Cung đường huyền thoại và những người hy sinh hai lần

Ngọc Anh

Nhiều năm nay, vào tháng tri ân thương binh, liệt sĩ, nhiều người lại dành thời gian nhất để trở về miền đất lửa Quảng Bình, đến với con đường cắt Tây Trường Sơn để chi viện cho chiến trường Miền Nam và tưởng nhớ đến C759. Nơi đây, đã có những thanh niên xung phong, những người duy nhất phải chấp nhận tới 2 lần hy sinh.

 

Họ còn trẻ lắm!

Nếu như không có chiến tranh thì những người thuộc C759 đã là ông, là bà và họ đã không phải nhắm mắt nơi đất xa lạnh lẽo, ở cái tuổi 19 – 20 đầy phơi phới. Đất chôn vùi họ khét lẹt khói bom, nhang hương một thẻ cho người nằm xuống cũng không đủ, những nấm mộ giản đơn của họ hồi ấy chỉ là những nhánh hoa rừng, bị bom đạn phạt không còn nguyên vẹn mà đồng đội hái vội trên các quả đồi trọc lốc bên đường.

 

 

 

1-1658914610.jpg
C759 anh hùng (ảnh tư liệu)

 

 

Ngày ấy, trong các cung đường lên Tây Trường Sơn như Đường 10, Đường 12A, Đường 15, Đường 20…, với hàng vạn thanh niên trẻ, đối diện với hàng nghìn cái chết trẻ, ám ảnh người ta nhất ấy là sự hy sinh đến 2 lần và cá biệt nhất của 7 thanh niên trong Đại đội có tên là C759.

Sau khi Mỹ gây hấn, quyết tâm chia đôi nước ta, để chặn đường tiếp tế từ Miền Bắc với Miền Nam thân yêu, không quân Hoa Kỳ đã tổ chức đánh chặn các nẻo. Để có con đường tiếp vận được thông suốt, Trung ương đã quyết định mở lại con Đường 12A lên Tây Trường Sơn để qua nước bạn Lào, vào với Miền Nam. Đường 12A này vốn đã được mở từ thời Pháp, đây là con đường duy nhất qua Lào để sang Tà Khẹt với chiều dài khoảng 70km.

Để thông lại con đường này, ngoài 500 công nhân giao thông thì còn có 180 TNXP trong đó có tới 70 nữ tuổi đời mới 19 – 20 thôi. Họ được chia làm 8 tiểu đội, lấy tên chung là C759. Do trẻ trung, khỏe khoắn và nhanh nhẹn, lại thêm cái “tính lỳ” nữa nên Đại đội này được phân công cắm ở chỗ giặc đánh phá dữ dội nhất, từ Khe Cấy đến Bãi Dinh với chiều dài 10km.

Ngày ấy, ta dồn lực cho chiến trường nên cái ăn cái mặc thường không đủ. Những bộ quần áo nhanh chóng mục tở do mưa gió, đạn bom nơi chiến trường không có để thay thế. Những bữa ăn chỉ ngô, sắn, rau rừng là chủ yếu.

Mùa mưa, củ sắn còi luộc vội dưới chớp bom, đưa vào miệng nhai cùng nước lã, người ốm mới được dùng đến cháo loãng. Ấy thế mà lạ thay họ không kêu ca, vẫn tươi cười, chỉ với một mục đích duy nhất là cuộc chiến. Hết đợt bom nổ, không phải ai thúc giục, họ lại vọt hầm mà lên, lại xẻng, cuốc đặt trên vai, lao vào san lấp để thông xe, thông tuyến.

Tiếng tăm của các TNXP C759 đã lan ra khắp tuyến. Ngoài các khẩu hiệu như: “Máu C759 có thể đổ nhưng đường C759 không thể tắc”, “Địch đánh rừng ta ra đồi, địch đánh đồi ta ra đường”… thì các TNXP ở đây còn có thủ tục truy điệu sống cho nhau trước khi ra bám đường.

Đường bắt đầu được mở từ năm 1960 nhưng tính đến tháng 10/1966 địch đã đánh vào đoạn này tới 445 trận với 4.095 quả bom. Tính ra mỗi TNXP ở đây phải hứng chịu 32 quả bom!    

  Những người 2 lần hy sinh

Trong tuyến Đường 12A thì đoạn do C759 quản lý là đoạn máy bay Mỹ “dành cho nhiều ưu ái nhất”. Trong toàn tuyến thì đây được coi là đoạn hiểm yếu nhất. Một bên địa hình là núi cao ngất, một bên là suối sâu hun hút. Nếu đánh tắc tuyến này thì vận tải của ta không còn địa hình nào để thoái lui được nữa. Có những ngày giặc Mỹ đã không kích vào đây đến hơn chục lần. Thế nhưng, bom đạn của Mỹ không thể khuất phục và làm tê liệt sức trẻ ở đây.

Để có trận “5 ăn 5 thua cuối cùng”, Mỹ đã tập trung binh lực đánh vào đây một trận kéo dài tới 12 ngày đêm. Ngày mồng 3/7/1966 là ngày định mệnh và tang tóc nhất với C759 và toàn tuyến đường 12A.

Sáng ấy, theo thông lệ, củ khoai củ sắn lót dạ để ra tuyến, anh em đã làm lễ truy điệu sống cho các TNXP như : Nguyễn Thị Thường (Nam Hóa, Tuyên Hóa), Cao Thị Thường (Thạch Hóa, Tuyên Hóa), Trần Trọng Khuyến (Phù Hóa, Quảng Trạch), Đinh Tân Thành (Lâm Hóa, Tuyên Hóa), Cao Xuân Châu (Thạch Hóa, Tuyên Hóa), Nguyễn Khắc Hiếu (Thanh Hóa, Tuyên Hóa), Trần Văn Trường (Mai Hóa, Tuyên Hóa).

Sau lễ truy điệu trong ngườm đá, các TNXP quả quyết nhắc nhở lại anh em một câu nói không ai có thể quên: Nếu bị bom vùi, thì nhiệm vụ đầu tiên của mọi người còn sống là phải ưu tiên thông tuyến cho xe.

Ngày này là một ngày không bình thường, Mỹ tập trung đánh phá ác liệt tại đồi Cha Quang. Buổi sáng thì còn đánh rải rác chứ bắt đầu từ 14 giờ, 20 máy bay đã ào đến trút bom như mưa. Giữa khói bom khét lẹt, giữa tiếng gầm rú của phản lực, 7 thanh niên vẫn lao vào để san đường, thông tuyến.

 Đến 22 giờ, đường sắp được thông thì địch chuyển sang đánh bom tọa độ. Các loại bom cứ nhằm đội hình của C759 mà thả xuống. Do bị chấn động trong thời gian dài, các địa tầng bị đứt gẫy, một tiếng ầm rung lên, cả quả núi trơ trụi bên đường bất thần đổ xuống. 7 TNXP hoàn toàn bị vùi lấp, 50 người khác cũng đã bị thương.

Sau khi cấp cứu anh em bị thương, lãnh đạo tuyến đối đầu với một bài toán nan giải là có nên tổ chức đào bới các anh các chị ngay hay không. Nếu tổ chức đào bới, thi thể các anh các chị sẽ bớt phần đau đớn, các anh các chị sẽ không phải hy sinh2 lần, nhưng như thế thì đường sẽ không được thông, xe sẽ bị tắc, địch sẽ có thời gian bắn phá, thiệt hại không kể được sẽ xẩy ra.

 Sau một hồi suy tính, thể theo nguyện vọng trước khi ra tuyến của các anh các chị, thông xe là yếu tố sống còn, đồng đội đã quyết định gạt nước mắt phát lệnh thông tuyến xe.

Từng chiếc, từng chiếc xe lặng lẽ, chèn trên khối đất đá mà dưới đó là thi thể các anh các chị lăn qua. Đồng đội đứng lặng, nghẹn ngào trong từng tiếng nấc và thêm quyết tâm cho mình.

Công việc kiếm tìm thi thể của các anh được thực hiện trong những ngày sau đó, gắn với việc san đường, mở tuyến của đồng đội. 3 ngày sau người ta mới tìm được thi thể của 2 nữ thanh niên, còn 5 người khác chưa thấy, vì sự chi viện cho chiến trường, lệnh thông đường lại được phát đi. Xe lại lăn trên thi thể họ.

Và cho đến tận năm 1972, sau gần 6 năm trời, các chuyến xe chi viện đều đặn lăn bánh trên những nỗi đau, trên các thi thể, lúc này với Hiệp định Giơnevơ, đồng đội mới tổ chức một cuộc đào bới quy mô. Và tới tận năm này, thi thể của các TNXP mới được phơi dương, đưa về nơi quy tụ.