Chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp liên quan đến hoạt động giải quyết đơn khiếu nại

Thảo Huyền

Văn bản số 36/TTR-GQKNTC “xử lý đơn khiếu nại” theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp do Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp Nguyễn Hồng Diện ký, đề ngày 16-1-2020 được gửi đến Công ty cổ phần Địa ốc Hồng Phát (Công ty HP). Là chủ đầu tư (CĐT) dự án đang bị “đóng băng” bởi nhiều văn bản “tiền hậu bất nhất” gây thiệt hại nghiêm trọng, Công ty HP vừa mừng, vừa bày tỏ sự lo ngại...

Lo lắng của chủ đầu tư

Văn bản số 36/TTR-GQKNTC xác định: Bộ Tư pháp đã nhận được đơn của Công ty HP khiếu nại Quyết định (QĐ) số 06/QĐ-CTHADS ngày 6-3-2019 của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Long An. Trên cơ sở xem xét đơn khiếu nại của Công ty HP, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã chỉ đạo và giao Thanh tra Bộ nghiên cứu, xem xét toàn bộ việc khiếu nại nói trên một cách thận trọng, kỹ lưỡng và khách quan. Thực hiện chỉ đạo, Thanh tra Bộ đã và đang xem xét, nghiên cứu vụ việc và sẽ tham mưu Bộ trưởng, thông báo kết quả cho Công ty HP theo quy định.

Văn bản số 36/TTR-GQKNTC của Thanh tra Bộ Tư pháp

Trao đổi với phóng viên (PV) Báo CATP sáng 2-2-2020, Phó TGĐ Công ty HP Thái Thị Hồng Hậu, bày tỏ: Trong những ngày Tết đến, xuân về, Công ty HP cảm thấy “ấm lòng” khi nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, với những gì đã và đang xảy ra, Công ty HP thật sự lo ngại hàng loạt vấn đề nan giải. Cụ thể:

Thứ nhất, đến nay, Cơ quan THADS đã có 4 lần ra lệnh ngăn chặn 13 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) với 232,66ha của Công ty HP, kéo dài hơn 6 năm. Riêng Bộ Tư pháp, tính từ lúc bắt đầu vào cuộc, chỉ đạo xử lý bằng QĐ số 2219/ QĐ-BTP ngày 6-11-2017 của Bộ trưởng (lập Tổ công tác tiến hành rà soát, giải quyết việc thi hành án giữa China Policy Limited và Công ty HP đối với Phán quyết trọng tài ngày 25-4-2013) đến nay đã tròn 27 tháng. Ngần ấy thời gian, Bộ này có nhiều chỉ đạo mâu thuẫn, lúc thì khẳng định việc ngăn chặn 13 sổ đỏ không có cơ sở nên giải tỏa; sau đó lại yêu cầu Tổng cục THADS chỉ đạo Cục THADS tỉnh Long An ban hành QĐ số 07/QĐ-CTHADS (QĐ số 07) ngày 18-12-2018 tái lập việc ngăn chặn.

Sau hơn 1 năm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp giao Thanh tra Bộ “nghiên cứu, xem xét” khiếu nại. Với tình hình này, không biết dự án còn bị “đóng băng” đến bao giờ và khi nào CĐT mới thoát nạn “cấm vận”?

Thứ hai, Công ty HP khiếu nại QĐ số 07, bị Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An bác bằng QĐ số 06/QĐ-CTHADS (QĐ số 06) ngày 6-3-2019. Không đồng ý, Công ty HP tiếp tục khiếu nại đến Tổng cục THADS Bộ Tư pháp theo đúng trình tự, quy định của Luật THADS rồi chờ đợi suốt gần một năm. Nay Bộ trưởng Bộ Tư pháp giao Thanh tra xem xét, tham mưu cho Bộ trưởng xử lý, như vậy có đúng thẩm quyền, tuân thủ theo Luật THADS hay không?

Thứ ba, QĐ số 07 được ban hành theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ Tư pháp. Thanh tra Bộ Tư pháp sẽ “nghiên cứu, xem xét” như thế nào đối với cấp trên của mình? Có đảm bảo sự công tâm, vô tư, khách quan?...

Công ty Hồng Phát mừng xuân Canh Tý

"Giải quyết khiếu nại phải tuân thủ quy định pháp luật"

Đó là ý kiến của luật sư (LS) Trần Hải Đức (Đoàn LS TPHCM) khi trao đổi với PV Báo CATP chiều 3-2-2020. Theo LS Đức, việc Bộ trưởng Bộ Tư pháp chỉ đạo và giao Thanh tra Bộ nghiên cứu, xem xét toàn bộ việc khiếu nại của Công ty HP với tinh thần “thận trọng, kỹ lưỡng và khách quan” là một việc đáng trân trọng, nhằm giải quyết khó khăn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc giải quyết khiếu nại của Công ty HP phải đúng thẩm quyền, tuân thủ theo quy định của Luật THADS và các quy định pháp luật có liên quan.

QĐ số 06 của Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An “bác đơn khiếu nại của Công ty HP, giữ y QĐ số 07” là QĐ giải quyết khiếu nại lần đầu. Không đồng ý, Công ty HP đã có đơn khiếu nại QĐ số 06. Đây là lần khiếu nại tiếp theo, thực hiện quyền của doanh nghiệp được quy định tại khoản 1 và điểm d, khoản 2, Điều 140 Luật THADS năm 2008 sửa đổi bổ sung năm 2014.

Căn cứ theo điểm b, khoản 3, Điều 142 Luật THADS, thì thẩm quyền giải quyết lần khiếu nại tiếp theo của Công ty HP đối với QĐ số 06 thuộc Tổng cục trưởng Tổng cục THADS. Điểm b, khoản 3, Điều 142 Luật THADS quy định rất rõ: “Thủ trưởng cơ quan quản lý THADS thuộc Bộ Tư pháp giải quyết khiếu nại đối với QĐ giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan THADS cấp tỉnh”. Căn cứ điều khoản này, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An đã xác định rõ tại Điều 4 của QĐ số 06: “Công ty HP có quyền khiếu nại tiếp đến Tổng cục THADS trong thời hạn 15 ngày...”.

Ngày 19-4-2019, Tổng cục THADS ra thông báo thụ lý giải quyết khiếu nại của Công ty HP” nhưng sau đó không giải quyết. Mãi đến ngày 18-12-2019, Tổng cục THADS mới có văn bản cho rằng QĐ số 06 có hiệu lực thi hành, căn cứ theo khoản 3 Điều 38 Nghị định số 62/2015/ NĐ-CP (NĐ số 62) ngày 18-7-2015 của Chính phủ. Tổng cục THADS không có thẩm quyền xem xét, giải quyết khiếu nại đối với QĐ số 06.

Một phần dự án chụp từ trên cao

LS Đức phản biện: Khoản 3, Điều 38 NĐ số 62 quy định: “QĐ giải quyết khiếu nại lần đầu của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với QĐ áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án có hiệu lực thi hành”. Nếu căn cứ vào điều khoản này vô hình chung, Tổng cục THADS đã tước đi quyền “khiếu nại tiếp theo” của Công ty HP được quy định tại khoản 1 và điểm d, khoản 2, Điều 140 Luật THADS như đã viện dẫn ở trên. Đồng thời, Tổng cục THADS tự phủ định chức năng “giải quyết khiếu nại” của cơ quan này quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 142 Luật THADS và khoản 6 Điều 2 QĐ số 61/2014/QĐ-TTg ngày 30-10-2014 của Thủ tướng Chính phủ “quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục THADS trực thuộc Bộ Tư pháp”.

Luật sư Trần Hải Đức

LS Đức nêu quan điểm: Qua phân tích nói trên, cho thấy có sự xung đột pháp luật giữa NĐ số 62 (khoản 3, Điều 38) với Luật THADS (khoản 1 và điểm d khoản 2 Điều 140; điểm b, khoản 3, Điều 142). Thiết nghĩ, Bộ Tư pháp cần rà soát lại và khẩn trương kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung NĐ số 62, để việc giải quyết khiếu nại về THADS được thống nhất, thể hiện sự tôn nghiêm của pháp luật, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong quá trình thi hành án.

Chia sẻ bức xúc với chủ đầu tư, LS Đức lên tiếng: Vụ việc này đã được dư luận phản ánh thời gian qua, chỉ rõ nhiều bất thường liên quan đến cơ quan THADS ra lệnh ngăn chặn 13 sổ đỏ của Công ty HP với các văn bản được ban hành “sáng đúng, chiều sai, mai lại đúng”. Lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng bộc lộ sự lúng túng khi ban hành các văn bản. Đó là văn bản số 123/BC-BTP ngày 4-6-2018, khẳng định không có cơ sở để ngăn chặn 13 sổ đỏ. Trong khi tại văn bản số 634/BC-BTP ngày 18-11-2019, thể hiện lãnh đạo Bộ Tư pháp yêu cầu Cục THADS tỉnh Long An tái lập ngăn chặn 13 sổ đỏ. Cả hai văn bản “đá nhau” này do hai thứ trưởng Bộ Tư pháp “ký thay” Bộ trưởng, hiện vẫn tồn tại, vì sao?

Một góc dự án

Cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ

Theo dõi sát vụ tranh chấp và quá trình giải quyết việc thi hành án, Báo CATP nhận thấy: Trước những thiệt hại chồng chất theo thời gian, lo ngại của chủ đầu tư dự án là chính đáng, có cơ sở. Quan điểm của LS cũng rất rõ ràng, được minh chứng, dẫn chiếu bằng những điều luật cụ thể, cần được xem xét thấu đáo. Liên quan đến hai văn bản “đá nhau” của Bộ Tư pháp, LS Đức lưu ý: Văn bản số 123/BC-BTP đã được Bộ Tư pháp kết luận trên cơ sở xem xét toàn diện những vấn đề liên quan theo đúng quy định của pháp luật về THADS, đầu tư, thương mại... Văn bản này được Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đồng ý và chỉ đạo thực hiện tại văn bản số 8248/VPCP-V.I ngày 31-8-2018 của Văn phòng Chính phủ, hiện vẫn còn nguyên giá trị pháp lý.

Việc thi hành Phán quyết trọng tài liên quan đến 13 sổ đỏ của Công ty HP với điệp khúc “ngăn chặn, gỡ bỏ, rồi ngăn chặn” đã kéo dài hơn 6 năm và chưa có dấu hiệu dừng lại, khiến cho dự án nghìn tỷ bị tê liệt, đẩy chủ đầu tư vào đường cùng, dẫn đến nguy cơ phá sản là khó tránh khỏi. Việc này còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển KT-XH và môi trường đầu tư của tỉnh Long An cũng như cả nước.

Công luận đang chờ đợi Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ có những động thái chỉ đạo xử lý quyết liệt, đúng quy định của pháp luật, tạo điều kiện khơi thông để dự án được triển khai theo tiến độ, sớm đưa vào khai thác, tránh gây lãng phí nguồn tài nguyên quốc gia...