Cúng rừng - Nét văn hóa tín ngưỡng của người đồng bào Jrai

Ngọc Anh

Lễ hội cúng rừng thường được tổ chức vào tháng Ba đầu năm, đây là phong tục văn hóa tín ngưỡng truyền thống có từ lâu đời của người dân bản địa đồng bào dân tộc thiểu số Jrai nơi vùng sâu biên giới thuộc xã Ia Pếch, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai.

Từ sáng sớm, bà con người làng trẻ già, trai gái lũ lượt men theo lối nhỏ vào rừng, nơi già làng chọn địa điểm gần khe nước suối dưới những tán rừng xanh để tổ chức lễ hội.

Già làng Siu Tới làng Oảng, xã Ia Pếch trong buổi cúng rừng

Tại đây, ngoài rượu ghè và một số thức ăn đã chế biến sẵn từ nhà được mang vào trên những chiếc gùi, bà con bắt tay vào nướng cơm lam, xiên thịt heo, nướng gà… rồi chọn ra một phần để già làng làm lễ cúng.

Bên ché rượu cần và mâm lễ được bày biện, già làng trong bộ trang phục thổ cẩm dân tộc Jrai nghiêm trang đọc lời thề khấn với các vị thần linh, thay mặt dân làng cảm tạ thần rừng về năm qua cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, dân làng bình yên no đủ… và hứa với thần rừng bà con trong làng cùng chung tay giữ rừng, bảo vệ nguồn lợi từ rừng mang lại, ước mong rừng che chở cho dân làng trước thiên tai mưa lũ, cho một năm mới mọi loài phát triển, muông thú sinh sôi, mùa màng thuận lợi, người làng bình an, ấm cúng.

Một trong những vật phẩm của nghi thức cúng rừng

Sau lễ cúng đại diện chính quyền, hạt Kiểm lâm và bà con cùng ăn tiệc hòa đồng dưới tán rừng, cùng nhau trao đổi về công việc phối hợp bảo vệ rừng cho năm mới.

Ông Đỗ Văn Đông, Phó Chủ tịch huyện Ia Grai cho biết: "Lễ cúng rừng của bà con dân làng là hoạt động vừa có ý nghĩa về mặt tuyên truyền trong công tác bảo vệ, phát triển rừng, qua đó người làng và chính quyền địa phương, quan chức năng có sự nhận thức chung để cùng phối hợp giữ rừng, khai thác lâu dài một cách hiệu quả như giao khoán trồng rừng cho bà con. Từ đó nâng cao ý thức và vai trò sử dụng các nguồn lợi lâm sản của rừng góp phần ổn định đời sống dân làng. Đồng thời đây cũng là hoạt động mang tính lễ hội tạo nên đức tin để mọi người không vi phạm về những gì thiêng liêng thuộc về rừng".

Cúng rừng góp phần nâng cao ý thức và vai trò sử dụng các nguồn lợi lâm sản, ổn định đời sống dân làng

Lễ hội cúng rừng là một hoạt động diễn ra trong không gian sinh động, vừa thân thiện ăm ắp tình cảm đoàn kết cộng đồng, vừa trang trọng mang đậm nét văn hóa tín ngưỡng tâm linh của đồng bào dân tộc bản địa.

Đây là một phong tục đẹp của người Jrai cần biết trân trọng bảo tồn và phát huy, góp phần chung vào công tác bảo vệ phát triển rừng. Thiết nghĩ chính quyền các địa phương, nhất là các xã, làng gần rừng cần duy trì và làm thành hương ước, quy ước của làng.

Trần Quang Hồng