Cuộc chiến thầm lặng trong khu hồi sức Covid-19 ở Bình Dương

Thảo Huyền

Hơn 30 y bác sĩ làm việc liên tục ngày đêm, tận dụng từng phút từng giây để cứu chữa cho 170 bệnh nhân mắc Covid-19 diễn biến nặng.

Bệnh viện Tâm thần Bình Dương những ngày này được trưng dụng trở thành khu điều trị Hồi sức tích cực (ICU) - nơi đang điều trị 170 bệnh nhân mắc Covid-19 với diễn biến nặng.

Hai căn phòng điều trị tại khối nhà chính của bệnh viện ngăn cách với thế giới bên ngoài bằng 2 lớp cửa kính và 1 lớp hàng rào lưới sắt.

Tại phòng điều trị số 3, đa phần bệnh nhân đều trong trạng thái tỉnh táo, một vài người vẫn có thể tự đi lại vệ sinh. Những người nặng hơn cần sự giúp đỡ của y bác sĩ trong sinh hoạt.

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Thành (trưởng ca trực) chia sẻ: "Khối lượng công việc hàng ngày với chúng tôi có đôi chút áp lực khi vừa điều trị vừa làm việc bên lề. Tuy nhiên, bên cạnh chúng tôi còn có một ê-kip các bác sĩ khác tuy không trực tiếp điều trị ở đây nhưng thường xuyên hỗ trợ về chuyên môn, nếu có trường hợp nặng quá chúng tôi phải liên hệ với cả Bệnh viện Chợ Rẫy. Hàng ngày, chúng tôi vẫn thường xuyên động viên nhau, kể cả những anh chị không trực tiếp công tác tại đây cũng gọi điện thăm hỏi”.

“Có một bà cụ lớn tuổi nhập viện trong tình trạng bệnh diễn biến nhanh. Sau thời gian tích cực điều trị, hôm nay bệnh nhân này đã cai máy thở thành công. Đó chính là nguồn động lực lớn để chúng tôi cố gắng, nỗ lực hơn nữa”, bác sĩ Thành cho biết thêm.

Âm thanh bao trùm căn phòng điều trị số 4 suốt cả ngày lẫn đêm là tiếng của hệ thống máy móc y tế đang hoạt động hết công suất nhằm duy trì sự sống cho những bệnh nhân nặng.

Đa phần những bệnh nhân nằm ở phòng điều trị số 4 đều trong trạng thái hôn mê đang phải thở máy. Ở đây, từ việc ăn uống, vệ sinh cá nhân… cho đến công tác chuyên môn khám chữa bệnh cho từng bệnh nhân đều được các y bác sĩ đảm nhiệm.

Không khí làm việc khẩn trương bên trong căn phòng cấp cứu nồng nặc mùi thuốc, mùi hóa chất khử khuẩn. Các y bác sĩ ai cũng hối hả tận dụng từng phút từng giây để cứu mạng sống của bệnh nhân.

Phía bên trong, một nhóm y bác sĩ tập trung quanh giường bệnh của bệnh nhi 11 tuổi mắc Covid-19 với bệnh lý nền suy thận mạn. Người cầm khăn lau từng bộ phận, kẽ chân, kẽ tay cho bệnh nhân, người xoay bệnh nhân thay đổi tư thế cho đỡ mỏi khi phải nằm lâu một chỗ. Bác sĩ còn lại đang phối hợp cùng đồng nghiệp tiến hành các bước để cai máy thở cho bệnh nhân.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Lài được tăng cường từ bệnh viên Đa khoa Bình Dương về trung tâm ICU đã gần 1 tháng nay. Dù đã quen với áp lực làm việc căng thẳng khi phải chăm sóc hàng chục bệnh nhân hôn mê sâu, diễn biến rất nặng nhưng chị vẫn nghẹn ngào mỗi khi dỗ dành chăm sóc bệnh nhân đặc biệt nhất của phòng, bởi bé mới chỉ vỏn vẹn 4 tháng tuổi.

Trước kia chỉ có mình tôi phụ trách bệnh nhi. Nhiều khi muốn đi vệ sinh hay tranh thủ nghỉ ngơi cũng cứ bồn chồn lo lắng không biết trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy liệu có chuyện gì xảy ra không? Mãi gần đây có thêm đồng nghiệp tới hỗ trợ, tôi mới có thể yên tâm tranh thủ nghỉ ngơi, ăn uống”, điều dưỡng Lài chia sẻ.

Nhờ sự chăm sóc tích cực của lực lượng y bác sĩ tình hình sức khỏe của em đã tiến triển hơn. Trước khi nhập viện, bé có nhiều vết bầm tím trên người, lại không đáp ứng với thuốc điều trị, tiên lượng nặng, việc uống sữa hàng ngày cũng gặp nhiều khó khăn. "Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, mỗi ngày tôi đều liên lạc thông báo tình hình sức khỏe các bé cho người nhà. Họ luôn mong mỏi cháu sớm được trở về bên vòng tay cha mẹ", điều dưỡng Lài nói.