Ở đâu có sự kiện, hoạt động ở đó có báo chí
NĐT: Thưa Chủ tịch, nhìn lại chặng đường phát triển của Hội Luật gia Việt Nam đến nay, xin ông cho biết báo chí trong hoạt động của Hội Luật gia có những đóng góp quan trọng như thế nào?
Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Có thể nói, chặng đường 67 năm hình thành Hội Luật gia Việt Nam đã phát triển không ngừng cả về chất và lượng, với số lượng Hội viên hiện lên đến gần 70.000.
Với sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi theo tôn chỉ, mục tiêu và ý chí quyết tâm của toàn thể cán bộ, hội viên, Hội Luật gia Việt Nam luôn vững bước trên con đường phát triển với kim chỉ nam “Đoàn kết, dân chủ, sáng tạo, phát triển” trong niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Hội luôn tham gia tích cực trên mặt trận pháp lý và trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền, là chỗ dựa tin cậy của Đảng và nhân dân.
Chức năng, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho Hội gắn với thể chế chính trị của đất nước, phục vụ nhiệm vụ chính trị chung của đất nước như: tham gia xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật, cải cách tư pháp, cải cách hành chính, vận động nhân dân chấp hành pháp luật, bảo vệ chủ quyền, phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng, cương lĩnh, đường lối của Đảng…
Trong suốt tiến trình phát triển, các cơ quan ngôn luận của Hội đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; các hoạt động pháp lý của Hội Luật gia Việt Nam và tăng cường thông tin tuyên truyền những hoạt động nổi bật của Hội Luật gia Việt Nam. Ở đâu có hoạt động, có sự kiện là ở đó có sự góp mặt của đội ngũ những người làm báo.
NĐT: Như Chủ tịch vừa nêu, các cơ quan ngôn luận của Hội đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tuyên truyền hoạt động của Hội… điều đó được thể hiện cụ thể như thế nào?
Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Các cơ quan ngôn luận của Hội luôn thực hiện theo đúng tôn chỉ, mục đích đề ra, mỗi ấn phẩm, kênh thông tin của Hội đều tích cực thông tin tuyên truyền về các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Đảng đoàn, Ban Thường vụ Trung ương Hội chỉ đạo tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cho hội viên và nhân dân…
Bên cạnh đó, các hoạt động đối nội, đối ngoại của Hội luôn được các cơ quan báo chí bám sát, thông tin kịp thời; các hoạt động của Hội như: Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2019 – 2024; đại hội thi đua yêu nước Hội Luật gia Việt Nam lần thứ III… được các cơ quan ngôn luận của Hội đưa tin rộng rãi…
Nâng cao nghiệp vụ, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp
NĐT: Hội Luật gia Việt Nam có các ấn phẩm, tạp chí cả điện tử và giấy, Chủ tịch đánh giá như thế nào về sự đóng góp của mỗi đơn vị báo chí trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của các cấp Hội Luật gia nói riêng và tuyên truyền chính sách pháp luật của Nhà nước nói chung đến đông đảo công chúng?
Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Trang thông tin điện tử tổng hợp của Trung ương Hội liên tục cập nhật các thông tin mới về các hoạt động của các cấp Hội Luật gia và tạo diễn đàn để các cấp Hội và hội viên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm...
Theo thống kê, năm 2021 Trang thông tin điện tử tổng hợp của Hội đã đăng tải được gần 700 tin, bài, ảnh về hoạt động của Trung ương Hội và các cấp hội địa phương, trong đó, các tin mà Hội Luật gia các tỉnh gửi đến chiếm 50%.
Đáng ghi nhận là một số đơn vị tích cực gửi các tin, bài viết về hoạt động Hội ở cơ sở để đăng tải trên Trang Web của Hội như: Thanh Hóa, Sóc Trăng, Điện Biên, Đà Nẵng, Nghệ An, Thái Bình, Yên Bái, Hậu Giang...Thực hiện nhiệm vụ được giao, Trang thông tin đã mở hai chuyên mục mới trong tháng 4: Chuyên mục tuyên truyền, phổ biến về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; chuyên mục Tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị 56-CT/TW với nhiều tin, bài có chất lượng.
Các cơ quan báo chí, xuất bản của Hội thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, tham gia tích cực vào việc tuyên truyền các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng đoàn, Ban thường vụ và Ban thường trực Trung ương hội.
Tạp chí Đời sống và pháp luật đã đăng tải hàng trăm tin, bài tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh; thông tin kịp thời, minh bạch, trong đó chú trọng thông tin về kết quả tích cực, các mô hình tốt, sự chung tay của cả cộng đồng trong phòng, chống dịch bệnh, hoạt động của các kỳ họp Quốc hội.
Đồng thời, tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 20 năm ngày báo Đời sống & Pháp luật xuất bản số báo đầu tiên (2/3/2001- 2/3/2021). Thông qua việc tổ chức Lễ kỷ niệm, nhiều bạn đọc, các cơ quan quản lý báo chí đánh giá cao những kết quả, cố gắng của Tạp chí đạt được trong thời gian qua.
Tạp chí Pháp luật và Phát triển là một trong những ấn phẩm song ngữ được các bạn đọc quan tâm, nhất là các bài nghiên cứu lý luận pháp luật song ngữ. Tạp chí cũng đăng tải nhiều bài nghiên cứu các vấn đề về hội nhập kinh tế với công cụ thể chế quan trọng là hệ thống pháp luật tương thích với các yêu cầu và cam kết quốc tế.
Ngoài ra, Tạp chí đã có những đóng góp trong việc tăng cường năng lực của Hội Luật gia trong công tác đối ngoại, thúc đẩy các hoạt động của Hội trong Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế, Hiệp hội Luật các nước ASEAN.
Tạp chí Pháp lý đã xuất bản và phát hành các số Chuyên đề đặc biệt với những bài viết phân tích, bình luận, góp ý phản biện chính sách, pháp luật chuyên sâu…
NĐT: Chủ tịch có kỳ vọng gì về sự phát triển của các cơ quan báo chí của Hội trong thời gian tới?
Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Với những gì đã làm được, tôi mong muốn các đơn vị báo chí, xuất bản trực thuộc Trung ương Hội tiếp tục phát huy tốt vai trò của mình trong công tác thông tin, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quảng bá về Hội, kịp thời cập nhật các thông tin về hoạt động của các cấp Hội từ trung ương đến địa phương. Trang thông tin điện tử tổng hợp của Hội tiếp tục tăng cường cập nhật các tin, bài về hoạt động Hội.
Các cấp hội chú trọng thực hiện tốt việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cần chú trọng có nhiều tin bài về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN; xuất bản nhiều số bản tin Hội Luật gia có chất lượng để phục vụ công tác Hội.
NĐT: Với cương vị là lãnh đạo Hội, Chủ tịch muốn gửi gắm điều gì đến đội ngũ những người làm báo Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam?
Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn các nhà báo: “Người làm báo cách mạng phải có tâm sáng, lòng trong, bút sắc!”, báo chí cách mạng Việt Nam đã luôn đồng hành, đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, để hoàn thành sứ mệnh của một “chiến sĩ cách mạng” trên mặt trận thông tin, truyền thông, đòi hỏi mỗi nhà báo thường xuyên phải nâng cao nghiệp vụ, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp.
Thay mặt lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam, tôi xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến đông đảo đội ngũ những người làm báo.
Đồng thời mong muốn thời gian tới những người làm báo của các đơn vị thuộc Hội tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, tiếp tục có những tìm tòi, sáng tạo mới trên cơ sở thực tiễn để có những tác phẩm báo chí chất lượng, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân trong giai đoạn hiện nay.
NĐT: Xin trân trọng cảm ơn chia sẻ của Chủ tịch!
Ngày 21/4 trong khuôn khổ làm việc với Hội Luật gia Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm tòa soạn Tạp chí Đời sống và Pháp luật.
Chủ tịch nước đánh giá Đời sống và Pháp luật là cơ quan báo chí tốt, có lượng bạn đọc đông đảo, thông tin chính xác, phong phú, có sức lan tỏa và ảnh hưởng lớn đến xã hội, Chủ tịch nước yêu cầu Tạp chí Đời sống và Pháp luật tiếp tục phát huy thế mạnh của mình, cùng với đó, lưu ý đến những vấn đề mà xã hội quan tâm như tấm gương người tốt việc tốt, các vấn đề bảo vệ pháp luật, cải cách tư pháp...
Chủ tịch nước cũng yêu cầu phóng viên, biên tập viên Đời sống và Pháp luật phải nêu gương trong hoạt động tác nghiệp báo chí đúng pháp luật và yêu cầu toà soạn phải tiếp tục nỗ lực đổi mới hình thức và chất lượng, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, đảm bảo nguồn thu nhập cho cán bộ, phóng viên để có thể tiếp tục cống hiến với nghề.
Đặc biệt, Chủ tịch nước đề nghị Ban Biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật mở thêm một số mục để đi đầu trong việc tuyên truyền xây dựng Nhà nước pháp quyền, đẩy mạnh hơn nữa các vấn đề chính trị, thời sự.