Cuộc chiến trong “tâm dịch” của những “chiến binh áo trắng”

Thảo Huyền

Cuộc sống đang yên lành, bỗng dịch kéo đến. Đội ngũ y, bác sĩ tại các bệnh viện phải căng mình chống dịch. Vậy, “những chiến binh” nơi tuyến đầu đang sống, làm việc như thế nào?

Quen dần với cuộc sống “4 mới”

Bác sĩ Đặng Văn Trí (bệnh viện C Đà Nẵng) chia sẻ, những ngày đầu cách ly, mọi người trong Bệnh viện có phần thấp thỏm, lo âu vào mỗi sáng vì số ca tăng lên. Nhưng rồi mọi người quen dần và có sẵn phương án khoanh vùng, cách ly trong cách ly, kiểm soát chặt chẽ từng khu vực, hạn chế và tuyệt đối không di chuyển giữa các phân khu trong Bệnh viện.

Tại bệnh viện C, có khu cách ly đặc biệt, an toàn cấp độ 4 với đồng bộ các trang thiết bị y tế, phương tiện sinh hoạt của người dương tính Covid-19. Bác sĩ điều trị ổn định các bệnh nhân dương tính nay đã hết sốt, các dấu hiệu sinh tồn trong giới hạn bình thường và đặc biệt, tâm lý ổn định, đặt trọn niềm tin vào các thầy thuốc.

Đội ngũ y bác sĩ tự phục vụ bệnh nhân

Đội ngũ y, bác sĩ tại bệnh viện C, ai cũng hoà nhịp với cuộc sống “4 mới”. Thứ nhất là cách sống mới. Tất cả mọi người đều làm việc gần như 24/24h, liên tục để sắp đặt và tái thiết lại môi trường làm việc mới. Lắm lúc, mọi người cũng thấy mất nhịp sinh học và thoáng quên hôm nay là thứ mấy, tất cả đều lao theo công việc.

Thứ hai là sự quan tâm mới. Tại bệnh viện, vẫn là đội ngũ y, bác sĩ, bệnh nhân, công việc thường ngày, nhưng ai cũng dành sự quan tâm, chia sẻ cho nhau nhiều hơn. Bữa ăn quá giờ vẫn gọi chờ nhau, kỹ thuật chuyên môn khó vẫn quyết cùng nhau hoàn thành, bệnh diễn biến nặng lại cùng hội chẩn để giải quyết, vẫn là những tiếng gọi nhau í ới nhưng chân thành, sâu lắng hơn.

Thứ ba là kỹ năng mới. Tất cả mọi người chưa ai có kinh nghiệm sống, làm việc khi phong tỏa bệnh viện, phong tỏa khu phố. Tất cả là trải nghiệm lần đầu. Đội ngũ y, bác sĩ giờ đây không chỉ khám, chữa bệnh mà còn có kỹ năng tính toán để sinh tồn. Họ phải tính toán sao cho bữa ăn đúng giờ, chế độ ăn phù hợp cho từng bệnh lý. Chẳng hạn, người bệnh tim mạch phải giảm mỡ, muối, nhưng giảm bao nhiêu…

Sau cùng, đội ngũ y, bác sĩ phải làm quen với các ứng dụng công nghệ mới… cho việc họp, hội chẩn, trao đổi về tình hình bệnh nhân trong ca trực vừa qua. Tất cả cũng chỉ để hiểu biết nhiều nhất, chắc chắn diễn biến tình hình sức khỏe của những người bệnh. Ở khu cách ly đặc biệt, hạn chế ra vào, vì nguy cơ lây nhiễm rất cao cho thầy thuốc và lây chéo người khác. Và camera được đội ngũ y, bác sĩ sử dụng con mắt công nghệ của mình.

Những bài học lần đầu mới có

Bác sĩ Trí cho hay, giờ đây, đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện C đã quen dần việc điều khiển xe tự động phục vụ chống dịch Covid-19. Đây là phương tiện đưa thức ăn, đồ dùng và các thứ cần thiết khác đến với các bệnh nhân ở các phòng cách ly, sau đó lấy quần áo cũ bệnh nhân thay ra và rác thải ra ngoài. Nhờ đó, đội ngũ y bác sĩ sẽ hạn chế được việc tiếp xúc gần không cần thiết với các bệnh nhân. Ông gọi vui, đội ngũ y, bác sĩ “trở lại với tuổi thơ” với game điều khiển xe. Việc điều khiển xe này không phải khó, chỉ khó là trong các bài giảng y khoa không có điều này.

Cuộc sống trong bệnh viện C những ngày cách ly

Đội ngũ y, bác sĩ, ngoài việc chữa bệnh cũng dần quen với việc mặc đồ bảo hộ trong thời tiết nắng hè. Và, họ quen tiếng xe cáng hằng ngày thường chở bệnh nhân đi, nhưng giờ có thêm chức năng là đưa các suất ăn đến tận giường bệnh. Sáng - trưa - chiều - tối xe cáng chở suất ăn, nước đóng chai, nhu yếu phẩm đến người bệnh. Những chiếc xe cáng này cũng có nhiệm vụ chở rác thải, tất cả đã được xử lý như chất thải nguy hiểm độc hại, đã được phun thuốc khử khuẩn toàn bộ trước khi đưa đi xử lý.

“Đã thấm mệt, nhưng vẫn còn tiếp tục cho đến ngày cuối cùng. Giờ đây, nỗi sợ hãi đã lui dần, các y bác sĩ đã biết cách làm, cách nghỉ hợp lý để trường kỳ kháng chiến nếu dịch bệnh kéo dài”, bác sĩ Trí nhìn nhận.

Mẹ bầu chống dịch

Điều dưỡng Thái Thị Thu Hà công tác tại phòng khám của trung tâm Tim mạch (bệnh viện Đà Nẵng) đang mang thai. Dịch đến, chị vào bệnh viện, chưa kịp chuẩn bị áo quần bầu. Những ngày đầu, chị hơi khó chịu do bụng vướng, áo quần chật chội. Rất may, chị được “tiếp tế” hai chiếc váy bầu mặc mùa dịch.

Chị Hà luôn trong tâm thế vui vẻ dù ở ngay tâm dịch

Chỉ còn vài ngày nữa, chị đến ngày tái khám thai kỳ. Chị rất mong thấy con qua màn hình siêu âm. nghĩ sẽ rất vui mừng khi thấy con tay khua, chân đạp. Chị mong ngóng từng ngày để thấy được khoảnh khắc ấy. Thế nhưng, do dịch bệnh, lịch tái khám phải hoãn lại. Bây giờ, chị chỉ có thể cảm nhận con qua lắng nghe nhịp đập và cái quẩy chân trong bụng. Chị tin rằng, dịch sẽ sớm qua. Khi trở về nhà, chị sẽ được chồng chở đi khám.

Phụ nữ trong lúc thai kỳ khó ăn. Thức ăn trong bệnh viện mùa Covid-19 có phần không hợp. Nhưng, theo chị, trong lúc khó khăn này, có cơm ngày 3 bữa đã là một may mắn. Do đó, thi thoảng, chị lại xoa bụng, dặn: “Phải nghĩ đến những người còn không có được đồ ăn thức uống, con nhé!”.

Dù con chưa được ra đời, vợ chồng chị đã đặt tên là Bống, với hy vọng cháu sẽ khỏe mạnh, dễ nuôi. Chị chờ ngày trở về nhà, để chồng ghé tai vào bụng gọi: “Bống ơi! Ngủ chưa, đang làm gì đó?”. Chị thương chồng, từ đầu mùa dịch đến nay vẫn phải ở nhà tự cách ly để vợ an lòng công tác. Khi có thời gian rảnh, chị lại gọi về nhà. Hai vợ chồng chỉ biết hỏi thăm, động viên nhau qua màn hình điện thoại. Chị xót khi biết anh nhiều ngày chưa đi chợ, chưa có bữa cơm canh nóng. Lúc nào gọi về, anh cũng bảo: “Có gì ăn nấy”.

Chị Hà kể, trong bệnh viện, không ít nữ y bác sĩ có con nhỏ. Xa con khi còn chưa kịp bỏ bú, sữa căng cứng. Sợ sau dịch sẽ bị mất sữa, thời gian rảnh, các chị phải hút sữa. Có chị, nhìn dòng sữa hút ra bỏ đi mà rơm rớm nước mắt. Bởi, ở đây, sữa hút ra phải đổ vì không có nơi cất giữ an toàn. Trong khi đó, ở nhà, con lại khát sữa mẹ.

Cũng trong bệnh viện, chị cảm thấy khó thở khi nghe đồng nghiệp kiệt sức, phải thở ôxy. Hàng ngày, y, bác sĩ là những người phải chăm sóc cho bệnh nhân. Thở ôxy là hành động các anh, chị quen nhìn thấy với bệnh nhân. Thế nhưng, bây giờ, chính họ lại phải sử dụng đến. Theo chị Hà, cuộc chiến này vẫn còn kéo dài, nhưng chị tin, với sự đồng lòng, rồi mọi chuyện cũng sẽ qua…

Bác sĩ kêu gọi thức ăn cho bệnh nhân

Bác sĩ Võ Xuân Phúc - Giám đốc bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng - chia sẻ, khi tình hình dịch Covid-19 tại TP.Đà Nẵng rất căng thẳng, dù tại đơn vị chưa xuất hiện ca dương tính nào nhưng đã âm thầm chuẩn bị phương án tập trung 100% quân số cho việc cách ly bệnh nhân. Vào 17h30 ngày 30/7, ông nhận điện thoại của lãnh đạo khảo sát triển khai phương án bệnh viện Phụ nữ nhận bệnh nhân cách ly giảm tải cho bệnh viện Đà Nẵng. Đến 18h, đoàn khảo sát của bộ Y tế và sở Y tế đến khảo sát và chấp thuận phương án này.

Đội ngũ y bác sĩ quyết tâm cao và đầy nhiệt huyết

Toàn thể cán bộ nhân viên Bệnh viện với tinh thần cao nhất, hừng hực khí thế. 22h cùng ngày, toàn bộ nhân viên Bệnh viện chuẩn bị đón bệnh nhân. Tất cả khu vực ngoại trú dừng tiếp nhận bệnh nhân, ưu tiên giường giảm tải cho bệnh viện Đà Nẵng. Sáng hôm sau, ông gặp toàn bộ cán bộ nhân viên, ai cũng trong tư thế xung phong chống dịch. Đến 16h ngày 31/7, cấp cứu 115 chuyển 40 trường hợp sang bệnh viện Phụ nữ. Bệnh viện tiếp nhận nhanh chóng, ổn định.

Theo bác sĩ Phúc, bố trí cho bệnh nhân xong nhiều vấn đề phải lo toan, mọi thứ sinh hoạt tập trung từ đầu đến chân cho 65 con người. Lúc này một số nhu yếu phẩm đã chuẩn bị cho anh em tốt, nhưng suất ăn đột ngột là một vấn đề. Đang ăn dở hộp cơm, nghĩ chuyện hậu cần cho ngày mai như thế nào, chợt ông nghĩ đến một anh mạnh thường quân nên nhấc máy gọi điện.

“Em Phúc đây anh ơi! Bên em nhận cách ly, cần lắm suất ăn”, ông Phúc nói. Đầu dây bên kia hỏi: “Bao nhiêu em?”. Ông trả lời: “65 suất anh ạ”. Đầu dây bên kia đáp gọn: “Ok. Để anh lo”. Rồi cứ thế, mọi việc dần dần ổn định. Đến sáng 5/8, bác sĩ Phúc cười tươi: “Giờ đây, mình và anh chị em trong bệnh viện dần quen, mọi việc đi vào quỹ đạo”. Khi được hỏi về tình thế “đi xin bất đắc dĩ”, vị bác sĩ cười: “Khi đó, tôi chỉ nghĩ, ngày mai, làm sao có đầy đủ cơm cho bệnh nhân. Tôi cũng không để ý nhiều, vì tôi đi xin cho bệnh nhân mà”.

“Những ngày qua, nhiều mạnh thường quân cũng đã đến hỗ trợ. Qua đây, tôi mới thấy, người dân Đà Nẵng thấm đượm tình người”, vị Giám đốc tâm sự.

Cả bác sĩ Đặng Văn Trí và điều dưỡng Thái Thị Thu Hà đều cho hay, dù ai cũng thấm mệt, lo lắng nhưng vẫn vui cười, làm trò cho nhau cười. Họ vẫn tập thể dục hàng ngày nhằm nâng cao thể trạng. Thậm chí, có lớp thiền yoga online mỗi sáng. Dịch đến, ngoài công việc, họ có khoảng thời gian lắng đọng, nhìn lại mình. Sau mỗi ca trực, mỗi người ngồi một góc suy tư về một ngày đã qua.