Tôi còn nhớ, cách đây gần 20 năm, khi còn là cậu sinh viên báo chí, lang thang viết phóng sự cộng tác các báo kiếm nhuận bút, lớp sinh viên như chúng tôi chỉ duy nhất có cái thẻ sinh viên, đi thực tế, thâm nhập viết bài gặp muôn vàn khó khăn, từ phương tiện, chi phí cho đến pháp nhân… để được gặp cơ quan công quyền, cán bộ. Rồi chúng tôi đánh liều vào các cơ quan, đưa cái thẻ sinh viên báo chí ra, xin ý kiến các anh được tiếp cận vấn đề. Trái ngược với những gì chúng tôi nghĩ, các lãnh đạo Sở, Ban ngành rất nhiệt tình, cung cấp thông tin cởi mở. Gặp ông nào khó tính, chỉ nói rằng, các cháu, em thông cảm, cơ quan đang bận nhiều việc, hẹn khi khác (từ chối khéo). Thế mới thấy việc ông Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông (TT&TT) tỉnh Bắc Giang vô cớ từ chối làm việc với phóng viên Hà Giang Nam của tạp chí Đời sống & Pháp Luật, thậm chí vô cớ thị uy bằng cách cho thanh tra Sở lập biên bản là thiếu hiểu biết pháp luật, và hình như ông chưa từng đọc qua Luật Báo chí.
Phóng viên Hà Giang Nam đã liên hệ với Sở TT&TT tỉnh Bắc Giang để lấy thông tin về vụ việc với Giấy giới thiệu cơ quan, theo đúng luật báo mà bị cản trở thì quả lạ “hiếm xưa nay”. Việc phóng viên tới tác nghiệp, thu thập thông tin xử lý những video nhảm, xúc phạm danh dự người khác nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật là chuyện hết sức bình thường, nhưng ông Giám đốc Sở này lại có cách xử lý rất lạ kỳ kiểu một mình một luật, chẳng coi ai ra gì!. Thậm chí, phóng viên Hà Giang Nam còn bị đích thân ông Trần Minh Chiêu – Giám đốc Sở chỉ đạo Thanh tra Sở TT&TT tỉnh Bắc Giang lập biên bản với lý do chưa có thẻ nhà báo và Tạp chí Đời sống và Pháp luật hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích(???). Việc người đứng đầu một cơ quan có chức năng tham mưu về quản lý Nhà nước đối với báo chí trên địa bàn tỉnh lạm dụng chức vụ, quyền hạn để thị uy với phóng viên báo chí đang tác nghiệp đúng pháp luật quả là khó chấp nhận. Nếu sự việc xảy ra ở một Sở, Ban ngành khác thì có thể còn lý giải được. Đằng này, ông Chiêu (với tư cách người đứng đầu Sở Thông tin & Truyền thông, có thẻ nhà báo 26 năm) lẽ ra phải là người thấu hiểu, chia sẻ nhất với quá trình hoạt động nghề nghiệp của phóng viên thì không hiểu vì lý do gì mà ông Chiêu lại cố tình vi phạm những quy định rõ ràng và cơ bản nhất của luật Báo chí? Rất khó hiểu.
Thế mới thấy, hình như ở nước ta mới có khái niệm “nhà báo” và “phóng viên” được tách bạch ra bằng “ranh giới” là có thẻ nhà báo hay chưa có thẻ nhà báo.
Thẻ nhà báo là loại thẻ hành nghề, chứng minh người có thẻ được làm công việc của báo chí. Thế nhưng để có thẻ báo chí , phóng viên phải công tác tại cơ quan báo chí ít nhất 3 năm. Quy định này hoàn toàn đúng bởi trong trường hợp bất ngờ, khẩn cấp, người có thẻ nhà báo có thể xuất trình để được các cơ quan, tổ chức hữu quan và người dân hợp tác, giúp đỡ, cung cấp thông tin. 3 năm hành nghề mới được cấp thẻ là cần thiết bởi người có thẻ đã có kinh nghiệm, hiểu biết nhất định khi độc lập trước sự kiện vừa xảy ra nhằm có thông tin nóng, kịp thời tới bạn đọc. Tất nhiên, từ thông tin nóng tới bài viết đến với công chúng phải được lãnh đạo cơ quan báo chí chấp nhận bởi khi bài báo ra đời là thái độ của một tờ báo mà không còn là thái độ cá nhân.
Tuy nhiên, muốn thành nhà báo phải được đào tạo qua trường lớp. Sinh viên báo chí ra trường khi làm việc trong cơ quan báo chí phải làm nghề như các anh chị đi trước dù chưa có thẻ nhà báo. Và “giấy giới thiệu” của cơ quan báo chí vừa là chứng nhận nhân thân người đến cơ quan làm việc theo yêu cầu của báo, vừa là sự chấp thuận hoặc giao nhiệm vụ cho phóng viên đến xác minh, tìm hiểu vấn đề mà cơ quan báo chí quan tâm.
Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Ngô Quang Kim, Trưởng văn phòng luật sư 4.1 và cộng sự cho biết: Việc tạp chí Đời sống & Pháp luật cử phóng viên đến Sở TT&TT Bắc Giang để xác minh, tìm hiểu là chuyện cần thiết, để có cách nhìn khách quan, toàn diện mà dân ta gọi là “nghe bằng 2 tai”. Thế nhưng lãnh đạo Sở từ chối làm việc, thậm chí "lập biên bản" vì PV chưa có thẻ nhà báo mới làm việc là một đòi hỏi vô lý, thậm chí vi phạm Luật Báo chí. Khoản 12, điều 9 Luật Báo chí mới quy định: Nghiêm cấm hành vi “đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”.. PV không làm công việc tác nghiệp báo chí sao có thể thành nhà báo để được cấp thẻ ? Không lẽ người về cơ quan báo chí 3 năm đầu chỉ ngồi ở tòa soạn pha trà, thiếu thực tế, kinh nghiệm lại có thể thành “nhà báo” !?
Ở góc nhìn khác, Nhà báo, nhà biên kịch Lê Quý Hiền nêu quan điểm: “Vô lý hơn khi lãnh đạo Sở này lại đòi hỏi nguồn cung cấp thông tin khi mà chỉ cần thiện chí giải thích, cung cấp thông tin vấn để phóng viên Hà Giang Nam cần xác minh dù đã biết hay chưa biết thông tin này".
Chuyện thật đơn giản nếu thực hiện theo đúng Luật Báo chí . Không hiểu sao khi PV đến xác minh theo nhiệm vụ tòa soạn giao qua giấy giới thiệu, chỉ vì không có thẻ nhà báo mà phải yêu cầu cả cán bộ thanh tra Sở tới lập biên bản cứ như là PV vừa có hành vi phạm pháp quả tang! Chuyện vốn đơn giản bị biến thành nghiêm trọng một cách vô lý. Hay sau sự vô lý này còn ẩn giấu điều gì để tránh sự can thiệp của báo chí?. Câu hỏi này xin dành cho những người làm công tác quản lý.
Khoản 12, điều 9 Luật Báo chí sửa đổi năm 2016, có hiệu lực vào ngày 1/1/2017, quy định: Nghiêm cấm các hành vi “đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”. Nói thế không có nghĩa là, bây giờ phóng viên chưa có thẻ nhà báo (phóng viên tác nghiệp bằng giấy giới thiệu) là chưa được bảo vệ. Thực tế, ngay từ Nghị định 159/2013/NĐ-CP, ký ngày 12/11/2013, có hiệu lực vào ngày 1/1/2014, đã ghi nhận và bảo hộ quyền tác nghiệp của phóng viên chưa có thẻ Nhà báo. Tại điều 7 Nghị định 159/2013/NĐ-CP ghi rõ: “1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên. 2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp. 3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Uy hiếp tính mạng nhà báo, phóng viên; b) Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên; c) Thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên. 4. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc xin lỗi đối với hành vi quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này; b) Buộc trả lại phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều này”. Với lý giải tương tự, trong Nghị định 159, danh xưng “phóng viên” được đặt bên cạnh danh xưng “nhà báo” và được bảo vệ như nhau trước những hành vi cản trở trái pháp luật, uy hiếp tính mạng, hủy hoại, cố ý làm hư hỏng, thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu… Ấy vậy mà thực tiễn tác nghiệp, nhiều phóng viên vẫn phản ánh với người viết về tình trạng đến các cơ sở, xuất trình giấy giới thiệu lại bị đòi hỏi phải có có thẻ Nhà báo mới tiếp. Có những cá nhân khi phóng viên chưa có thẻ Nhà báo tiếp cận lại có thái độ coi thường, có lời lẽ xúc phạm và không hợp tác để phóng viên tác nghiệp đúng luật. Các chuyên gia pháp luật về báo chí truyền thông khuyến cáo, khi phóng viên gặp những tình huống cản trở như vậy, hãy gửi đơn và bằng chứng đến Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam để được giải quyết. Khi Luật Báo chí mới có hiệu lực, việc luật hóa quy định bảo vệ phóng viên tác nghiệp đúng pháp luật, khiến cho việc bảo vệ quyền tác nghiệp của phóng viên chưa có thẻ Nhà báo được mạnh mẽ hơn. Trước đó, quyền tác nghiệp của phóng viên chưa có thẻ Nhà báo cũng đã được bảo vệ bằng Nghị định 159/2013/NĐ-CP. Ngay từ bây giờ có thể nói, đừng cá nhân tổ chức nào nại lý do hay hoạnh họe không tiếp vì phóng viên chưa có thẻ Nhà báo. |