Chạy đua của các ví điện tử: 2020 sẽ nóng hơn bao giờ hết

Huy Hoàng

Với dân số gần 100 triệu người, và hơn 60% là dân số trẻ, Việt Nam được xem là thị trường đầy tiềm năng cho bất kỳ một nhà cung cấp sản phẩm nào, trong đó có lĩnh vực fintech không là ngoại lệ.

Chạy đua của các ví điện tử: 2020 sẽ nóng hơn bao giờ hết - Ảnh 1

 

Trong thời đại công nghiệp 4.0, fintech không còn là lĩnh vực mới mẻ ở Việt Nam khi các doanh nghiệp ngoại lẫn nội đổ xô vào thị trường này nhằm nắm giữ cho mình một “miếng bánh béo bở” nhất. Theo các chuyên gia kinh tế dự báo, thị trường ví điện tử tại Việt Nam trong năm 2020 sẽ nóng hơn bao giờ hết khi Chính phủ nước này khuyến khích không sử dụng tiền mặt và các nhà cung cấp ví điện tử liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn.

Một buổi chiều thứ Sáu cuối tuần, nhóm bạn trẻ thuộc thế hệ Z (sinh từ năm 1995 trở về sau) ngồi tụ tập trong quán trà sữa trên đường Trần Cao Vân, Quận 1, TPHCM. Sau buổi gặp mặt tại đây, cả nhóm quyết định sẽ cùng đi xem phim. Chỉ 2 năm trước đây thôi, cả nhóm phải chạy đến rạp chiếu phim mua vé và chọn chỗ ngồi thì bây giờ, với chiếc điện thoại di động trên tay, họ chỉ cần mở ứng dụng, chọn cụm rạp gần nhất, khung giờ chiếu, chỗ ngồi và thanh toán ngay trên điện thoại. Những ứng dụng của rạp chiếu phim giờ đây linh hoạt hơn trong hình thức thanh toán. Đã qua rồi cái thời trả tiền mặt, cũng qua luôn cái thời thanh toán bằng thẻ tín dụng (credit card) hay thẻ ghi nợ nội địa (debit card). Các bạn trẻ Việt Nam hiện có thêm hình thức trả tiền bằng ví điện tử. Một người trong nhóm gợi ý: “Nếu dùng ví MoMo mua vé thì giá là 79.000 đồng/vé, còn dùng ViettelPay giá chỉ 1.000 đồng/vé áp dụng đặc biệt trong thứ Sáu nè mọi người…!!!”

Thế là, thay vì phải lũ lượt kéo nhau đến rạp, xếp hàng dài để chờ đợi ở quầy vé như trước kia và trả từ 110.000 đồng đến 125.000 đồng/vé, giờ đây cả nhóm đã có thể mua được những chiếc vé với giá rất hời, chỉ 1.000 đồng, tức là rẻ hơn giá gốc hơn 100 lần! Đây là điều mà các nhà cung cấp ví điện tử đang hướng tới khi họ nhắm đến đối tượng người dùng trẻ năng động, thích đổi mới, hứng thú với nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn…

Thêm vào đó, mục tiêu Chính phủ đặt ra là đến năm 2020 tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt phải chiếm hơn 30% trên tổng phương tiện thanh toán tại Việt Nam. Đây cũng là đòn bẩy để các nhà cung cấp ví điện tử triệt để khai thác.

Thương mại điện tử bắt tay với ví điện tử

Đầu tháng 11/2019, trang mua sắm trực tuyến Lazada chính thức tích hợp phương thức thanh toán qua ví điện tử eMonkey (eM) vào nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) của họ. Nhằm kích cầu người mua sắm xài ví điện tử khi trả tiền hàng, Lazada tung ra các chương trình bán hàng với giá chỉ 1 đồng dành cho những ai thực hiện thanh toán qua ví eM của họ. Tuy còn quá sớm để bình luận về việc eM có gặt hái được thành công hay không nhưng theo người viết bài này quan sát, với mỗi sản phẩm treo giá 1 đồng thì có đến vài chục nghìn lượt mua sắm. Lazada tung ra các khuyến mãi này nhằm tạo thói quen sử dụng eM cho khách hàng của mình trong mọi giao dịch thanh toán về sau thay vì dùng tiền mặt hoặc trả qua thẻ ngân hàng như trước đây.

Shopee cũng áp dụng nhiều chính sách khuyến mại hấp dẫn cho người dùng khi thực hiện thanh toán qua ví AirPay. Một trong những ưu đãi mà Shopee dành cho khách hàng trả tiền bằng AirPay là các mã giảm giá sản phẩm và miễn phí vận chuyển. Tức là khách hàng có thể mua hàng với giá rẻ hơn từ vài chục nghìn đến cả trăm nghìn nếu chọn AirPay làm hình thức thanh toán.

Ngoài ra, trang TMĐT Sendo có ví SenPay. Trong khi đó, Tiki hợp tác với ví điện tử MoMo.

Theo các “ông lớn” TMĐT, lý do phổ biến nhất được đưa ra là họ muốn hoàn thiện trải nghiệm mua sắm cho người dùng trên nền tảng số, từ đó tăng tỉ lệ người dùng quay trở lại, khách hàng trung thành, song sở hữu ví điện tử và khuyến khích người dùng mua sắm còn mang lại nhiều lợi ích sâu xa khác.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, giảm tỉ lệ số đơn hàng thanh toán bằng tiền mặt (cash-on-delivery) có thể giúp các trang TMĐT giảm chi phí bán hàng. Ví dụ, số lượng đơn hàng mà khách huỷ, giao không thành công sẽ giảm đáng kể nếu buộc người dùng thanh toán trước. Bên cạnh đó, ví điện tử cũng giúp các trang TMĐT giảm chi phí luân chuyển dòng tiền thông qua các đơn vị trung gian. Không dừng lại ở những lợi ích ấy, ví điện tử cũng giúp các nền tảng TMĐT “vẽ” được chân dung người dùng cũng như hành vi mua sắm của họ.

Từ đó, các dịch vụ TMĐT có thể bổ sung thêm các tính năng phù hợp nhất với từng nhóm đối tượng khách hàng và tạo ra giá trị gia tăng cho riêng mình. So với những lợi ích như hoàn thành trải nghiệm người dùng hay hạ chi phí bán hàng, dữ liệu người dùng chính là mục đích cuối của các nền tảng TMĐT khi sở hữu ví.

Ví điện tử đi khắp muôn phương

Chính sự bùng nổ của các ví điện tử mà giờ đây, dù bước vào một quán ăn bình dân, một tiệm cà phê takeaway nhỏ, một cửa hàng tiện lợi, một nhà hàng hạng sang, rạp chiếu phim hay thậm chí là siêu thị, cửa hàng sách hay cửa hàng thời trang, bạn cũng dễ dàng bắt gặp các standee quảng cáo để bàn thu ngân về các loại ví điện tử khác nhau thông báo chương trình khuyến mãi nếu khách hàng chọn thanh toán bằng ví điện tử, thông thường mức giảm dao động từ 10%, 20% hay đến 50%. Khách hàng chỉ cần mở điện thoại, quét mã QR Code và thanh toán đơn hàng. Điển hình nhất là vào ngày 1/11/2019 trên cả nước Việt Nam, dòng người xếp hàng đông đúc tại các điểm mua sắm hay cửa hàng đổ xăng dầu khi ví MoMo tung chương trình khuyến mãi có tên Ngày hội “Siêu hoàn tiền” 50%. Trước đó là “cơn bão” hoàn tiền lên tới 400.000 đồng khi thanh toán hoá đơn điện cùng các mã ưu đãi khác bằng ví điện tử Moca trên ứng dụng Grab.

Kể từ khi Grab công bố mua lại cổ phần và hợp tác chiến lược với ví điện tử Moca vào tháng 9/2018, bước đầu mảng thanh toán điện tử của hãng vận chuyển công nghệ này gặt hái thành công khi các chỉ số của Moca liên tục tăng trưởng mạnh trong thời gian ngắn. Cụ thể, số lượng người dùng Moca đã tăng gấp 6 lần trong năm 2019 so với năm ngoái. Tính riêng nửa đầu năm 2019, tổng lượng giao dịch thanh toán qua ví Moca trên ứng dụng Grab đã tăng đến 150%, với số lượng người dùng tương tác hằng tháng tăng hơn 70%. Tính đến tháng 9/2019, tỉ lệ giao dịch thông qua Moca đã chiếm đến 42% tổng số các giao dịch không tiền mặt trên nền tảng Grab. Với vai trò là giải pháp thanh toán di động cho toàn bộ hệ sinh thái Grab, Moca được sử dụng để thực hiện các dịch vụ, hoặc thanh toán cho các chuyến xe, đặt thức ăn, giao nhận hàng, chuyển tiền trong ví cho nhau, thanh toán tại cửa hàng, nạp tiền điện thoại di động, thanh toán hóa đơn…

Ví điện tử được xem là cánh tay nối dài của các loại thẻ ngân hàng tới các ngõ ngách trong đời sống tiêu dùng, góp phần phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Theo Ngân hàng Nhà nước, số lượng trung gian thanh toán đã tăng lên mức gần 30 công ty, với khoảng 26 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử, 10.000 đơn vị chấp nhận thanh toán ví điện tử. Tính đến ngày 31/12/2018, cả nước có khoảng 5 triệu ví điện tử đã được xác thực, liên kết với tài khoản ngân hàng. Theo báo cáo của các tổ chức trung gian thanh toán, trong năm 2018, tổng số lượng giao dịch bằng ví điện tử đạt hơn 214.639 nghìn món với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 91,06 nghìn tỷ đồng (tăng 15,39% về số lượng giao dịch so với năm 2017), bình quân đạt khoảng 424.253 đồng/giao dịch. Theo Napas, trong năm 2018, tổng giá trị thanh toán điện tử qua mạng lưới của trung gian thanh toán tăng gần 170% so với năm trước đó.

Tại Việt Nam, thị trường ví điện tử khá sôi động khi các nhà cung cấp ngoại lấn sân mà ngay tại sân nhà, các nhà cung cấp nội cung bon chen vào cuộc đua này mà điển hình là các doanh nghiêp viễn thông như Vinaphone, Viettel, VTC, FPT lần lượt tung ra VNPT Pay, ViettelPay, VTCPay và Pay FPT. Hay như ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí và mạng xã hội Zalo cũng phát hành ZaloPay. Đó là chưa kể đến các ngân hàng trong nước cũng góp mặt với sản phẩm Bank Plus (hợp tác giữa Viettel và MBBank), Timo (VPBank), MEED (Maritime Bank), Ví Việt (LienVietPostbank)… và những công ty công nghệ tài chính (Fintech) với MoMo, VNPayQR, NextPay, Payoo, 1Pay, Bảo Kim, Vimo, Mobivi, eDong, eMonkey, Pay365, TopPay…

Theo công ty tư vấn chiến lược và tiếp thị dịch vụ số châu Á – Solidiance, giá trị dịch vụ ví điện tử Việt Nam dự đoán đạt 7,8 tỉ đô la Mỹ trong năm 2020 với 10 triệu người sử dụng.

Xuất hiện rầm rộ, cạnh tranh gay gắt và nhanh đào thải

Nhiều ví điện tử xuất hiện khiến thị trường thanh toán bằng mã QR thực sự trở nên sôi động và các chiến dịch giảm giá tới nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Những ví điện tử đươc kể tên ở trên được xem là những biểu tượng mới thúc đẩy sự bùng phát của nền kinh tế số, thúc đẩy TMĐT, giao hàng phi tiền mặt, thanh toán tại quầy bằng số hóa, gọi đồ ăn trả tự động qua ví điện tử… Theo ông Nguyễn Xuân Trường, giám đốc mảng chuyển tiền (Social Payment) MoMo, nhận định: “Tôi cảm nhận rõ thị trường fintech ở Việt Nam đang bước vào vận hội lớn”.

Tuy vậy, khi được báo VnExpress đặt câu hỏi, ông Trường không ngần ngại trả lời: “Năm 2020, người dùng Việt Nam vẫn chủ yếu dùng tiền và để thuyết phục họ thanh toán không tiền mặt, các sàn thương mại điện tử hay ví điện tử vẫn phải khuyến mãi. Tuy nhiên nếu chỉ làm vậy thì không đi được dài hạn đâu! Không ai đủ tiền nuôi cả thị trường. Vì vậy, những nhà cung cấp dịch vụ này phải song hành giữa khuyến mãi và gia tăng trải nghiệm, cung cấp giá trị tốt hơn nữa cho khách hàng, bám rễ thành một phần không thể thay thế của hệ sinh thái dịch vụ”.

Mặc cho nhiều đơn vị cung cấp loại hình thanh toán này đã liên tiếp tung ra những “chiêu” khuyến mãi nhằm thu hút người dùng nhưng trên thực tế, đại đa số người dùng ví điện tử chỉ vì những ưu đãi nên ít trung thành với các thương hiệu mình đang sử dụng. Có tới 47% lượng khách hàng được hỏi cho biết mình sẵn sàng thử các thương hiệu mới, chỉ có 7% khẳng định sẽ trung thành với sản phẩm đang sử dụng.

Do đó, từ lúc bắt đầu ra mắt cho đến nay, các nhà cung cấp ví điện tử vẫn đang trong thời gian “đốt tiền” mà chưa hề có một đồng lợi nhuận. Cùng quá trình mở rộng, gia tăng lượng khách hàng là khoản lỗ tăng theo thời gian, tương tự những ví điện tử dẫn đầu thị trường. Tính đến cuối năm 2018, Ví điện tử MoMo đã lỗ lũy kế gần 1.000 tỷ đồng; ZaloPay cũng báo lỗ 177 tỷ đồng, tăng gần 10 lần mức lỗ so với năm trước đó. Điều đáng nói là ZaloPay và Momo đều nằm trong top ví điện tử có nhiều người dùng nhất hiện nay.

Tờ Thời báo Kinh doanh đưa ra dự báo của các chuyên gia kinh tế-tài chính, trong vòng 5 năm tới, ví điện tử tại Việt Nam sẽ “trăm hoa đua nở” với sự hỗ trợ đầu tư đến từ những nhà đầu tư nước ngoài, càng làm tăng tính cạnh tranh trên thị trường vốn còn khá non trẻ này. Việc tồn tại quá nhiều loại ví mà các ví lại không liên thông với nhau, chưa có ví nào có sức mạnh chi phối nên sẽ có sự thanh lọc trên thị trường ví điện tử. Việc này là cần thiết bởi nhiều công ty thành lập ví chỉ mang tính chất đầu cơ, không có hướng đi rõ ràng và bền vững.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định nếu không có sự khác biệt và tạo được lưu lượng giao dịch lớn, hoặc có hệ sinh thái lớn hỗ trợ, thị trường trong tương lai sẽ chỉ còn số ít đơn vị thống lĩnh ở một vài lĩnh vực.

Tác giả Vi Mai là Trưởng phòng Truyền thông & Quan hệ công chúng của EloQ Communications. Vi có 10 năm kinh nghiệm ngành báo chí và tiếp thị mạng xã hội, đồng thời là người lên kế hoạch chiến lược cho nhiều dự án của EloQ. Tham khảo thêm các bài viết về truyền thông và marketing tại EloQ’s Blog: https://blog.eloqasia.com/category/vi/

Vi Mai