Làm giả bảo hiểm bắt buộc có thể phải ngồi tù
Mới đây, Tổng công ty CP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) nhận được thông báo từ một khách hàng là chủ xe mô tô tại huyện Nông Cống (Thanh Hóa) yêu cầu bồi thường trách nhiệm dân sự (TNDS) bắt buộc với số tiền là 100 triệu đồng do xảy ra tai nạn dẫn đến chết người.
Tuy vậy, trong quá trình giải quyết hồ sơ bồi thường, BSH phát hiện giấy chứng nhận bảo hiểm cấp cho khách hàng là giả, song có số sê ri trùng với giấy chứng nhận thật do BSH phát hành, đã được bán cho khách hàng khác tại Hòa Bình. Do đó, BSH tố cáo sự việc đến Công an huyện Nông Cống đề nghị điều tra xử lý theo quy định.
Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc cho xe máy được in sắc nét, có số rõ ràng
Công an huyện Nông Cống đã phối hợp với BSH tiến hành điều tra, thu giữ được nhiều tang vật là giấy chứng nhận bảo hiểm giả của BSH tại Thanh Hóa. Cuối tháng 3/2019, cơ quan CSĐT Công an huyện Nông Cống ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Lê Văn Hồng (SN 1958 tại Hà Nam) về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Trước đó, 2.500 cuốn Giấy chứng nhận Bảo hiểm mô tô - xe máy của Chi nhánh CTCP Bảo hiểm PJICO Sài Gòn và Gia Định TP. HCM (thuộc Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex) cũng đã bị làm giả rồi rồi bán ra thị trường.
Những vụ việc trên cho thấy việc làm giả Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe ô tô, xe máy diễn ra khá phổ biến. Thực tế đã có không ít chủ phương tiện do hoa mắt vì giá rẻ đã bỏ ra vài chục đến vài trăm nghìn đồng để mua phải Giấy chứng nhận “rởm” của các đối tượng bán trên mạng hay dọc các tuyến đường.
Phân biệt thế nào?
Về cách phân biệt Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc thật và giả, theo anh Nguyễn Đức Nam – nhân viên một Công ty bảo hiểm tại Hà Nội, những đối tượng làm giả thường đánh vào tâm lý khách hàng ham rẻ và chuộng những thương hiệu bảo hiểm lớn để mua nên thường làm giấy chứng nhận giả mang tên các đơn vị này rồi bán với giá thấp hơn hẳn so với giấy chứng nhận thật.
Mặc dù các công ty bảo hiểm đã có nhiều biện pháp chống bảo hiểm giả như in tem trên Giấy chứng nhận bảo hiểm, thường xuyên rà soát thị trường song vẫn không giải quyết được triệt để tình trạng này.
Để phân biệt Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc là giả hay thật người mua cần căn cứ vào giá tiền bảo hiểm, số giấy chứng nhận, đơn vị cấp giấy, kiểm tra chữ ký và con dấu trên đó có sắc nét hay không. Ngoài ra, để tránh mua phải hàng giả, người dân nên đến các đại lý phân phối, ủy quyền hoặc các công ty bảo hiểm để mua, tránh trường hợp khi xảy ra tai nạn sẽ không được bồi thường.
Cũng theo anh Nguyễn Đức Nam, hiện có 3 loại hình bảo hiểm xe cơ giới, gồm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; Bảo hiểm cho người ngồi trên xe cơ giới và Bảo hiểm vật chất xe cơ giới.
Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là loại hình bảo hiểm bắt buộc mà chủ xe cơ giới phải tham gia khi điều khiển phương tiện giao thông. Khi tham gia loại hình bảo hiểm này, chủ xe cơ giới sẽ được cấp Giấy chứng nhận. Đó là bằng chứng giao kết hợp đồng giữa chủ xe cơ giới và doanh nghiệp bảo hiểm. Mỗi xe cơ giới được cấp 1 Giấy chứng nhận bảo hiểm.
Khi tham gia giao thông, chủ xe cơ giới phải luôn mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm còn hiệu lực, xuất trình khi CSGT yêu cầu. Mức phí bảo hiểm của từng loại xe cơ giới đã được quy định cụ thể. Trong đó, xe mô tô 2 bánh là từ 55.000-60.000 đồng (chưa VAT)…
Với loại bảo hiểm này, khi xảy ra tai nạn chủ xe được phía bảo hiểm chi trả bồi thường các khoản chi phí như: Thiệt hại ngoài hợp đồng về thân thể, tính mạng và tài sản đối với bên thứ ba do xe cơ giới gây ra; Thiệt hại về thân thể và tính mạng của hành khách theo hợp đồng vận chuyển.
Ngoài loại hình bảo hiểm bắt buộc được pháp luật quy định như trên thì chủ xe cơ giới có thể tự nguyện tham gia bảo hiểm cho người ngồi trên xe cơ giới và bảo hiểm vật chất xe cơ giới. Đây là loại bảo hiểm được bán khá nhiều trên vỉa hè với giá từ 10.000-20.000 đồng mà không ít người đang bị nhầm lẫn. Loại bảo hiểm này không có giá trị khi CSGT yêu cầu kiểm tra.