Lứa tuổi vị thành niên, trẻ không còn là những cô bé, cậu bé nép mình trong vòng tay bố mẹ. Giai đoạn này có khá nhiều sự thay đổi cả về tâm, sinh lý xảy ra khiến con thường xuyên trải qua những xúc cảm lo âu, căng thẳng.
Bởi lẽ, ở cái tuổi “chuẩn bị làm người lớn”, trẻ đứng trước nhiều thách thức khách quan của cuộc sống như phải lựa chọn cho mình định hướng sau khi rời mái trường phổ thông, trải qua cảm xúc của những rung động đầu đời… Bấy nhiêu vấn đề đó thôi cũng đủ khiến trẻ thấy hoang mang, lo lắng. Lâu dần những căng thẳng dồn nén đẩy trẻ vào tình trạng quá tải và có những biểu hiện tâm lý bất ổn. Đây chính là dấu hiệu của vấn đề rối loạn lo âu ở trẻ vị thành niên.
Chữa rối loạn lo âu, cha mẹ cần rõ những triệu chứng điển hình ở trẻ
Thông thường, cảm giác lo lắng sẽ chỉ kéo dài trong vài giờ hoặc cao nhất là một ngày. Tuy nhiên, nếu tình trạng này xảy ra lâu hơn với tính chất nghiêm trọng hoặc thậm chí ảnh hưởng đến sinh hoạt, việc học tập của trẻ thì con đã rơi vào chứng rối loạn lo âu.
Trẻ gặp phải vấn đề này thường có những triệu chứng về cảm xúc và hành vi bao gồm:
- Nhạy cảm với những lời chỉ trích hoặc không thoải mái trong những tình huống xã hội
- Thường xuyên né tránh những tình huống mới hay gặp khó khăn khi đương đầu những thử thách trong cuộc sống
- Luôn có cảm giác kích động, bồn chồn trông giống như trẻ đang không thể nghỉ ngơi trọn vẹn
- Tỏ ra rụt rè, nhút nhát khi tham gia các hoạt động xã hội hoặc nơi đông người
- Trong đầu trẻ có những suy nghĩ hoặc hình ảnh không thể loại bỏ…
Ngoài ra, trẻ có thể trải qua một vài triệu chứng thực thể như đau nhức các cơ, đánh trống ngực, toát mồ hôi, đau đầu, đau bụng, có những vấn đề về giấc ngủ. Trẻ mắc chứng rối loạn lo âu dễ bị mất tập trung, hay quên hoặc bị xao nhãng trong việc học.
Bệnh lý về tâm thần này có thể kéo dài ít nhất 6 tháng và gây tác động đến nhận thức và sự phát triển của trẻ nếu không sớm được phát hiện và xử lý kịp thời.
8 biện pháp tự nhiên hỗ trợ chữa rối loạn lo âu cho trẻ thành niên
Để chữa rối loạn lo âu cho trẻ, ngoài việc nhờ sự giúp đỡ từ các chuyên gia, bác sĩ tâm lý cũng như kết hợp điều trị bằng thuốc, bố mẹ vẫn có thể áp dụng thêm một số biện pháp hỗ trợ tại nhà.
Không những hiệu quả, ít gây ra những vấn đề sức khỏe không mong muốn như việc dùng thuốc, những phương pháp tự nhiên được gợi ý sau đây còn có thể giúp trẻ mau chóng phục hồi bằng việc thúc đẩy khả năng “tự chữa lành” tự nhiên của cơ thể.
1. Thay đổi chế độ dinh dưỡng
Chứng rối loạn lo âu sẽ dần trở nên phức tạp và khó điều trị hơn nếu cơ thể trẻ không được chăm sóc đúng đắn. Vì thế, để đảm bảo sức khỏe cho con, mẹ nên cân đối thực đơn hằng ngày. Đặc biệt luôn phải đảm bảo cân đối đầy đủ 3 yếu tố đường, đạm, béo trong mỗi bữa ăn.
Bên cạnh việc bổ sung các loại thực phẩm dinh dưỡng, bạn cần tránh cho trẻ tiêu thụ các chất kích thích như đồ uống có caffeine, nước tăng lực, sô cô la… Bởi lẽ các loại thực phẩm này làm cho tình trạng bệnh thêm tồi tệ hơn và gây cản trở giấc ngủ của trẻ.
2. Thử các bài tập yoga
Yoga là bộ môn có sự kết hợp giữa thể chất và tinh thần. Theo đó, các động tác trong những bài tập yoga thường là những chuyển động nhẹ nhàng, kết hợp hài hòa với nhịp thở. Điều này giúp cho não bộ đạt được trạng thái cân bằng nhất định. Chính vì lý do này mà yoga rất thích hợp hỗ trợ chữa rối loạn lo âu cho trẻ.
Nói về lợi ích mà yoga mang lại, bên cạnh giải tỏa cảm giác lo âu, bồn chồn, hình thức tập luyện này còn giúp trẻ xua tan mọi căng thẳng và mệt mỏi kéo dài nhờ tác động làm giảm bài tiết hormone cortisol (nguyên nhân khiến não bộ làm việc quá sức).
Trẻ mắc chứng rối loạn lo âu thường xuyên phải vật lộn với giấc ngủ. Tình trạng thiếu ngủ thường xuyên có thể dẫn đến bệnh cao huyết áp, béo phì hay thậm chí là những suy nghĩ tiêu cực dẫn đến các hành vi lệch lạc. Tuy nhiên, những điều này sẽ không xảy ra nếu trẻ thực hành các bài yoga thường xuyên.
Việc hít thở sâu khi luyện tập sẽ cung cấp oxy cho cơ thể, nâng cao tuần hoàn máu và cải thiện chất lượng giấc ngủ tốt hơn. Gợi ý một số tư thế yoga thích hợp cho tình huống này như: tư thế cánh cung, tư thế con cá, tư thế cây cầu…
3. Cây ban Âu hay cỏ thánh John (St. John’ Wort)
Từ ngàn xưa, con người đã biết sử dụng thảo dược này để chống lại chứng trầm cảm, cải thiện tâm trạng. Hiện nay, những lợi ích của loài cây này đã được khoa học chứng minh và cũng được sử dụng rộng rãi trong nền y học Việt Nam.
Thành phần trong cây ban Âu bao gồm một số hợp chất có hoạt tính như hypericin, hyperforin và các flavonoid đóng vai trò tác động trên nhiều thụ thể thần kinh. Nhờ đó mà có thể khắc phục các triệu chứng thường thấy của rối loạn lo âu ở trẻ.
Bạn có thể tìm mua chiết xuất của St. John’ Wort ở dạng viên nén, bột, dịch lỏng hoặc mua thảo dược khô để pha trà. Tuy nhiên, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng phương pháp hỗ trợ này nhé!
4. Ngồi thiền và thư giãn
Hiện nay, ngồi thiền được xem là cách chữa rối loạn lo âu hiệu quả, mang lại sự thư giãn tốt. Mỗi khi trẻ gặp vấn đề căng thẳng hay mệt mỏi, bạn có thể hướng dẫn con ngồi thiền, tập hít vào thật sâu rồi thở ra nhẹ nhàng. Quan trọng nhất khi ngồi thiền là tư thế phải “chuẩn”, phần cột sống phải được giữ nguyên theo đường thẳng và thả lỏng toàn thân để các cơ bắp thoải mái.
Suốt quá trình thiền tịnh, bạn nên hướng trẻ nghĩ đến những điều tích cực. Ngoài ra, bạn có thể chuẩn bị sẵn những bản nhạc thiền để tăng thêm hiệu quả điều trị. Khi cho con ngồi thiền, bạn nên chọn một nơi yên tĩnh, thoáng đãng, đồng thời nên kết hợp sử dụng thêm các loại trà thảo mộc để cải thiện những triệu chứng của bệnh lý này.
5. Dùng tinh dầu sả chanh
Loại tinh dầu này đã được áp dụng để chữa rối loạn lo âu, cải thiện giấc ngủ hiệu quả. Theo một số nghiên cứu, tinh dầu sả chanh có chứa các hợp chất như myrcene, citronellal và geraniol giúp xoa dịu tình trạng căng thẳng rất tốt.
Bên cạnh lợi ích trên, tinh dầu sả chanh còn được dùng để cải thiện chứng co thắt, mang lại sự thư giãn cho cơ bắp. Bạn có thể pha loãng tinh dầu với nước, sau đó cho vào bình xịt lên trên vỏ gối, drap giường ngủ của con. Cách này cũng có thể xua đuổi côn trùng, đặc biệt là trong mùa dịch sốt xuất huyết đang hoành hành.
6. Bổ sung thêm lysine
Lysine là một trong 12 axit amin thiết yếu mà cơ thể không tự tổng hợp được. Trong khi đó, đây lại là dưỡng chất rất cần thiết cho sự tăng trưởng và đảm bảo độ chắc khỏe của xương. Thêm vào đó, các chuyên gia dinh dưỡng còn cho biết lysine có khả năng ức chế các thụ thể đáp ứng với stress và điều hòa nồng độ hormone cortisol.
Do vậy, mẹ nên tích cực bổ sung lysine cho con thông qua thực phẩm. Chất dinh dưỡng này được tìm thấy khá nhiều trong thịt bò, gà, hải sản có vỏ, các loại đậu như đậu lăng, đậu Hà Lan…
7. Tinh dầu oải hương
Tinh dầu hoa oải hương thu được nhờ phương pháp chưng cất loài thảo mộc Lavandula augustifolia. Với hương thơm nhẹ nhàng, dễ chịu, loại tinh dầu này mang lại cảm giác thư giãn tuyệt vời.
Nhiều thử nghiệm thực tế đã cho thấy tinh dầu oải hương giúp giảm căng thẳng và điều hòa nhịp tim đáng kể. Người ta còn sử dụng loại tinh dầu này trong giảm đau và trấn an tinh thần cho người đang điều trị nha khoa.
Để tận dụng những lợi ích này, bạn hãy pha một ít dầu hoa oải hương vào nước ấm để tắm. Cách đơn giản hơn nữa là thoa một ít tinh dầu phía sau tai hoặc dùng để massage da nếu muốn cải thiện tâm trạng cho trẻ.
8. Tinh dầu hoa cúc
Ít ai biết rằng dầu hoa cúc có thể dùng để chữa rối loạn lo âu cho trẻ. Những lúc trẻ đang trải qua cơn đau đầu, khó chịu, bạn hãy cho con ngửi loại tinh dầu này. Mùi hương dịu nhẹ của hoa cúc thoảng qua sẽ “cuốn đi” mọi căng thẳng, âu lo nhanh chóng.
Để giúp con ngon giấc về đêm, mẹ có thể nhỏ từ 3–4 giọt dầu vào lòng bàn tay, sau đó nhẹ nhàng massage vùng vai gáy cho trẻ để cảm nhận hiệu quả bất ngờ. Lý do vì các thành phần có lợi trong dầu hoa cúc sẽ xoa dịu các giác quan, cũng như kích thích bài tiết melatonin đưa trẻ chìm sâu vào giấc ngủ.
Hy vọng rằng qua bài viết trên đây, các bậc phụ huynh đã có thêm cho mình kinh nghiệm trong việc chăm sóc trẻ mắc chứng rối loạn lo âu. Bên cạnh áp dụng những biện pháp này, bạn cũng nên kết hợp chặt chẽ với các bác sĩ chuyên khoa cũng như tuân thủ hướng dẫn điều trị để có kết quả khả quan nhất.