Khốn khổ ca bài “lụt từ ngã tư đường phố”
Đến hẹn lại lên, mỗi năm cứ vào cao điểm mùa mưa - từ tháng Sáu đến tháng Mười, người dân TP.HCM lại chứng kiến cảnh “phố biến thành sông”. Mới đây, cơn mưa trút xuống với cường độ lớn liên tục trong nhiều giờ vào chiều tối 6/8 đã khiến một số tuyến đường ngập sâu. Hàng loạt khu vực quen thuộc như Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức), Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh), Nguyễn Văn Quá (quận 12), Cây Trâm (quận Gò Vấp)… chìm trong biển nước. Mọi sinh hoạt của người dân đều bị đảo lộn.
Một “khu phố nhà giàu” cũng than trời vì ngập lụt là tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh). Nơi tập trung nhiều dự án căn hộ cao cấp, nhưng lại là “rốn ngập” kinh khủng nhất.
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, chị Nguyễn Thanh Lam (cư dân sinh sống tại một chung cư trên đường Nguyễn Hữu Cảnh) nói: “Dù bản thân đã quá quen với cảnh mưa ngập ở TP.HCM, nhưng sau cơn mưa hôm 6/8 là đợt ngập nặng nhất trên tuyến đường này từ đầu năm đến nay. Thậm chí, mưa từ 6/8 nhưng đến sáng hôm sau (7/8) nhiều con hẻm vẫn còn ngập nước đen ngòm. Người dân sống trong khu vực này phải lội nước đi làm”.
Bà Lý Thị Mai (sống trên đường Trần Não, quận 2) tỏ ra lo lắng trước tình trạng mưa ngập sẽ còn kéo dài, gây khó khăn cho cuộc sống và công việc kinh doanh. Vì dù đã xây nhà cao hơn mặt đường nhưng “nước vẫn tràn vào tới bếp, cả nhà thay nhau múc nước, xả nước”. “Mỗi khi trời mưa lớn, cộng thêm triều cường, nước dâng rất nhanh. Hàng quán, đồ đạc trong nhà bị ngập hết. Thậm chí, có lần, gia đình tôi còn phải cho bọn trẻ nghỉ học 3 ngày vì ngập quá, không di chuyển được”, bà Mai cho hay.
Cảnh người dân vật lộn với biển nước sau mỗi trận mưa lớn ở TP.HCM.
Hàng chục nghìn tỷ chỉ giải quyết phần ngọn
Tính từ năm 2016 - 2020, TP.HCM đã chi gần 26.000 tỷ đồng chống ngập nhưng đến nay ngập vẫn hoàn ngập khiến người dân đặt dấu hỏi về tính hiệu quả của những công trình đó.
Thông tin với PV, ông Vũ Văn Điệp - Giám đốc trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (sở Xây dựng TP.HCM) cho biết: “Nếu so với trước đây, công tác chống ngập đã đạt được hiệu quả đáng ghi nhận. Số điểm ngập, thời gian và chiều sâu ngập giảm rất nhiều. Cụ thể, trước kia mỗi lần ngập thường kéo dài 4 - 6 tiếng đồng hồ. Đến nay, thời gian ngập được rút ngắn chỉ còn 15 - 40 phút sau mưa, chiều sâu ngập cũng chỉ duy trì 0,1 - 0,3m”.
Tuy nhiên, theo ông Điệp, quá trình chống ngập trên địa bàn vẫn gặp rất nhiều khó khăn vì các lý do khác nhau. Trong đó, việc mạng lưới cống thoát nước đầu tư từ lâu nên năng lực thiết kế của cống không đáp ứng được việc thoát nước sau mưa lớn là một vấn đề phải có thời gian khắc phục. Ngoài ra, rất nhiều kênh rạch xung yếu bị người dân lấn chiếm nhưng tiến độ xử lý vi phạm còn chậm.
Nhận định về vấn đề cứ mưa là ngập tại TP.HCM, trao đổi với phóng viên, PGS.TS Chế Đình Lý (viện Môi trường và Tài nguyên, đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng, những giải pháp chống ngập của TP.HCM đang làm hiện nay tuy không sai nhưng chưa có giải pháp căn cơ. TP.HCM là thành phố có quá trình đô thị hóa nhanh, quy hoạch đô thị trước đây chưa nghĩ đến việc chừa chỗ cho nước thoát nên cứ mưa sẽ ngập là điều dễ hiểu.
PGS.TS Chế Đình Lý.
“Nguyên nhân khiến TP.HCM bị ngập nước vào mùa mưa thì ngoài yếu tố về dân số đông, phát triển nhanh, cơ sở hạ tầng quá tải còn do địa hình thấp, nền đất bị sụt lún… Các công trình chống ngập hiện nay của thành phố không có chiến lược rõ ràng, chưa đầu tư đồng bộ, kém hiệu quả. TP.HCM chỉ đưa ra giải pháp để giải quyết phần ngọn chứ chưa giải quyết được phần gốc. Việc chống ngập theo từng tuyến đường như hiện nay là không hợp lý, mà phải xét theo từng lưu vực” - ông Lý cho hay.
PGS.TS Chế Đình Lý cũng cho rằng, việc gia tăng diện tích bề mặt bị bê tông hóa không chỉ làm tăng lượng nước mưa chảy trên bề mặt vì không thể thấm xuống lòng đất, giảm lượng nước ngầm và gây lún cho đô thị, mà còn tạo ra hiệu ứng đảo nhiệt, làm gia tăng cả về số lượng và quy mô những cơn mưa nhiệt đới trong khu vực. “Để giải quyết phần gốc là phải chừa chỗ nước chảy khi mưa to. Chúng ta bê tông hóa quá nhiều, mưa bao nhiêu là nước đổ hết ra đường”, ông Lý nói.
Đến nay, TP.HCM giải quyết ngập ở 25/36 tuyến đường trục chính, đạt gần 70% chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020. Đối với các tuyến hẻm, các quận, huyện đã hoàn thành 179/179 tuyến hẻm ngập, đạt 100% so với chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020. Đối với các tuyến đường trục chính bị ngập do triều, dự kiến đến cuối năm 2020, thành phố sẽ xóa ngập ở 9/9 tuyến đường (Lương Định Của, Nguyễn Văn Hưởng, xa lộ Hà Nội, Huỳnh Tấn Phát, Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn, tỉnh lộ 10, Đường 26 và quốc lộ 50) để đạt 100% chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020. |
Phải kiểm soát sự phát triển đô thị quá mức! Là người có nhiều năm nghiên cứu về tình trạng ngập lụt nói chung và tại TP.HCM nói riêng, PGS.TS, kiến trúc sư Lưu Đức Cường - Viện trưởng viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia (bộ Xây dựng) - đã chỉ rõ căn nguyên khiến ngập lụt trở thành “bệnh kinh niên”. Theo đó, quá trình đô thị hóa thiếu kiểm soát mới là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng ngập lụt ở TP.HCM hiện nay.
PGS.TS, kiến trúc sư Lưu Đức Cường. Thưa ông, mặc dù đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng cùng với hàng loạt những giải pháp với kỳ vọng giải quyết được bài toán ngập lụt tại TP.HCM, thế nhưng, đến thời điểm hiện tại thì tình trạng ngập lụt tại TP.HCM vẫn chưa được xử lý triệt để và đang có diễn biến phức tạp. Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân chính khiến tình trạng ngập lụt diễn ra tại TP.HCM trong thời gian dài như vậy? Một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ngập lụt tại TP.HCM là do thiếu đầu tư đồng bộ cho hệ thống thoát nước đô thị để đáp ứng tốc độ đô thị hóa. Điển hình là sự phát triển mạnh dự án nhà ở về phía Nam TP.HCM trên nền đất yếu và thấp, hay sự phát triển tự phát hai bên bờ sông Sài Gòn về phía thượng lưu đã khiến hàng ngàn héc-ta chứa nước bị biến mất. Việc gia tăng diện tích bề mặt bị bê tông hóa không chỉ làm tăng lượng nước mưa chảy trên bề mặt vì không thể thấm xuống lòng đất, làm giảm lượng nước ngầm và gây lún cho đô thị, mà còn tạo ra hiệu ứng đảo nhiệt, làm gia tăng cả về số lượng và quy mô những cơn mưa nhiệt đới trong khu vực. Trong khi đó, tốc độ bê tông hóa tại khu vực ngoại thành ngày càng nhanh, thì tại khu vực nội thành, hệ thống tiêu thoát nước cũ kỹ, hư hỏng, không hoặc chưa được duy tu, bảo dưỡng, nạo vét thường xuyên, chưa hoàn chỉnh... Chính vì vậy, chỉ cần có một trận mưa lớn là nhiều khu vực của TP.HCM lại trở thành điểm ngập. Có ý kiến cho rằng, vấn đề chính trong việc giải quyết ngập lụt tại TP.HCM là khó khăn về vốn đầu tư. Theo ông, nếu giải quyết được bài toán về vốn thì tình trạng ngập lụt có được xử lý triệt để? Để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước của TP.HCM thì cần có nguồn vốn lớn. Vì vậy, phải huy động nguồn vốn từ nhiều phía để đầu tư tập trung hoàn chỉnh mạng lưới thoát nước đấu nối từ hẻm nhỏ ra hẻm lớn và thông ra các tuyến đường, không chỉ đáp ứng quy mô dân số ở thời điểm hiện tại, mà phải có tầm nhìn xa hơn. Đồng thời, cần chấn chỉnh ngay và hạn chế lấp kênh, rạch; xử lý nghiêm hành vi vứt rác xuống kênh để bảo đảm dòng chảy được thông suốt; đẩy mạnh xây dựng các cống ngăn triều để hình thành một hệ thống hoàn chỉnh… Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế và nguồn lực hạn chế như hiện nay, không thể triển khai toàn diện và kịp thời các giải pháp này. Do vậy, cần phải có giải pháp quản lý đô thị để hỗ trợ những giải pháp truyền thống, nhằm làm chậm dòng chảy tràn, gia tăng không gian điều tiết, giảm sụt lún… Tôi nghĩ rằng, cơ quan quản lý Nhà nước phải tiến hành kiểm soát phát triển đô thị hợp lý, khuyến khích phát triển đô thị tại khu vực có địa hình cao như khu vực đô thị trung tâm hiện hữu và hướng Bắc, Tây Bắc gắn với Củ Chi, Hóc Môn, dọc Quốc lộ 22… Tuy nhiên, nếu xét về hiệu quả đầu tư, thì đây lại là khu vực kém hấp dẫn so với các hướng khác, nên cần có cơ chế để khuyến khích. Cùng với đó, cần siết chặt và kiểm soát đối với khu vực đô thị hóa có địa hình thấp như hướng Đông Bắc (quận 2, 9, Thủ Đức), hướng Tây Nam dọc Quốc lộ 1 (quận Bình Tân, huyện Bình Chánh; hướng nam, Đông Nam tiến ra biển (huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ). Việc phát triển tại các khu vực này cần được thiết kế, quy hoạch hợp lý để loại bỏ những nguyên nhân gây ngập lụt như hiện nay. Riêng đối với những khu vực đất trũng, thấp, cần đặc biệt quan tâm đến tác động môi trường, tính khả thi và hiệu quả đầu tư. Như ông đã phân tích, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngập lụt như hiện nay là do thiếu đầu tư đồng bộ cho hệ thống thoát nước đô thị để đáp ứng tốc độ đô thị hóa. Vậy ông có đề xuất gì hay không? Để kiểm soát phát triển đô thị hợp lý, TP.HCM cần quy định diện tích bề mặt tự nhiên tối thiểu trong mỗi lô đất, yêu cầu các công trình lớn phải có bề mặt chứa nước mưa, xây dựng “vỉa hè xanh”, xây dựng các điểm trữ nước tạm thời khi có mưa lớn. Sử dụng những không gian xanh chưa bị đô thị hóa ven sông để mở rộng lòng sông hoặc xây dựng những công viên có khả năng chứa nước. Hơn nữa, TP.HCM phải kiên quyết chống hiện tượng xây dựng tự phát trên đất ven nội thành và dọc các tuyến đường ngoại thành, chỉ phát triển đô thị trên quỹ đất đã được dự trữ theo quy hoạch. Xin cảm ơn những chia sẻ của ông! |