Công ty Phan Thị phản pháo quyết định của tòa
Sau gần 2 tháng xét xử gián đoạn vì tạm dừng phiên tòa, ngày 3/9, TAND TP.HCM đã đưa ra phán quyết cuối cùng vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ truyện Thần đồng đất Việt giữa nguyên đơn là ông Lê Linh và bị đơn là Công ty Phan Thị và bà Phan Thị Mỹ Hạnh.
Phiên tòa được mở theo đơn kháng cáo của Công ty Phan Thị và bà Phan Thị Mỹ Hạnh có nội dung đề nghị tòa cấp phúc thẩm xét xử lại theo hướng hủy toàn bộ bản án sơ thẩm vụ Thần đồng đất Việt.
|
Họa sĩ Lê Linh |
Trước đó, ngày 18/2, TAND quận 1 tuyên công nhận Lê Linh là tác giả duy nhất của 4 hình tượng Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo và Cả Mẹo trong Thần đồng đất Việt; xác nhận bà Mỹ Hạnh không phải là đồng tác giả; buộc Phan Thị chấm dứt việc tạo ra và sử dụng 4 hình tượng nhân vật này trên các biến thể khác nhau.
Tòa cũng buộc Phan Thị phải xin lỗi ông Lê Linh trên 3 kỳ liên tiếp của 2 tờ báo và thanh toán 15 triệu đồng chi phí luật sư cho vị họa sĩ.
Không đồng tình với bản án, Công ty Phan Thị và bà Phan Thị Mỹ Hạnh đã làm đơn kháng cáo.
Nhùng nhằng vụ kiện hàng chục năm trời
Theo đơn khởi của họa sĩ Lê Linh, tập truyện “Thần đồng đất Việt” ban đầu do họa sĩ Lê Linh và Công ty TNHH TM DV KT & Phát triển tin học Phan Thị (công ty Phan Thị) thực hiện. Tập đầu tiên ra mắt năm 2002. Ông Linh sáng tạo ra 78 tập truyện này từ năm 2002-2005.
Đến hết tập 78, Lê Linh ngừng sáng tác "Thần đồng đất Việt", tuy nhiên các tập tiếp theo của bộ truyện vẫn được phát triển bởi các họa sĩ khác hợp tác với Phan Thị.
Một trong những bức tranh trong "Thần đồng đất Việt" |
Tháng 4/2007, họa sĩ Lê Linh gửi đơn kiện công ty Phan Thị, yêu cầu công ty này công nhận ông là tác giả duy nhất với các hình vẽ các nhân vật truyện tranh trong “Thần đồng đất Việt” chứ không phải là đồng tác giả với bà Phan Thị Mỹ Hạnh như trong hồ sơ đăng ký bản quyền mà đơn vị này đưa ra.
Ông Linh cũng yêu cầu công ty Phan Thị không tiếp tục sáng tác bộ truyện “Thần đồng Đất Việt”.
Trong khi vụ kiện của họa sĩ với Phan Thị chưa được giải quyết, công ty này đã kiện ngược lại họa sĩ Lê Linh dùng hình ảnh nhân vật Trạng Tý (theo Phan Thị nhân vật này thuộc quyền khai thác của họ) để tạo ra nhân vật Long Tinh trong truyện “Long thánh”.
Tại phiên phúc thẩm, nguyên đơn và bị đơn đều giữ nguyên quan điểm.
Căn cứ vào tài liệu, hồ sơ vụ án và diễn biến tranh tụng tại tòa, HĐXX nhận thấy, đối với kháng cáo của Phan Thị đề nghị xác định đồng tác giả, đối tượng tranh chấp là hình thức thể hiện 4 nhân vật Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo. Các hình tượng này được Cục văn hóa cấp cho Phan Thị nhưng lại thể hiện là tập thể tác giả. Tòa nhận thấy việc cấp bản quyền lúc đó Luật Sở hữu trí tuệ chưa được vận dụng điều chỉnh nên áp dụng Bộ luật Dân sự năm 1995 để xác định quyền tác giả.
Theo quy định, quyền tác giải phát sinh từ khi tác phẩm sáng tạo dưới hình thức nhất định, không phân biệt tác phẩm công bố hay chưa công bố. Hai phía đương sự không công bố thời gian vẽ bản phác thảo nhưng tại tòa thừa nhận Lê Linh là người vẽ, trên tập truyện cũng thể hiện Lê Linh là tác giả.
Theo quy định của luật, để được công nhận là tác giả, người trực tiếp sáng tạo tác phẩm phải để tên thật. Người hỗ trợ góp ý kiến không được công nhận là tác giả. Việc Lê Linh là người trực tiếp thể hiện hình tượng nhân vật dưới dạng vật chất nhất định hoàn toàn phù hợp với quy định của luật. Việc bà Hạnh nói nhân vật hình thành trong trí óc của bà là không có cơ sở.
Về yêu cầu phía Phan Thị xin lỗi công khai, tòa nhận thấy điều này có căn cứ, phù hợp Luật sở hữu trí tuệ. Tương tự với đề nghị Phan Thị thanh toán chi phí luật sư cho Lê Linh, tòa phúc thẩm giữ nguyên án sơ thẩm.
Sau khi xem xét, HĐXX cấp phúc thẩm tuyên công nhận Lê Linh là tác giả duy nhất của 4 hình tượng trong Thần đồng đất Việt, xác nhận bà Hạnh không phải là đồng tác giả; buộc Phan Thị phải xin lỗi ông Lê Linh trên 3 kỳ liên tiếp trên 2 tờ báo; thanh toán 15 triệu đồng chi phí luật sư cho Lê Linh.
Theo Vietnamnet