Cần làm rõ việc khai thác cát gây sạt lở bãi bồi trên sông Hồng

Biên tập viên

Khu vực giáp ranh là nơi xuất hiện nhiều phương tiện khai thác cát gây ra hiện tượng sạt lở bãi bồi.

Quá trình ghi nhận công tác về quản lý đê điều và phòng chống thiên tai tại một số điểm giáp ranh giữa thành phố Hà Nôi và tỉnh Hưng Yên, phóng viên nhận được nhiều phản ánh của người dân xã Tự Nhiên, huyện Thương Tín, thành phố Hà Nội về tình trạng tàu thuyền từ phía huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên sang khai thác cát liên tục, gây sạt lở những khu đất bãi bồi giữa sông Hồng.

Người dân cho rằng, nếu không được ngăn chặn kịp thời thì sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là thời gian này mưa lũ thất thường, mực nước sông Hồng dâng cao dễ gây sạt lở sâu vào phía trong điểm canh tác của bà con.

Khai thác cát đến đâu sạt lở đến đó

Cần làm rõ việc khai thác cát gây sạt lở bãi bồi trên sông Hồng- Ảnh 1.

Địa điểm người dân phản ánh việc khai thác cát khiến bãi bồi giữa sông Hồng dần biến mất theo thời gian.

Theo phản ánh của người dân, Người Đưa Tin đã ghi nhận tình trạng các tàu khai thác cát với công suất rất lớn đi kèm các vòi hút dài hàng chục mét. Những chiếc vòi này được cắm sâu xuống sông Hồng và sát một bãi bồi.

Cần làm rõ việc khai thác cát gây sạt lở bãi bồi trên sông Hồng- Ảnh 2.

Những chiếc vòi "bạch tuộc" đang ngày đêm hút tài nguyên khoáng sản giữa sông Hồng.

Những cột nước và cát cứ theo tiếng máy động cơ được bơm vào đầy các khoang thuyền, cát hút đến đâu bờ bãi sạt lở biến mất đến đó. Sau mỗi lần những chiếc tàu thuyền này rời đi, những thân cây chuối cũng bị kéo xuống dòng sông bởi không còn đất để sinh sống.

Cần làm rõ việc khai thác cát gây sạt lở bãi bồi trên sông Hồng- Ảnh 3.

Mỗi ngày có hàng chục lượt tàu ra vào khai thác cát khiến cho bãi bồi trở lên nham nhở.

Thông tin từ phía người dân cho biết, tình trạng khai thác cát tại đây diễn ra từ lâu, hiện này khu bãi bồi trên chỉ còn một phần rất nhỏ so với ban đầu. Quan sát từ trên cao khu bãi bồi mà người dân phản ánh hiện nay nham nhở theo từng đoạn do bị các tàu hút ngày đêm "gặm nhấm".

Cần làm rõ việc khai thác cát gây sạt lở bãi bồi trên sông Hồng- Ảnh 4.

Các tàu khai thác cát sáng rực cả một khúc sông Hồng nhưng không bị ngăn chặn xử lý.

Mặc dù việc khai thác cát diễn ra một cách ngang nhiên, cùng với hàng chục phương tiện ra vào gây mất an toàn giao thông đường thủy và sạt lở, thế nhưng quá trình ghi hình phóng viên không thấy lực lượng CSGT đường thủy có biện pháp ngăn chặn, xử lý.

Cần làm rõ việc khai thác cát gây sạt lở bãi bồi trên sông Hồng- Ảnh 5.

Một chiếc tàu rời đi sau khi đầy hàng.

Với những vòi hút công suất cực lớn chỉ mất từ 40 - 50 phút là các tàu cát đã "ăn no" hàng và nhanh chóng rời đi xuôi về hướng Hà Nam. Theo ghi nhận của phóng viên điểm khai thác này diễn ra đến 06h sáng hàng ngày.

Cần làm rõ việc khai thác cát gây sạt lở bãi bồi trên sông Hồng- Ảnh 6.

Chiếc tàu rời đi cũng là lúc mặt trời ló rạng trên sông Hồng.

Tiếp tục khai thác cát sau khi lũ rút

Trong một diễn biến khác, sau cơn bão số 3 những "ổ nhóm" khai thác cát này còn cho tàu hút "đánh cát" ngay giữa lòng sông Hồng. Các phương tiện khai thác này đỗ giữa lòng sông và ngang nhiên rụt ruột sông Hồng.

Cần làm rõ việc khai thác cát gây sạt lở bãi bồi trên sông Hồng- Ảnh 7.

Cảnh khai thác cát rầm rộ ngay sau khi cơn bão số 3 vừa tan.

Trước tình trạng trên người dân rất mong lực lượng chức năng sớm vào cuộc chỉ đạo làm rõ, ngăn chặn việc khai thác cát tránh hệ lụy về sau. Cùng với đó cần làm rõ trách nhiệm của những đơn vị quản lý và xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm. Theo người dân chỉ cần lực lượng chức năng kiểm tra các bến bãi dọc sông Hồng và làm rõ nguồn gốc của những "núi cát" đang tập kết.

Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin vè đường đi của những chiếc tàu khai thác cát trên và họat động điều hành của nhóm đối tượng cầm đầu.

Xử lý nghiêm cán bộ tiếp tay cho “cát tặc”

Chiều 3/10, tại buổi họp báo của UBND thành phố Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an Thành phố đã trả lời vấn đề báo chí quan tâm vấn đề "cát tặc" trên các tuyến sông.

Theo đó, Bộ Công an, lãnh đạo thành phố giao lực lượng công an làm chủ công phối hợp với các đơn đưa ra nhiều kế hoạch, giải pháp cụ thể để giải quyết dứt điểm tình trạng bến bãi không hợp pháp.

Hiện nay giá nguyên vật liệu xây dựng như cát đang tăng. Công an Thành phố đã ban hành nhiều kế hoạch và giao cho đơn vị chủ công là Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp với Công an các quận, huyện, thị xã để đấu tranh với tội phạm này. Cùng với đó là sự vào cuộc của Ban chỉ đạo 138 các cấp.

Trước nhu cầu nguyên vật liệu cao, các đối tượng các đối tượng tìm mọi cách để khai thác cát trái phép. Khẳng định, Công an Thành phố quyết liệt xử lý vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng dẫn chứng: “Ngày 17/7/2024, Công an Thành phố đã xác lập chuyên án để bắt giữ toàn bộ số đối tượng khai thác cát và đi bán giáp ranh giữa tỉnh Vĩnh Phúc và Ba Vì của Hà Nội.

Chuyên án rất thành công, Công an Thành phố đã kỳ công bởi đặc thù khó khăn trên sông nước. Công an Thành phố đã bắt, khởi tố và tạm giam 9 đối tượng; thu 2 tàu hút, 2 máy xúc và 9000 m3 cát trị giá hơn 700 triệu đồng và một súng thể thao. Vụ án này đang được điều tra mở rộng để xét xử điểm. Các công ty và các đối tượng này đều ở Vĩnh Phúc, là người Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Không có đối tượng nào liên quan đến Hà Nội".

Công an Thành phố cũng đã ban hành kế hoạch và giao nhiệm vụ cụ thể tới Đội Cảnh sát giao thông đường thủy (Phòng CSGT), Phòng Cảnh sát kinh tế và Công an các quận huyện thị xã với yêu cầu quản lý chặt, xử lý nghiêm.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng nói nói: “Không bao giờ chấp nhận cán bộ liên quan liên quan đến tiếp tay, bảo kê. Bất kỳ trường hợp nào cũng phải xử lý nghiêm. Các năm trước đây chúng tôi sau khi khám phá, đấu tranh một số chuyên án liên quan đến cát tặc và cũng đã đề nghị, kiến nghị UBND Thành phố xử lý BCĐ 138 các quận, huyện để xảy ra vụ việc”.

Thông tin báo chí phản ánh về việc khai thác cát trái phép trên sông đoạn Thường Tín, Phó Giám đốc Công an Thành phố cho biết đây là địa bàn giáp ranh với tỉnh Hưng Yên, Bên phía Hưng yên có mỏ nên các đối tượng lợi dụng địa bàn giáp ranh để "chạy sang" địa bàn tỉnh khác khi bị truy quét. Trong khi việc định vị cụ thể hành vi vi phạm trên sông, lực lượng Công an phải mời Sở Tài nguyên Môi trường xác định

Phó Giám đốc Công an Thành phố ghi nhận và mong muốn báo chí cung cấp thông tin cụ thể và cam kết xử lý nghiêm vụ việc.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng cho biết, trên địa bàn của Thủ đô thời gian qua, Công an Thành phố đã quyết liệt đấu tranh với "cát tặc" với những điểm đúng, trúng, được lãnh đạo Bộ Công an ghi nhận.

Phó Giám đốc Công an Thành phố nhấn mạnh một lần nữa việc Công an Thủ đô không bao giờ chấp nhận việc cán bộ thực thi nhiệm vụ mà làm ngơ, tiếp tay, bảo kê…

Ngoài những quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác cát thì hành vi khai thác cát, sỏi trái phép có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi điểm a, điểm b khoản 54 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017), cụ thể:

Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên

1. Người nào vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Nhóm PV