Ngày 16/1/2017 ở Kiên Giang, ông D.N.H. cùng 3 người bạn ngồi uống cà phê tại quán của bà D.K.S. Sau khoảng 2 tiếng ngồi ở đây, ông H ra về thì không tìm được xe của mình, cũng không thấy có bảo vệ trông coi. Mãi một lúc sau có một bảo vệ khác tới và nói không biết gì về xe của ông.
Xác định xe của mình bị mất trộm, ông H nhờ bạn đi trình báo công an, còn ông ngồi đợi ở quán và liên hệ tới công ty bảo vệ để trình bày sự việc.
Sau đó 20 phút, tổ trưởng tổ bảo vệ đã tới gặp ông để tìm hiểu sự việc. Rồi ông H cùng bạn lên công an phường để trình bày sự việc.
Tại cơ quan công an, ông H. trình bày khi vào quán thì bảo vệ của quán vẫn có mặt ở đó, ông để xe cho bảo vệ trông, vẫn mang theo chìa khóa xe và giấy tờ xe vào trong ngồi uống cà phê. Do vậy bảo vệ của quán phải có trách nhiệm trông giữ xe cho ông, nếu không trông thì phải thông báo trước, ông yêu cầu chủ quán cà phê và quản lý có trách nhiệm bồi thường chiếc xe bị mất cho ông.
Tháng 4/2018, tòa sơ thẩm đưa vụ án ra xét xử. Tại tòa, bà S. cho biết bà có hợp đồng thuê bảo vệ của một công ty, trong đó có ghi rõ việc phụ trách an ninh và trông giữ xe là của bảo vệ. Khi xảy ra vụ việc bà không có mặt, chỉ biết về vụ trộm khi công ty bảo vệ thông báo. Nhưng bà không đưa ra được hợp đồng trên vì đã bị thất lạc từ lâu. Bà S. không chấp nhận yêu cầu bồi thường của ông H., và yêu cầu triệu tập đại diện của công ty bảo vệ để xác minh sự việc.
Kết quả phiên tòa, bà S. bị buộc phải bồi thường cho ông H. 31 triệu đồng. Bà S. quyết định kháng cáo bản án.
Tại phiên tòa phúc thẩm, quản lý quán cà phê đã thừa nhận có sự việc mất xe máy và đồng ý bồi thường nhưng yêu cầu phía công ty bảo vệ phải có trách nhiệm liên đới. Nhưng bà S. là chủ quán không có yêu cầu công ty bảo vệ liên đới bồi thường, không xuất trình được hợp đồng với công ty bảo vệ, không có biển báo khách tự giữ xe nên Tòa phúc thẩm cho rằng quyết định của Tòa sơ thẩm là có căn cứ. HĐXX đã tuyên y án sơ thẩm, và bà S có quyền khởi kiện công ty bảo vệ trong một vụ án khác.
(T/H)