Công ty sản xuất pate Minh Chay bị phạt 17,5 triệu đồng: Có đủ sức răn đe?

Thảo Huyền

Liên quan vụ ngộ độc pate Minh Chay, PV đã có cuộc phỏng vấn LS Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng Luật Chính Pháp) về những vấn đề pháp lý liên quan đến vụ việc này.

Từ vụ ngộ độc pate Minh Chay - sản phẩm của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối Sống Mới sản xuất và kinh doanh trực tiếp qua mạng - đã đặt ra một loạt vấn đề, trong đó có trách nhiệm của đơn vị sản xuất sản phẩm này. Ông có bình luận gì?

Dân sinh - Công ty sản xuất pate Minh Chay bị phạt 17,5 triệu đồng: Có đủ sức răn đe?

 Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng Luật Chính Pháp). (Ảnh: NVCC)

Theo Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, người tiêu dùng có quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

​Đồng thời, theo Luật An toàn thực phẩm năm 2010, bảo đảm an toàn thực phẩm là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm. 

Còn tại Khoản 5 Điều 53 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định tổ chức, cá nhân cung cấp thực phẩm gây ngộ độc phải chịu toàn bộ chi phí điều trị cho người bị ngộ độc và bồi thường thiệt hại.

Theo quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015, tổ chức hay cá nhân cung cấp thực phẩm gây ngộ độc phải bồi thường chi phí cho việc cứu chữa, phục hồi sức khỏe của người bị ngộ độc. Ngoài ra, nạn nhân còn được đền bù khoản thu nhập bị mất hoặc bị giảm sút do phải đi điều trị ngộ độc và phí tổn thất tinh thần. Nếu thu nhập không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại. Ngoài các khoản bồi thường, tổ chức hay cá nhân cung cấp thực phẩm còn phải nộp phạt theo chế tài của cơ quan quản lý Nhà nước về ATTP.

Luật An toàn thực phẩm quy định, Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong phạm vi địa phương. Tại địa phương thì sở Y tế, sở NN&PTNT và sở Công thương là những cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý, đảm bảo an toàn trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm.

Theo ông chế tài xử phạt vi phạm về vệ sinh, an toàn thực phẩm hiện nay đã đầy đủ và có đủ sức răn đe hay không?

Căn cứ vào tính chất, mức độ gây thiệt hại của hành vi vi phạm và hậu quả của hành vi, các tổ chức, cá nhân này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo Điều 317 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Cụ thể, với mức xử phạt vi phạm hành chính: Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 01 người đến 04 người; phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 05 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định khoản 6; khoản 8 Điều 22 Nghị định 115/2018/NĐ-CP đối với hành vi quy định khác về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, cung cấp thực phẩm. Ngoài ra buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như Buộc thu hồi và tiêu hủy  thực phẩm không đảm bảo; Buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm theo quy định tại khoản 11 Điều luật này.

Như vậy căn cứ vào quy định trên, có thể thấy mức phạt hành chính đối với hành vi vi phạm an toàn thực phẩm gây ngộ độc ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng tối thiểu từ 40.000.000 đồng trở lên theo quy định khoản 6 Điều 22 Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

Dân sinh - Công ty sản xuất pate Minh Chay bị phạt 17,5 triệu đồng: Có đủ sức răn đe? (Hình 2).

Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới sản xuất pate Minh Chay bị phạt 17,5 triệu đồng.

Sở NN&PTNT Hà Nội vừa có báo cáo về việc kiểm tra, xử phạt của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới phạt 17,5 triệu đồng. Vụ ngộ độc pate Minh Chay gây ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng đến người tiêu dùng và để lại di chứng lâu dài, với mức xử phạt như hiện nay có đủ sức răn đe hay không? Theo ông, với mức xử phạt như vậy có tạo tiền lệ xấu cho những vụ việc tương tự xảy ra?

Đối với mức phạt 17,5 triệu với Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới nêu trên cần xác định rõ mức phạt đó áp dụng với hình thức sai phạm nào, căn cứ vào quy định pháp luật nào; còn nếu với hành vi gây ngộ độc cho nhiều người như hiện này thì việc áp dụng mức hình phạt như vậy là không đúng quy định pháp luật, không đủ sức răn đe và chưa phù hợp với hậu quả nghiêm trọng của hành vi vi phạm.

Tôi cho rằng với những sự việc ngộ độc gây hậu quả nghiêm trọng như vậy cơ quan chức năng cần sớm có kết luận xác định nguyên nhân nạn nhân bị ngộ độc để có căn cứ xử lý phù hợp với cơ sở vi phạm. Trong trường hợp cơ quan chức năng có căn cứ cho thấy cơ sở kinh doanh này đã có hành vi chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người tiêu dùng, cần xem xét khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm theo Điều 317 Bộ Luật hình sự năm 2015, chứ không đơn thuần là chế tài hành chính.

Theo quy định tại điều 317 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)  thì người thực hiện hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự là người đã thực hiện một trong các hành vi vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, bao gồm:

- Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm;

- Sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cẩm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm; 

- Sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, chất xử lý cải tạo môi trường ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không đúng quy định trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi tại điểm này hoặc điểm a khoản này mà còn vi phạm;

- Chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm; sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm.

Những hành vi vi phạm pháp luật nêu trên phải gây ra hậu quả nghiêm trọng thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu hậu quả chưa được xác định là nghiêm trọng thì chỉ bị xử phạt hành chính. Theo quy định của pháp luật thì hậu quả được xác định là nghiêm trọng khi xảy ra một trong các tình huống sau đây: Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Ngoài ra, hậu quả chết người cũng là hậu quả được xác định là nghiêm trọng.

Bởi vậy, trong vụ việc nêu trên, nếu cơ quan chức năng có căn cứ cho thấy đơn vị này đã có hành vi vi phạm quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm thuộc một trong các hành vi nêu trên đồng thời hậu quả có nạn nhân thương tích từ 31 % trở lên hoặc hậu quả chết người hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 317 bộ luật Hình sự.