Cuộc chiến của truyền thống và hiện đại

Chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh kể câu chuyện ông chứng kiến khi từ sân bay Tân Sơn Nhất về đường Võ Thị Sáu. Vì sợ tắc đường nên bắt xe GrabBike thay vì đi taxi. Nhưng ông lại chứng kiến cảnh các anh GrabBike bị một anh xe ôm truyền thống “bắt nạt”. Cuối cùng thì, ông cũng về được trường của mình với giá chỉ 30.000 đồng.

 Cuộc chiến của truyền thống và hiện đại - Ảnh 1

 

Có rất nhiều hàm ý xung quanh câu chuyện này, từ tư duy trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cho đến cuộc cạnh tranh có thể nói là khốc liệt giữa giới vận tải truyền thống (xe ôm, taxi) với nhân tố mới hiện đại: kinh tế chia sẻ.

Có thể nói, sự xuất hiện của những ứng dụng gọi xe công nghệ đã thay đổi một ngành vận tải có truyền thống lâu đời, không chỉ ở Việt Nam, mà ở khắp nơi trên thế giới, và sự thay đổi đó đã dẫn đến những cuộc đối đầu trực diện hết sức khắc nghiệt. Thị trường đã chứng kiến những trận “đụng độ” nảy lửa giữa giới taxi và xe công nghệ, giữa xe ôm truyền thống và xe “Bike”. Các cuộc “chạm trán” giữa tài xế với tài xế dẫn đến đổ máu, còn những cuộc cạnh tranh ở tầm pháp nhân doanh nghiệp kéo theo nhiều cuộc chiến của dư luận và pháp lý.

 Cuộc chiến của truyền thống và hiện đại - Ảnh 2

 

Nhưng thị trường có cách phản ứng riêng của thị trường. Ở rất nhiều nơi, người ta đã một thời quen thuộc với hình ảnh những tài xế xe ôm, taxi cộc cằn, thô lỗ, với giá cả đắt đỏ. Khách hàng trả tiền mặt, tiền thừa thậm chí còn không thối lại, hành lý khách tự xách…

Đùng một cái, những chiếc xe ôm công nghệ, những tài xế Uber, Lyft trên toàn cầu, Grab ở Đông Nam Á… với những chiếc xe mới, sạch sẽ, thơm tho, dịch vụ tốt đã thay đổi tất cả, biến khách hàng trở thành thượng đế thực sự. Tài xế bỗng lịch lãm quá đỗi, thấy người già, phụ nữ, hay thanh niên tay xách nách mang là đến đỡ giúp. Khách đưa tiền là cảm ơn, và thối tiền lẻ lại, không chửi tục, làu bàu nữa. Sự thay đổi đó nhờ yếu tố công nghệ. Điển hình là mô hình Grab/Uber. Những ứng dụng gọi xe công nghệ này có thể kết nối những chiếc xe vốn chưa được sử dụng hết công suất với những người có nhu cầu đi xe.

Cũng nhờ sự kết nối giữa người có nhu cầu thuê phòng với những người dư chỗ ở mà Airbnb cũng đã thay đổi ngành kinh doanhkhách sạn. Như một quy luật, người tiêu dùng muốn một nơi lưu trú lịch sự, dịch vụ tốt hơn mà giá cả lại phải chăng hơn.

Nhưng Airbnb cũng gặp chính các đối thủ cạnh tranh trong chính lĩnh vực của mình với những Homeway, Travelmob, Laxstay… hay các dịch vụ đặt phòng trực tuyến, cũng tạo nên một cuộc cạnh tranh sôi động. Càng cạnh tranh, khách hàng càng được hưởng lợi, trong khi những mô hình kinh doanh khách sạn kiểu truyền thống lại gặp khó.

Chuyên gia về marketing chiến lược Đỗ Hòa nhận định, với lợi thế công nghệ của mình, những mô hình chia sẻ phòng kiểu Airbnb có mạng lưới rộng, one-stop-shopping “hầu như khách hàng đi đâu cũng có” mà các chuỗi khách sạn dù có lớn đến mấy cũng không thể bằng được. Đấy là chưa kể việc ứng dụng công nghệ, cắt bỏ được các chi phí trung gian, khiến cho chi phí quản lý và vận hành rất nhỏ vì họ không sở hữu một cơ sở hạ tầng nào mà nếu có thì chỉ tập trung vào marketing. Nhưng ngay cả thế, chi phí quảng bá, tiếp thị cũng bằng kênh online, vì thế không quá cao.

Không chỉ vận tải và khách sạn, các dịch vụ khác như cho vay ngang hàng P2P lending, các dịch vụ chia sẻ chỗ làm, gửi xe, nhân lực… cũng nhanh chóng xuất hiện và được thị trường đón nhận nhờ sự phổ biến của những chiếc smartphone, và các nền tảng công nghệ sẵn có. Dường như, những mô hình mới trên nền tảng công nghệ này đi đến đâu cũng tạo ra những “cuộc cách mạng” ở đó, lắm lúc khốc liệt đến nỗi người ta phải thốt lên: Đó có phải thật sự là một cuộc cạnh tranh, hay là một cuộc hủy diệt kinh doanh?

Ở góc độ nhà nước, chính phủ Việt Nam mới đây đã phê duyệt đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ trong đó mục tiêu quan trọng nhất là tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hoạt động kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống, đồng thời khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Nhưng không đợi đến khi Nhà nước “ra tay”, các hãng taxi, các khách sạn, và giới doanh nghiệp cũng đã tìm cách “thích ứng” với cuộc cạnh tranh này bằng cách chuyển đổi mô hình kinh doanh theo cách của mình, và theo cách của đối thủ đang thực hiện. Hàng loạt ứng dụng trên thị trường taxi, và giới vận tải, cũng như khách sạn, du lịch, cả truyền thống lẫn hiện đại… đã thực sự mang đến một hệ sinh thái kinh tế chia sẻ khá đông đúc.

Như một thói quen, người tiêu dùng Việt Nam ở các thành phố lớn, với chiếc smartphone trong tay, đã tỏ đường đi lối về với ứng dụng gọi xe. Chỉ với chiếc smartphone, họ chọn cho mình được một khách sạn tốt, giá “yêu thương”. Chính điều đó cũng đã buộc giới doanh nghiệp đứng trước nhiều thách thức: dịch vụ tốt hơn và giá cả rẻ hơn, nhưng điều đó cũng mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới.

Có thể thấy rằng, chính nhờ sự phát triển vượt bậc của công nghệ mà kinh tế chia sẻ đã mở ra nhiều cơ hội khai thác các tài sản cá nhân không được sử dụng hết một cách tối ưu, qua đó giúp tiết kiệm các chi phí và nguồn lực xã hội, tạo ra công ăn việc làm cho lực lượng lao động dồi dào ở Việt Nam.

H. Lan