Đánh giá lại nguy cơ
Hà Nội lần đầu tiên áp dụng chiến lược chống dịch phân chia theo vùng, điều này được các chuyên gia nhận định là "tín hiệu tích cực" để nới lỏng dần các hoạt động, sớm trở lại trạng thái “bình thường mới”.
Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Trần Đắc Phu nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng để có thể tiến tới lộ trình nới lỏng hơn nữa các hoạt động, dịch vụ hoặc áp dụng biện pháp phòng, chống dịch đối với "vùng xanh", Hà Nội cần thực hiện đánh giá lại nguy cơ trên nguyên tắc "nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó".
Theo ông Phu, việc nới lỏng giãn cách đối với “vùng xanh” có nhiều yếu tố, trong đó có nguy cơ dịch tễ, tỉ lệ tiêm vắc-xin cũng như đặc điểm dân cư và kịch bản phòng chống dịch tại vùng này.
Để đảm bảo an toàn khi ở trạng thái “bình thường mới”, ông Phu cho rằng Hà Nội cần có mô hình lối sống an toàn, kinh doanh an toàn.
“Nếu không có lối sống an toàn, mô hình kinh doanh an toàn… thì khi nới lỏng các biện pháp chống dịch, chỉ cần có một ca bệnh xâm nhập vào là "vùng xanh" có thể chuyển thành "vùng đỏ". Theo tôi, cần xây dựng mô hình an toàn, đề cao cảnh giác không được lơ là, chủ quan. Người dân cần thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K của Bộ Y tế”, ông Phu nói.
Điều kiện tiên quyết để phát triển sản xuất
Trao đổi thêm với Người Đưa Tin, PGS.TS Bùi Thị An, ĐBQH khoá XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, lộ trình nới lỏng giãn cách tại Hà Nội trong thời gian tới là hoàn toàn phù hợp với xu thế chung, chúng ta vẫn phải phòng, chống dịch nhưng vẫn phải phát triển sản xuất.
Tuy nhiên, bà An nhấn mạnh: “Nới lỏng phát triển sản xuất nhưng phải trong điều kiện an toàn. Đây là điều kiện tiên quyết để phát triển sản xuất. Còn nếu Hà Nội không kiểm soát được dịch bệnh thì sản xuất lại bị đứt gãy”.
Về vấn đề “sống chung với Covid-19”, bà An đưa ra một số giải pháp cụ thể:
“Vẫn phải tiến hành khoanh vùng dịch thật chặt, để dập dịch và không cho dịch lan ra các vùng khác. Phải thực hiện các chủ trương đã đề ra như: bao phủ vắc-xin, 5K, tuyên truyền đến người dân để người dân hiểu và ý thức được hệ quả của Covid-19 và có kiến thức tự bảo vệ mình.
Nếu đã khoanh vùng thật chặt thì tạo điều kiện để người dân ở các vùng bị khoanh vùng yên tâm cách ly, đó là làm sao đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo…”.
Đồng quan điểm với bà Bùi Thị An, Thạc sĩ Hoàng Minh Sơn - chuyên gia độc lập nghiên cứu về chính sách Nhà nước cho rằng việc Hà Nội đang đẩy nhanh công tác tiêm chủng đối với người trên 18 tuổi là hoàn toàn đúng đắn, từ đó có thể tiến tới “thẻ xanh vắc-xin” khi nới lỏng lệnh giãn cách.
“Đối với những người đã tiêm ít nhất một mũi hoặc lịch sử không có bệnh nền, người không bị suy giảm miễn dịch, ít có nguy cơ nhiễm nặng, được phép đi làm bình thường và sinh hoạt bình thường. Nhưng tại các cơ quan cần có biện pháp giãn cách.
Các cửa hàng dịch vụ cần có lộ trình như bán mang về, tiến đến bán hàng tại chỗ khi mức độ tiêm gần như được bao phủ. Cách ly những người đang nghỉ làm, những người có bệnh nền và có nguy cơ bị nhiễm bệnh trở nặng để hạn chết nhập viện và tử vong”, ông Sơn cho hay.
Tiếp tục ý kiến của mình, theo bà An, đối với “vùng xanh” cần phải tiếp tục bảo vệ, để dịch ở bên ngoài không xâm nhập được vào pháo đài (vùng xanh-PV).
“Theo tôi, thành phố cần chỉ đạo công khai minh bạch tất cả các thông tin, hệ thống y tế phải được tăng cường thêm và đầu tư thêm năng lực y tế, để lực lượng y tế có thể “đi từng ngõ gõ từng nhà” nắm bắt thông tin, tình hình dịch tễ để đảm bảo an toàn cho người dân. Ngoài ra, với những khu vực khoanh vùng cần phải có cơ chế xử lý rõ ràng, ai vi phạm quy định phòng, chống dịch cần phải xử lý nghiêm. Chỉ có như thế thành phố mới an toàn, người dân phấn khởi yên tâm phát triển sản xuất, hồi phục dần kinh tế và sớm trở lại cuộc sống bình thường”, bà An nói.
Đồng thời, bà An mong muốn công tác quản lý, giám sát khi Hà Nội tiến tới nới lỏng dần giãn cách cũng cần phải chặt chẽ, huy động các lực lượng chức năng phối hợp với nhau để làm sao nới lỏng nhưng vẫn đảm bảo an toàn.
Đảm bảo an sinh cho người dân
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội: “Mục tiêu cuối cùng của việc chống dịch là từng bước thiết lập lại cuộc sống bình thường mới, không thể giãn cách mãi. Việc mở cửa trở lại một số hoạt động theo lộ trình dựa trên nguyên tắc đánh giá nguy cơ là điều cần thiết để đảm bảo an sinh cho người dân”.