Khi điệp khúc chọn nghề muôn thuở vẫn khó như chọn... "người tình"
Chọn cho mình một nghề, nghĩa là chọn cho mình một tương lai. Việc chọn nghề thực sự quan trọng và vô cùng cần thiết. Chọn sai lầm một nghề nghĩa là đặt cho mình một tương lai không thực sự an toàn và vững chắc. Do đó, việc lựa chọn ngành nghề được các bạn trẻ ví von một cách khá hài hước đó là khó như việc chọn … "người tình".
Học sinh chăm chú nghe tư vấn hướng nghiệp (st)
Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo của miền biên giới Xứ Lạng, được đi học như bao bạn bè đã là một kỳ tích đối với em Nông Văn C, hiện đang học lớp 12 Trường THPT Bình Độ (huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn). Với quan niệm cố hữu ăn sâu ở vùng quê "học nhiều chỉ tốn tiền chứ chẳng để làm gì!" khiến việc học của em luôn bị phân tâm, sao nhãng. Nếu cố gắng học hành thi đỗ đại học, tới khi tốt nghiệp ra trường cũng không biết xin việc ở đâu? Nhưng nếu chỉ học xong lớp 12 và xin đi học nghề, em không biết sẽ chọn nghề nào cho phù hợp khi ở làng quê nghèo này mọi người sinh ra và lớn lên vốn dĩ đã quen với việc "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời".
Còn em Trần Thị Trâm L, sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và Tuyên truyền đến giờ này vẫn đang mông lung với quyết định của mình khi đang theo học trường này. Trước đây, sau khi tốt nghiệp THPT em vẫn chưa biết mình sẽ theo học ngành gì trong khi sức học của em chỉ ở mức trung bình. Trong khi đó, bố mẹ em lại rất muốn con gái theo nghề báo – nghề của bố mẹ để sau này dễ bề xin việc. Ban đầu, L cũng phản đối rất gay gắt sự áp đặt và mong muốn của bố mẹ vì tự nhận thấy khả năng của mình không phù hợp. Nhưng cuối cùng, chính vì sự thiếu kiến thức, định hướng về nghề nghiệp nên L đành gật đầu đồng ý.
Cho đến bây giờ, càng theo học ngành này L càng nhận thấy mình không phù hợp. Mỗi lần lên giảng đường là thêm một lần chán nản với và không có hứng thú học tập. Theo như chia sẻ của L thì với ngành học hiện tại, nếu xin việc ở quê thì không có cơ hội vì tại cơ quan bố mẹ đang thực hiện chế độ giảm biên chế, còn nếu một mình bám trụ ở Hà Nội này gắn bó với công việc nào đó liên quan tới nghề mình theo học, với mức thu nhập bấp bênh kèm theo hàng trăm khoản chi tiêu thì không biết tới bao giờ cuộc sống của em mới ổn định?
Không phải là học sinh, sinh viên, bạn Lê Anh T (Tp Lào Cai) vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự và trở về quê hương. Mặc dù Đảng và Nhà nước đã dành một khoản kinh phí để hỗ trợ đào tạo nghề cho các đồng chí bộ đội xuất ngũ đã qua đào tạo nghề hoặc chưa qua đào tạo nghề bằng hình thức cấp thẻ học nghề sau khi hoàn thành nghĩa vụ. Việc triển khai đào tạo nghề nhằm góp phần giải quyết việc làm có hiệu quả cho bộ đội xuất ngũ trở về địa phương làm kinh tế giúp cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, một trong những vấn đề băn khoăn nhất của T là lựa chọn học nghề gì, học ở đâu để có thể tìm được việc làm sau khi học xong khi mà hàng nghìn sinh viên ra trường còn đang lao vào cảnh thất nghiệp? Và trên thực tế, các cấp chính quyền của các địa phương cũng đang loay hoay với bài toán giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ.
Đây chỉ là một vài trường hợp đã và đang khẳng định một thực tế của đại đa số các em học sinh, sinh viên trong việc định hướng và lựa chọn nghề nghiệp cho chính mình. Vẫn biết rằng, cánh cửa vào đại học không phải là cánh cửa duy nhất để bạn có thể thăng tiến và phát triển trong nghề nghiệp nhưng chọn nghề phù hợp với năng lực thực tế của bản thân để định hướng cho việc nên học đại học, cao đẳng hay các trường dạy nghề lại thật sự vô cùng quan trọng. Cho đến nay, việc định hướng nghề nghiệp của các em học sinh, sinh viên phải chịu nhưng sức ép từ phía gia đình. Lại có bạn lựa chọn mà không hề suy nghĩ hay suy nghĩ viễn vông, vượt quá tầm khả năng của mình; điều đó đã khiến cuộc sống trở nên không còn thú vị, thậm chí còn luôn gặp khó khăn, rắc rối trong chính công việc mà mình đã lựa chọn.
Riêng đối với lực lượng bộ đội xuất ngũ, họ đã được học tập, rèn luyện nề nếp chính quy, tính kỷ luật và chấp hành kỷ luật từ trong quân đội cùng với phẩm chất đạo đức tốt, tác phong nhanh nhẹn, có khả năng ứng phó và xử lý các tình huống cấp bách do đã được luyện tập trong quân ngũ. Những tố chất đó sẽ giúp họ trở thành lực lượng lao động tốt của các đơn vị, doanh nghiệp. Tuy nhiên, một nửa lực lượng bộ đội xuất ngũ ở vùng sâu, vùng xa; có trình độ thấp, khi trở về địa phương việc tiếp cận các nguồn vốn vay để khởi nghiệp, lập nghiệp còn khó khăn… Do đó, làm thế nào để giúp họ có việc làm luôn là sự trăn trở của quân đội và chính quyền địa phương.
Định hướng nghề nghiệp - Nền tảng thành công trong tương lai
Trước khi bước vào đời, bất kì ai cũng cần có định hướng nghề nghiệp rõ ràng để có một tương lai tốt đẹp hơn. Quan trọng hơn cả, việc định hướng nghề nghiệp thời 4.0 đừng lấy kiến thức, hiểu biết của người lớn để áp đặt cho con. Khi các con đã lớn đã tự kiếm soát được từ hành vi suy nghĩ của bản thân nên các em sẽ thấy được khả năng, sở thích của mình. Các bậc phụ huynh không cần phải tác động nhiều vào sở thích cũng như đam mê của con hãy để các em tự quyết định tương lại của mình. Tuy nhiên, nếu trường hợp các em có cái nhìn sai về nghề nghiệp các em đang hướng tới thì phụ huynh nên tác động vào để con bạn đi đúng hướng hơn.
Ðể định hướng đúng, trước hết các con cần trả lời được ba câu hỏi: Những thiên hướng và điều quan tâm thực sự của con trong cuộc sống là gì? Công việc có mang lại cho con lợi ích tài chính hay không? Khả năng thành công của con khi thực hiện công việc đó như thế nào? Sau khi cùng nhau trả lời được những câu hỏi này, tin chắc rằng định hướng cho con một công việc đúng với khả năng và đam mê của mình không còn là điều quá khó khăn.
Thời gian qua, những chính sách của Đảng, Nhà nước về trợ cấp việc làm, trợ cấp xuất ngũ 01 lần, cấp thẻ học nghề… cho quân nhân xuất ngũ đã phần nào giúp họ làm quen với cuộc sống mới. Tuy nhiên, cấp ủy, chính quyền địa phương phải là bạn đồng hành, hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi, góp phần giúp họ phát huy năng lực, sở trường để khởi nghiệp và phát triển kinh tế thông qua việc kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn.
Theo kết quả khảo sát của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các địa phương, đa số quân nhân xuất ngũ có nguyện vọng được đi học nghề, đi xuất khẩu lao động và vào làm việc tại các công ty, doanh nghiệp. Để đáp ứng nhu cầu học nghề và vào làm việc với các công ty, doanh nghiệp, địa phương có kế hoạch liên hệ với các trường nghề trên địa bàn bố trí việc học nghề, việc làm tại các công trình, doanh nghiệp.
Đối với nhu cầu đi xuất khẩu lao động, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các địa phương nhận định, đây là một hướng đi khá hiệu quả bởi trong thời gian qua, với phương châm “đi làm thuê để về làm chủ”, nhiều gia đình có con em đi xuất khẩu lao động đã có đổi thay rất lớn về đời sống kinh tế, ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tư vấn việc làm cho thanh niên sau khi xuất ngũ. Ảnh: Vĩnh Hoàng.
Không gì sung sướng, hạnh phúc bằng thực hiện được ước mơ và suốt đời gắn bó với công việc mà mình yêu thích. Lòng say mê, khát vọng, kết hợp với tài năng là những yếu tố cơ bản dẫn tới thành công, vinh quang trong sự nghiệp của mỗi con người. Nhưng trên hết vẫn là tính mục đích. Chúng ta hãy luôn nhớ tới câu nói nổi tiếng của nhà văn Pháp Đi-đơ-rô: "Nếu không có mục đích, anh không làm được gì cả. Anh cũng không làm được cái gì vĩ đại nếu như mục đích tầm thường". Đừng để tương lai của mình bị quyết định bởi người khác, cũng đừng quá mù quáng mà lao theo những thứ viển vông. Hãy sáng suốt để chọn một tương lai tốt nhất cho mình!