưng không có mục nào thể hiện về VAT
Chọn mua sản phẩm váy thô có giá 518 nghìn đồng, giảm giá 259.000 đồng còn 259.000 đồng sau khi thanh toán, nhân viên cửa hàng đã đưa phiếu thu cho PV và nói đây là “hóa đơn”. Tuy nhiên, thông tin thể hiện trong phiếu nhân viên Genviet cung cấp không phải là hóa đơn, cũng không có phần VAT theo quy định pháp luật.
Phiếu thanh toán được Genviet coi là “hóa đơn” nhưng không có mục nào thể hiện về VAT
Trước đó, cuối tháng 8/2019 tại Genviet địa chỉ T234 tầng 2, toà nhà Aeon Mall - 27 Cổ Linh, Long Biên, PV cũng mua một sản phẩm thương hiệu này và nhận được những ứng xử tương tự của nhân viên. Cụ thể, khi yêu cầu được xuất hóa đơn VAT, nhân viên ở đây lúng túng cho biết: “Bên em chỉ có hóa đơn này (phiếu thu – PV), nếu chị muốn nhận hóa đơn đỏ thì để lại thông tin cá nhân, chờ em báo về văn phòng, khoảng 10 ngày sau mới có”.
Tình trạng tương tự xảy ra khi PV thực tế mua hàng tại Genviet Big C Thăng Long (địa chỉ Shop ES08, tầng 1, Big C Thăng Long, 222 Trần Duy Hưng, Trung Hòa, Cầu Giấy)…
Đại diện GenViet có hiểu luật?
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với đại diện Công ty Cổ phần Thời trang GenViet, bà Đinh Thị Thiên Ngân – Trưởng phòng phụ trách truyền thông cho biết: “Khi mỗi khách đến mua hàng, cửa hàng sẽ đưa hóa đơn bán lẻ. Nếu khách hàng hoặc tổ chức đặt số lượng lớn thì bên doanh nghiệp sẽ công thêm 10% Còn không thì các cửa hàng bán lẻ hiện tại đang bán với giá chưa có VAT”
Thắc mắc về mỗi sản phẩm bán lẻ mà không đi kèm với hóa đơn VAT, thì việc tính thuế của những sản phẩm này như thế nào, Bà Ngân giải thích: “ Về việc này, có lẽ trong luật sẽ có qui định riêng về việc bán lẻ. Còn về vấn đề này thì phải người có nghiệp vụ về thuế của Công ty mới nắm rõ”.
Trao đổi với PV, luật sư Phạm Văn Phất, Trưởng văn phòng luật sư An Phát Phạm (Đoàn luật sư tỉnh Quảng Ninh) cho rằng, việc không xuất VAT cho khách hàng sẽ vi phạm khoản b, Điều 1, Thông tư 39 TT39/2018/TT-BTC, trong đó quy định những hàng hóa có giá trị từ 200 nghìn đồng trở lên đều phát xuất hóa đơn.
“Việc không xuất hóa đơn là nhằm mục đích che dấu doanh thu, có biểu hiện trốn thuế. Tuy nhiên, để xác định có phải là tội Trốn thuế hay không thì các cơ quan chức năng sẽ cần dựa trên kết quả kiểm tra thuế, phạt thuế… theo trình tự thủ tục của pháp luật quy định”, luật sư Phất cho biết thêm.
Ở một phía cạnh khác, Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng VPLS Tinh Thông Luật)- Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, trường hợp khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần, người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế (nếu có) thì vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ “người mua không lấy hóa đơn” hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế”.
Quy trình bán hàng của Genviet có đúng theo quy định hay không, Genviet có thống kê chính xác số phiếu thu và tổng giá trị sản phẩm của 30 cửa hàng ở Hà Nội để đóng thuế đầy đủ hay không? Những thắc mắc này từ dư luận xã hội xin được gửi đến cơ quan chức năng và doanh nghiệp này.
Đời sống & Pháp luật sẽ liên hệ với các cơ quan chức năng liên quan và thông tin tới độc giả trong những bài sau...