Từ trước đến nay, hải sản được coi là loại thực phẩm nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, giàu canxi, kẽm, omega-3, protein… nên thường có giá đắt đỏ hơn các loại thực phẩm khác và rất được ưa chuộng.
Tuy nhiên, để thưởng thức các loại hải sản tươi ngon nhưng giá lại rẻ bằng ½, thậm chí chỉ bằng 1/3, nhiều bà nội trợ đã tiết kiệm kha khá “ví tiền” của mình khi mua được những loại hải sản mặc dù tươi sống, đang bơi nhưng không có đủ chân, càng.
Những con cua bị mất 1 chiếc càng do quá trình vận chuyển được rao bán với giá rẻ.
Theo chị Nguyễn Thị Nga, trú tại ngõ Mai Hương (Hai Bà Trưng, Hà Nội), để mua được hải sản “thương binh”, chị phải đặt trước với cửa hàng hải sản gần nhà cả tuần, thậm chí lâu hơn vì không có sẵn.
“Hải sản phải ăn đồ tươi sống, đang bơi mới ngon và đầy đủ dưỡng chất nhưng loại đầy đủ chân, càng lại đắt nên mỗi tháng nhà tôi chỉ mua cải thiện 1-2 bữa. Riêng loại cua, ghẹ bị thương hay gãy chân, càng thì khi nào có tôi cũng sẵn sàng mua vì rẻ”, chị Nga chia sẻ.
Tôm Alaska bị gãy mất 1 càng.
Cụ thể, chị Nga cho hay, nếu như ghẹ đang bơi thường được bán với giá từ 230-350.000 đồng/kg thì ghẹ gãy càng lại có giá chỉ bằng một nửa, chỉ còn 130-170.000 đồng/kg.
Ngoài ra, các loại cua thịt và cua gạch size từ 2-3 con/kg thường có giá từ 450-550.000 đồng/kg nhưng loại mất vài chân lại được bán từ 50-70.000 đồng/con, giảm giá xuống còn 1/3.
Thậm chí những loại hải sản “hạng sang” như tôm hùm Alaska đang bơi có giá trên 1 triệu đồng/kg nhưng khi gãy càng chỉ còn 550.000 đồng/kg.
Cũng là người “ghiền” hải sản, chị Tạ Thanh Huyền, trú tại Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội) cho biết mình phải kết thân với mấy người bán hải sản để khi nào họ có hàng “thương binh”, đăng bài bán mình đặt mua luôn vì chậm chân là hết.
“Tôi đặt chế độ “theo dõi” bán hàng với họ luôn, phòng khi họ có cua hay ghẹ thương binh giá rẻ mình sẽ biết ngay. Có lần tôi mua được con cua hoàng đế đang bơi, chỉ gãy mất 1 chân nhưng lại được bán với giá rẻ đi 1 nửa, mang về hấp bia và rang me ai cũng khen, vừa ngon vừa rẻ”, chị Huyền nói.
Cua hoàng đế đang bơi nhưng bị gãy mất 1 chân.
Là người chuyên bán hải sản lâu năm, anh Nguyễn Đình Đạt, chủ cửa hàng hải sản trên phố Bùi Xương Trạch (Hà Nội) cho hay, các loại hải sản bị thương tại cửa hàng anh luôn trong tình trạng “cháy hàng”, khách tìm mua đông hơn cả các loại bình thường.
Theo anh Đạt, thông thường, ghẹ đi đánh bắt ngoài biển bằng lưới nên khi gỡ ghẹ ra sẽ có những con bị mắc lưới gãy càng. Đối với cua biển thì ít gãy càng hơn, chủ yếu là do quá trình vận chuyển không cẩn thận.
Những loại hải sản “thương binh” này được bán rất rẻ và được nhiều chị em nội trợ yêu thích, tìm mua.
Mặc dù những vẫn bơi nhưng cua, ghẹ bị thương nên anh Đạt để riêng ra bán rẻ. “Một khi đã bị gãy chân, càng hay bị thương, nếu không bán được thì cua, ghẹ sẽ nhanh chết hơn các con còn lại. Khi đó, những loại này chỉ để ăn chứ ít ai mua nên tôi bán ngay khi mới bị thương để chất lượng thịt vẫn được đảm bảo mà vớt vát được ít vốn liếng”, anh Đạt bày tỏ.
Chia sẻ cách chọn mua loại hải sản thương binh vừa ngon vừa rẻ, anh Đạt cho rằng, hải sản khi đã chết mà không biết cách bảo quản thường sẽ bị biến chất, teo thịt hoặc thịt rất bở. Vì vậy, khi mua hải sản thương binh hay bất kỳ loại hải sản nào phải chọn loại còn sống.
“Có một số cửa hàng hải sản bán loại bị chết do dập đá hay hỏng sục cũng rất rẻ nhưng những loại này cần được chế biến ngay lập tức để giữ thịt. Vì vậy nếu chọn mua, chị em nên mua ở nơi có uy tín hoặc quen biết để được “bao ăn”, đổi trả khi không hài lòng”, anh Đạt nhấn mạnh.