Chàng trai chinh phục "nóc nhà Đông Dương" bằng đầu gối

Thảo Huyền

Từng mặc cảm với chiếc xe lăn buộc mình phải ngồi cho đến việc cùng nó đi phượt nhiều tỉnh thành, quốc gia chàng trai xương thủy tinh đã giúp không ít những hoàn cảnh như mình tìm thấy điểm tựa.

sutit

Từ nhỏ, Ngọc Anh đã không được nô đùa như bạn bè mà chỉ lủi thủi ở nhà đọc truyện, xem tivi. Đặc biệt, cậu bé ngày ấy rất thích xem các chương trình du lịch hay thế giới động vật. “Mỗi lần xem, mình luôn ước có cơ hội đặt chân đến những nơi đó”, anh nói.

Vượt qua sự mặc cảm của bản thân và thuyết phục bố mẹ, Hà Nội là điểm phượt đầu tiên anh đặt chân đến. Sau một thời gian, Ngọc Anh bắt đầu lựa chọn đi du lịch một mình, dù có nhiều khó khăn, nhưng sau mỗi chuyến đi anh đều tự rút ra kinh nghiệm chăm sóc bản thân. Một vài chuyến khác, anh đi cùng những người bạn.

42 tỉnh thành, 10 Quốc gia tại Đông Nam Á và châu Á là những nơi chàng trai xương thủy tinh Vũ Ngọc Anh (33 tuổi, quê Hải Phòng) đã đặt chân đến. Tự nhận mình là “dị” so với người bình thường là một chuyện, đối với những người mắc bệnh xương thủy tinh như anh đi nhiều nơi như vậy lại càng khiến nhiều người nghĩ… “chắc thằng này bị điên!”.

Vũ Ngọc Anh giải thích, người khỏe mạnh đi nhiều đã vất vả, còn những người như anh chỉ cần va chạm nhẹ là xương sẽ vỡ, hoặc gẫy. Ấy vậy mà, anh vẫn chẳng hề nà vì đam mê xê dịch đã ngấm vào máu của anh lúc nào chẳng hay.

Nếu người bình thường leo núi, chui động bằng chân, thì anh phải leo bằng gối, thậm chí là bò. Tháng 2/2016, hình ảnh một chàng trai dùng đầu gối để leo 600 bậc lên đỉnh Fansipan khiến nhiều người thán phục.

Kể về lần chinh phục “nóc nhà Đông Dương”, Ngọc Anh tặc lưỡi: “Người khỏe leo 600 bậc thang cứ thong thả là đến, nhưng với một người phải lết từng bậc cầu thang đá là cả một thử thách”.

Đôi đầu gối chai sạn, sần sùi giờ còn dày hơn da mặt với chàng trai xương thủy tinh.

Bước ra khỏi ga cáp treo, anh bỏ lại xe lăn và bắt đầu chinh phục những bậc đá cao chừng 20 cm, rộng 15 cm. Có những đoạn thoai thoải, có những đoạn dốc đứng, mây che phủ trắng xóa, nhưng không thể ngăn cản anh tiếp tục tiến lên.

Mồ hôi chảy dài trên gương mặt và ướt đẫm áo, vải phần đầu gối mòn đi, phần da sưng đỏ khi đặt được đầu gối lên “nóc nhà Đông Dương”, anh chỉ biết cảm ơn: “Leo được đến đây không phải là công sức của bản thân, mà chính là sự cổ vũ và động viên của tất cả mọi người”.

Ngoài chuyến leo Fansipan, Ngọc Anh nhắc đến chuyến “đi bộ” đến cực Đông của Tổ quốc qua cung đường xuyên rừng gập ghềnh, khúc khuỷu dài hơn 2,5 km mà anh phải dùng tay làm trụ đỡ và đầu gối để di chuyển. “Chặng đường đó mình đã phải nhổ cỏ ven đường buộc chặt vào đầu gối để giảm ma sát cho đỡ đau”, anh kể.

Cứ thế, Ngọc Anh đã chinh phục được cực Bắc ở Hà Giang, cực Đông ở Khánh Hòa, cực Nam ở Cà Mau, cực Tây ở Điện Biên, đỉnh Fansipan ở Lào Cai, và một số quốc gia ở châu Á như: Hàn Quốc, Nhật Bản…

Nhắc đến những lúc đứng trước suy nghĩ phải bỏ cuộc, Ngọc Anh thành thực: “Không ít lần mình có suy nghĩ “hay là về”, nhưng rồi lại tự nhủ khi đã bắt đầu chúng ta cần phải tiếp tục, chỉ là người ta đi nhanh thì mình đi chậm, cẩn thận và cố gắng từng chút”.

Cuối năm 2016, Ngọc Anh buộc phải tạm gác lại đam mê để trở về Hà Nội tiện chăm sóc bố ốm. Mãi đến gần đây, sau giãn cách xã hội vì Covid - 19, các chuyến đi của anh mới được khởi động lại, mở màn bằng chuyến đi Phong Nha – Kẻ Bàng.

Ngọc Anh chia sẻ, vì động Phong Nha rất khó đi nên anh phải dùng lực của cánh tay để đẩy xe lăn trên quãng đường thăm động. Hết đoạn đường bằng, anh dừng lại, vịn hai tay vào thành xe, dùng sức lực trên đôi chân yếu ớt để đứng dậy. Cất gọn xe lăn sang một bên, anh bắt đầu “bước đi” bằng đầu gối. “Mặc dù đi với đoàn, nhưng tôi không nhờ người giúp đỡ. Vả lại, bạn tôi cũng biết tôi làm được nên để cho tôi “thể hiện” - chàng trai xương thủy tinh cười phá lên khi kể về lần phượt gần đây nhất.

Sắp tới điểm anh muốn đi nhất chính là các tỉnh Tây Bắc, anh muốn khám phá thêm những điều thú vị, mới mẻ ở các tỉnh miền núi hiểm trở này.

sutit

“Người ta nói cần trên 10.000 giờ sẽ thành công một việc nào đó. Còn mình thành công trong việc... không sợ gãy xương”, Ngọc Anh hay đùa mỗi khi có ai hỏi.

Ngọc Anh được bố mẹ cho biết lần đầu tiên gãy xương của mình là vào lúc anh gần 1 năm tuổi - anh bị gãy một tay và một chân. Vết gãy lành, nhưng lần sau lại tiếp tục gãy đúng chỗ cũ.

Ảnh hiếm hoi chàng trai xương thủy tinh làm tình nguyện chụp lại cùng.

Thời gian anh bị gãy xương nhiều nhất là vào năm lớp 6, lớp 7: “Cứ gãy một tay, một chân, rồi hai tay, hai chân, cứ chỗ nào xương dài mà va chạm mạnh là gãy”. Những lần như thế, ít thì 1,5 tháng “bị bó giò”, không thì phải 3 - 4 tháng mới được di chuyển. “Khoảng thời gian đó, tôi thậm chí còn bị bố mẹ cấm không được đứng lên, đứng lên là bị phạt”, Ngọc Anh nhớ lại.

Anh kể, nhiều lúc ngồi trong lớp học, nhìn các bạn chạy nhảy, bản thân cũng thèm, nhưng vì sức khỏe không cho phép nên lại thôi. Nhiều lúc ngứa ngáy chân tay, cũng muốn “thử sức mình đến đâu”, nhưng lại thêm một lần bó bột. Mãi đến năm lớp 4, anh mới bắt đầu biết sử dụng đầu gối để di chuyển mà không gây tổn thương cho xương.

Năm lớp 9 anh bắt đầu tập ngồi xe lăn, lúc ấy chàng trai xương thủy tinh mặc cảm với bản thân, bạn bè, và từng rất ghét xe lăn. “Khi ngồi xe lăn khiến tôi rất tự ti, vì nghĩ chỉ người tàn tật mới phải ngồi xe lăn. Lúc ấy cảm giác rất khó chịu”, Ngọc Anh chia sẻ.

33 năm cuộc đời Ngọc Anh có khoảng hơn 150 lần gãy xương. Chỉ khoảng 2 năm trở lại đây anh chưa bị gãy lại. Nhiều lần anh tếu táo với bạn bè: “Lâu lâu không gãy xương lại… thấy nhớ, nhớ cảm giác bị đau, bị nằm một chỗ và bị tập vật lý trị liệu”.

Nhắc về cảm giác đau, anh chỉ cười bởi từ bé đã quen với việc gãy xương, nên chưa từng biết cảm giác đau đớn tột cùng là gì, bởi cùng lắm cũng chỉ đau như… gãy xương.

Việc lên xuống các bậc giờ đây không còn khó khăn đối với anh Ngọc Anh.

Năm 21 tuổi, anh xin bố mẹ cho lên Hà Nội. Thời gian đầu bố mẹ không đồng ý vì lo. 3 tháng làm công tác tư tưởng, mưa dầm thấm lâu, cuối cùng gia đình cũng đồng ý với điều kiện một ngày phải gọi điện thoại về nhà từ 2 – 3 lần để báo cáo. Cứ cuối tuần, độ nửa tháng bố anh lại lên Hà Nội “dò la tin tức” một lần. Cứ thế, kéo dài 2 năm, cuối cùng anh cũng được tự do.

10 năm bươn trải, Ngọc Anh trải qua 7 – 8 nghề, từ sửa chữa điện thoại, máy tính, thiết kế đồ họa, quay phim chụp ảnh cho đến thiết kế website, marketing online… và giờ là thành lập công ty vận chuyển hàng từ Mỹ về Việt Nam.

Tự thừa nhận xuất phát điểm của bản thân không bằng người khác, Ngọc Anh luôn nghĩ nếu họ cố gắng 100%, mình phải nỗ lực gấp 200%, 300%. Anh luôn biết cách đặt bản thân vào những thử thách mới và động lực để cố gắng mỗi ngày.

sutit

Dù không mấy khá giả, nhưng chàng trai xương thủy tinh vẫn có ước ao giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Dự án hỗ trợ 1.000 chiếc xe lăn cho những người kém may mắn như mình đang được Ngọc Anh thực hiện bằng kính phí tự bỏ ra, cũng như kêu gọi những bạn bè thân thiết.

“Bệnh xương thủy tinh chia làm 4 dạng, tôi là dạng nhẹ nhất chỉ bị gẫy ở những xương dài. Chính vì thế tại sao tôi có thể sử dụng đầu gối để di chuyển. Có nhiều hoàn cảnh phải nằm một chỗ không thể đi lại được, điều đó khá là bất tiện cho họ. Xuất phát từ đó, nên tôi rất muốn hỗ trợ hoàn cảnh kém may mắn hơn mình”, anh tâm sự.

Hỏi tại sao anh không kêu gọi trong cộng đồng, chia sẻ những hình ảnh từ thiện của bản thân? Anh lắc đầu: “Mình làm việc thiện thì phô trương làm gì, người khác lại nghĩ mình làm màu. Vả lại bản thân cũng muốn góp chút công sức cho nhưng người khó khăn như mình để tìm được sự đồng cảm”.

Ngoài ra, hiện tại anh Ngọc Anh cũng đang viết sách, và cho ra mắt cuốn tự truyện Không thể vỡ sắp tới là cuốn Vết nứt được chắt lọc từ đam mê của mình. Toàn bộ tiền nhuận bút được anh thu về để gây quỹ cho nhóm Xương thủy tinh Việt Nam nhằm hỗ trợ cho những cá nhân có cùng hoàn cảnh như anh.