Vừa qua, chúng tôi nhận được phản ánh của anh N.X.M, là chủ sở hữu căn hộ số 1902 toà B, tòa chung cư Hong Kong tower có địa chỉ tại 243A đường La Thành (phường Láng Thượng, quận Đống Đa, TP. Hà Nội) phản ánh về việc anh đã phải nhận nhà không đúng hồ sơ theo như Hợp đồng mua bán căn hộ chung cư mà anh đã ký trước đó.
Anh M. cho biết: Sau khi nhận nhà, tôi đã thực hiện cải tạo, sửa chữa nội thất căn hộ 1902 toà B, chung cư Hong Kong tower. Việc cải tạo, sửa chữa này đã được Ban Quản lý toà nhà Hong Kong Tower cho phép. Trong quá trình thi công, tôi có phát hiện ra hiện trạng căn hộ 1902 do tôi là chủ sở hữu không đúng hồ sơ như Hợp đồng mua bán căn hộ chung cư số 78/HĐMB/KL-HKT.
Tòa chung cư Hong Kong tower
Cụ thể, tôi phát hiện có một đường ống lạ đi từ giữa trần phòng khách căn hộ 1902 của tôi nối vào ống thải vệ sinh. Vị trí đường ống đi thẳng vào phía trên vị trí mà tôi dự kiến đặt bàn thờ gia tiên tại đó. Ngay sau khi phát hiện ra sự việc trên, tôi đã nhanh chóng dừng thi công và trực tiếp làm việc với Ban Quản lý vận hành (Ban QLVH) Hong Kong Tower để phản ánh sự việc. Ban QLVH Hong Kong Tower đã tiêp nhận ý kiến của tôi qua Phiếu tiếp nhận ý kiến khách hàng ngày 13/12/2019.
“Trước khi mua, vợ chồng tôi đã tìm hiểu và được biết dự án chung cư Hong Kong Tower do Công ty CP Đầu tư đô thị Kang Long làm chủ đầu tư là dự án nhà ở cao cấp. Tuy nhiên, sau khi mua nhà và phát hiện sự việc nói trên, tôi đã vô cùng hụt hẫng. Tôi đã phải bỏ ra một số tiền lớn, là toàn bộ tài sản tích cóp trong nhiều năm của vợ chồng tôi để mua căn hộ nói trên với mong muốn có được một chỗ ở lâu dài, tiện nghi, văn minh nhưng cho đến bây giờ điều mà vợ chồng tôi nhận được chỉ là sự thất vọng và bức xúc.
Sau gần 1 năm trời tìm cách giải quyết với các bên liên quan nhưng không thể tìm được hướng xử lý, các bên vẫn đùn đẩy trách nhiệm cho nhau và quyền lợi của người mua nhà chưa được giải quyết. Hiện tại gia đình tôi vẫn phải thuê nhà để ở, cuộc sống và sinh hoạt của gia đình tôi bị đảo lộn hoàn toàn”, anh M. bức xúc cho biết.
Phiếu tiếp nhận ý kiến khách hàng của Ban quản lý chung cư
Trước những phản ánh của anh M., PV đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Quốc Chính, đại diện chủ đầu tư dự án. Ông Chính cho biết: “Vụ việc theo phản ánh của chủ căn hộ 1902 toà B là đúng, đó là do lỗi của chúng tôi. Anh M. mua lại căn hộ này của một chủ khác, tại thời điểm chủ đầu tư (công ty Kang Long) bàn giao nhà cho chủ cũ thì đúng theo như thiết kế của dự án.
Sau đó chủ căn hộ phía trên (căn 2002B) đã làm đơn xin được cải tạo sửa chữa và đã được chấp thuận. Nhưng bằng cách nào đó nhóm thợ sửa chữa căn 2002B lại vào được trong căn 1902B dỡ trần ra và thi công mà chủ đầu tư không biết. Sau này khi chủ đầu tư hỏi ban quản lý vận hành thì được biết có khả năng bị lộ mật khẩu cửa của hộ căn 1902B do trước đó ban quản lý có đề nghị chủ cũ căn 1902B cung cấp mật khẩu cửa để vào sửa chữa đường ống nước bị tắc”.
Được biết, anh M. đã lập vi bằng về hiện trạng của căn hộ cũng như cam kết của các bên liên quan về việc sửa chữa căn hộ 1902B theo hướng hoàn trả về nguyên trạng như ban đầu. Như vậy, lỗi ở đây hoàn toàn thuộc về chủ đầu tư và Công ty quản lý vận hành tòa nhà (Công ty cổ phần VISAHO) nhưng không hiểu sao đã gần 1 năm trôi qua, vụ việc vẫn chưa được giải quyết để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người mua nhà?
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 6 Luật Nhà ở 2014 về các hành vi bị nghiêm cấm: “5. Chiếm dụng diện tích nhà ở trái pháp luật; lấn chiếm không gian và các phần thuộc sở hữu chung hoặc của các chủ sở hữu khác dưới mọi hình thức; tự ý thay đổi kết cấu chịu lực hoặc thay đổi thiết kế phần sở hữu riêng trong nhà chung cư.”
Theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 66 Nghị định 139/2017/NĐ-CP thì cá nhân tự ý thay đổi thiết kế phần sở hữu riêng của nhà chung cư sẽ bị xử phạt từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Ngoài ra, còn buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu hoặc buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm theo quy định tại Điểm a, Khoản 10, Điều 66 Nghị định 139/2017/NĐ-CP.
Chúng tôi tiếp tục thông tin đến bạn đọc.