Chùa Hưng Ký: Ngôi chùa gốm sứ độc đáo của Hà Nội

Thảo Huyền

Chùa Hưng Ký được xây dựng từ năm 1932. Đến nay, đã trải qua gần 90 năm nhưng chùa còn giữ được hầu như nguyên vẹn số lượng lớn gốm men nhiều màu đã gắn, ốp trên các cấu kiện của kiến trúc, mô tả các sự tích trong Phật thoại, khiến ai bước vào chùa cũng phải ngỡ ngàng về tài nghệ của các nghệ nhân Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Chùa Hưng Ký là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo cuối vương triều Nguyễn. Trên khuôn viên 3.000m2, các công trình kiến trúc của chùa Hưng Ký như tam quan, tam bảo, Phật điện, nhà tổ được bố trí hợp lý, thuận cho Phật tử hành lễ.

Chùa Hưng Ký còn giữ được hầu như nguyên vẹn số lượng lớn gốm men nhiều màu đã gắn, ốp trên các cấu kiện của kiến trúc, mô tả các sự tích trong Phật thoại, khiến ai bước vào chùa cũng phải ngỡ ngàng về tài nghệ của các nghệ nhân Việt Nam đầu thế kỷ XX. Văn bia chùa Hưng Ký, do cư sĩ Lã Nam Mai soạn năm 1933, viết:

Bên Long Thành dựng ngôi chùa

Nào Tiên nào Phật điểm tô muôn màu

Việc thần đạo nói bàn sao xiết

Phía Hà Thành tô nét tài hoa

Danh lam do Bắc Kỳ ta

Thực là bậc nhất thuyền gia lâu dài.

Chùa Hưng Ký tọa lạc trên địa phận làng Hoàng Mai, thuộc thôn Đoài, nay là ngõ Hưng Ký, phố Minh Khai, quận Hoàng Mai, Hà Nội
Chùa Hưng Ký còn có tên là Vũ Hưng Tự và mang hiệu là Võ Hưng Truyền Am. Đây là ngôi chùa gốm sứ độc nhất Hà thành, được dựng trên khuôn viên 3.000 m². Chùa là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo cuối vương triều Nguyễn
Chùa không phải được xây dựng từ gỗ, gạch ngói thông thường, mà được làm từ gốm sứ độc nhất vô nhị. Chùa đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng bảo tồn năm 1992
Mái chùa được làm từ ngói ống cùng với các tượng sứ nhiều màu ghép lại trên các diềm mái nói về các sự tích nhà Phật, sự vất vả tìm về chốn Tổ linh thiêng của các tín đồ; đồng thời còn nói lên những tâm tư, tình cảm của các nghệ nhân gửi gắm lòng tin về nơi đất Phật. Điều này tạo ra sự hòa quyện giữa cái ảo với cái thật và sự thiêng liêng
Chùa Hưng Ký cùng với quần thể kiến trúc tôn giáo được ghi bằng hình tượng cộng với phong cách kiến trúc nghệ thuật chứa đựng tính cách dân tộc giữa cảnh đời nô lệ thời Pháp thuộc. Việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa các vật liệu xây dựng hiện đại với phong cách kiến trúc cổ truyền của dân tộc đã tạo ra một ngôi chùa tuy ra đời muộn nhưng lại có một không hai trong lịch sử kiến trúc Phật giáo Việt Nam
Chùa Hưng Ký hiện nay còn bảo tồn hầu như nguyên vẹn các nét điêu khắc bằng sứ có giá trị nghệ thuật khiến cho các thế hệ ngày nay phải thán phục trước cái tinh tế của những nghệ nhân vô danh xưa mà chỉ Hưng Ký mới có được
Chùa hiện còn bảo tồn khá nguyên vẹn các hạng mục kiến trúc cơ bản bao gồm: tam quan, tòa Tam bảo, hậu Tổ, nhà bia, trai đường
Mặc dù không có lịch sử lâu đời như nhiều ngôi chùa khác nhưng nơi đây lại có sức thu hút đặc biệt bởi nghệ thuật kiến trúc rất phong phú và đa dạng. Bộ vì kèo trong chùa được làm bằng ganitô giả đá kết hợp với các mảnh sứ ốp tường có nhiều màu sắc đã tạo nên một bức tranh màu sống động và làm tôn thêm vẻ uy nghiêm vốn có
Giá trị chủ yếu của di tích chùa Hưng Ký là kiến trúc và nghệ thuật trang trí trên kiến trúc. Các nghệ nhân đã sử dụng gốm nung có men nhiều màu sắc kỹ thuật cao để thể hiện các chi tiết từ kết cấu đến trang trí; từ nóc mái đến tường trụ, từ tam quan chùa và các công trình khác. Đó thực sự là một công trình kiến trúc mỹ thuật đặc sắc
Cận cảnh một bức phù điêu về phượng
Một tượng nghê đá bằng gốm sứ từ đầu thế kỷ XX được đặt trong chùa./.

Bình Vy (t/h)