Bệnh tay chân miệng là bệnh gì?
Bệnh tay chân miệng có phải bệnh truyền nhiễm không?
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm, lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa do virus đường ruột Enterovirus 71(EV71) và Coxsackievirus A16 gây nên. Bệnh lây qua nước bọt, phân, vết phỏng nước của người bệnh sang người bình thường,…
Người mắc bệnh sẽ thấy da bị tổn thương, niêm mạc tại các vị trí như miệng, lòng bàn tay, bàn chân,… có dạng phỏng nước. Sau khi mắc bệnh, bệnh nhân không có miễn dịch vĩnh viễn mà vẫn có thể bị lại. Biến chứng của bệnh tay chân miệng cũng đặc biệt nguy hiểm, có thể dẫn đến viêm não, viêm màng não, phổi bị phù,…
Các triệu chứng của bệnh tay chân miệng
- Sốt, người mệt mỏi, lừ đừ
- Chán ăn
- Thường xuyên bị đau họng
- Đau trong miệng, miệng xuất hiện các đốm đỏ, các đốm này có thể bị viêm loét
- Phát ban trên da
- Bỏng nước hình bầu dục, màu xám, kích thước 2-10mm, thường xuất hiện ở các vị trí như lòng bàn chân, bàn tay, mông, gối,… Bóng nước có thể vỡ ra và trở thành các vết loét. Sau 5-7 ngày, bóng nước có thể xẹp dần.
- Nôn ói, tiêu chảy sau khi bóng nước nổi hoặc xẹp.
Không phải lúc nào trẻ bị tay chân miệng cũng gặp các triệu chứng này, mà tùy theo từng trẻ sẽ có một hoặc nhiều biểu hiện khác nhau.
Mối nguy từ biến chứng của bệnh tay chân miệng
Những dấu hiệu cảnh báo biến chứng của bệnh tay chân miệng
Trong quá trình trẻ bị tay chân miệng, bố mẹ có thể quan sát các biểu hiện của con. Nếu có những dấu hiệu sau đây thì nên lập tức đưa trẻ đến bệnh viện để can thiệp kịp thời, tránh xảy ra biến chứng nguy hiểm:
- Sốt cao liên tục trên 39 độ C, khó hạ dù đã áp dụng các biện pháp hạ sốt
- Ói nhiều, không kèm theo tiêu chảy, ói không sau ho
- Bạch cầu máu tăng lên trên 16000/mm3
- Khó thở, thở rít
- Ngủ li bì
- Quấy khóc, khóc khan, thường xuyên bị hoảng hốt
- Đường huyết tăng cao
- Da nổi bông, lạnh tứ chi
- Run tứ chi, đi đứng loạng choạng, yếu tay-chân
- Các tổn thương da nhiều hơn và trở nên nghiêm trọng hơn
Biến chứng của bệnh tay chân miệng đặc biệt nguy hiểm
Các biến chứng của bệnh tay chân miệng có thể tác động đến hệ thần kinh, hô hấp, tim mạch,… Thông thường, biến chứng sẽ xuất hiện trong giai đoạn ngày 2 đến ngày 5 của bệnh và cần phải lập tức xử trí. Nếu không gặp biến chứng của bệnh tay chân miệng, trẻ có thể khỏi bệnh sau 5-7 ngày.
Biến chứng của bệnh tay chân miệng đến hệ thần kinh
Bệnh tay chân miệng có thể dẫn đến một loạt các biến chứng thần kinh nghiêm trọng như viêm thân não, viêm màng não, viêm não, viêm não tủy,… Lúc này, trẻ sẽ gặp các vấn đề như:
- Tăng trương lực cơ
- Yếu, liệt cơ, đi đứng loạng choạng
- Rung giật cơ, xuất hiện các cơn co giật ngắn 1-2 giây, thường thấy ở tay và chân, đặc biệt là khi cho trẻ nằm ngửa hoặc khi vừa vào giấc ngủ
- Mắt nhìn ngược
- Liệt dây thần kinh sọ não, hôn mê, suy hô hấp
Biến chứng của bệnh tay chân miệng đến tim mạch, hô hấp
Biến chứng của bệnh tay chân miệng không chỉ tác động lên hệ thần kinh mà còn ảnh hưởng đến tim mạch và hệ hô hấp của trẻ. Một số biến chứng thường xuất hiện bao gồm phù phổi cấp, tăng huyết áp, viêm cơ tim, suy tim, trụy mạch,… Các dấu hiệu nhận biết tình trạng bệnh bao gồm:
- Mạch nhanh (trên 150 lần/phút);
- Thời gian làm đầy mao mạch chậm (trên 2 giây)
- Huyết áp tăng cao ở giai đoạn đầu (trẻ dưới 1 tuổi có chỉ số huyết áp tâm thu ≥ 110 mmHg, trẻ 1-2 tuổi có chỉ số huyết áp tâm thu ≥ 115 mmHg, trẻ trên 2 tuổi có chỉ số huyết áp tâm thu ≥ 120 mmHg), giai đoạn sau không đo được mạch và huyết áp
- Khó thở, thở nông, thở nhanh, thở khò khè, hơi thở rít, không đều
- Ngực rút lõm
- Da tím tái
- Phổi nhiều ran ẩm
- Sùi bọt hồng
- Nội khí quản có lẫn máu hoặc bọt hồng
Cách hạn chế các biến chứng của bệnh tay chân miệng
Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng
Hiện nay, vẫn chưa có thuốc đặc trị cho căn bệnh này. Do đó, việc quan trọng là điều trị các triệu chứng của bệnh tay chân miệng, tránh triệu chứng trở nặng và xuất hiện biến chứng.
Nếu trẻ bị sốt, lau mát người trẻ và cho trẻ uống thuốc hạ sốt. Ngoài ra, cần chú ý cho trẻ uống nhiều nước, tránh để trẻ bị mất nước. Trong thời gian trẻ bị bệnh, nên cho trẻ ăn các loại thức ăn mềm, lỏng, không cần phải nhai nhiều. Cho trẻ ăn đa dạng thực phẩm, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để trẻ hồi phục sức khỏe nhanh hơn.
Để trẻ nghỉ ngơi nhiều, không vận động mạnh để tránh các bóng nước bị vỡ ra. Bên cạnh đó, cần theo dõi trẻ liên tục, chú ý các dấu hiệu sức khỏe bất thường của trẻ để kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện khi cần thiết, hạn chế biến chứng của bệnh tay chân miệng.
Có thể điều trị bệnh tay chân miệng bằng các biện pháp dân gian
Hiện nay, nhiều thông tin chia sẻ có thể điều trị tay chân miệng bằng các biện pháp dân gian như tắm nước chè xanh, dùng rau sam, rau diếp cá, bạc hà,… Tuy nhiên, trên thực tế thì chưa có cơ sở khoa học để chứng minh các loại thảo dược này có thể điều trị khỏi bệnh.
Việc sử dụng các nguyên liệu dân gian chỉ có thể làm giảm các triệu chứng trên da hoặc thậm chí còn khiến các vết phồng trên da của trẻ trở nên nghiêm trọng hơn, làm tăng nguy cơ gặp biến chứng của bệnh tay chân miệng.
Vì vậy, khi trẻ bị tay chân miệng, phụ huynh không nên tự ý sử dụng các bài thuốc dân gian để điều trị cho trẻ mà nên đưa con đến bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị.
Có thể thấy, biến chứng của bệnh tay chân miệng có thể để lại ảnh hưởng nghiêm trọng với sức khỏe trẻ nhỏ. Do đó, đừng chủ quan nếu chẳng may con mắc bệnh, bạn nhé!