Vô tình đi ngang qua cửa phòng con, chị Nguyễn Minh Thảo (36 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) giật mình khi thấy cậu con trai 12 tuổi gác chân lên bàn, vênh mặt lên và tay cầm điếu thuốc phì phèo hút. Bị mẹ la mắng và tra hỏi, con trai chị nói do nhiều lần các bạn nam trong lớp thách nên con mới tập tành hút để thể hiện bản lĩnh… đàn ông.
“Trước đó không lâu, trong lúc dọn dẹp phòng cho con tôi phát hiện có bao thuốc ở ngăn kéo bàn học của cháu. Tôi đã gặng hỏi cháu nhiều lần nhưng đều nhận được câu giải thích “bao thuốc của bạn con đến chơi để quên”.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, chị Trần Thị Điểu (38 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) có một cậu con trai đang học lớp 9, thường xuyên tụ tập bạn bè để hút thuốc lá.
“Hồi tiểu học con ngoan hiền, lễ phép bao nhiêu thì lên cấp II con thay đổi ngược lại bấy nhiêu. Khi mới lên lớp 8, con đã lén hút thuốc với đám bạn cùng trường, bị bố phát hiện đánh một trận tơi tả. Cứ tưởng vậy là con chừa, ai ngờ từ chỗ lén lút hút, con hút công khai, thách thức bố mẹ”, chị Điểu kể.
Sau gần một năm học căng thẳng mà con cũng không thay đổi, chị Điểu đã bàn với chồng về việc thay đổi “chiến thuật” dạy con.
“Nếu như bố nó nghiêm khắc bao nhiêu thì tôi lại mềm mỏng, nhỏ nhẹ bấy nhiêu. Ngày trước, tôi bận công việc nên ít trò chuyện được với con. Nhưng kể từ khi thấy con như vậy, tôi đã xin nghỉ làm ở nhà và mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ để được gần gũi, quan tâm con nhiều hơn. Tôi cố gắng nói chuyện với con để lắng nghe xem con muốn gì... nhưng mọi thứ dường như quá khó. Con có thể ngọt nhạt với mẹ nhưng tuyệt nhiên không hứa thay đổi bất kỳ điều gì và vẫn giữ thái độ chống đối với bố”, chị Điểu cho biết.
Năm nay, khi đang là học sinh cuối cấp, con chị không chỉ hút thuốc lá mà còn đòi mua điện thoại, iPad, máy tính... Vì nghĩ rằng, con muốn mua những thứ đó để bổ trợ tìm cho việc học nên chị Điểu đã cố gắng chiều con với hy vọng con sẽ bỏ thuốc lá nhưng cuối cùng chị bị “lừa”. Hiện nay, cậu bé vừa nghiện hút thuốc, vừa nghiện chơi game.
“Cứ đà này, cháu rất khó để thi được vào lớp 10. Năm lớp 8 cũng vì hút thuốc, cháu đã bị hạ một bậc hạnh kiểm. Tôi thật sự bất lực và đau đầu. Muốn con từ bỏ việc hút thuốc nhưng hiện tại tôi chưa tìm ra cách xử lý”, chị than.
Theo chuyên gia tâm lý - TS Lại Thế Luyện, trẻ ở tuổi thanh thiếu niên còn ngồi trên ghế nhà trường là lứa tuổi mà cá nhân có nhu cầu rất mạnh trong việc khẳng định bản thân. Tuy nhiên, thay vì khẳng định bản thân qua những hành vi tốt, những thành quả học tập và làm việc, thì một bộ phận trẻ vị thành niên lại tìm cách khẳng định bản thân qua những biểu hiện hành vi lệch lạc hoặc đơn giản chỉ là sự bắt chước một cách máy móc những người xung quanh.
“Đa số các em chưa ý thức được đầy đủ tác hại nghiêm trọng của việc hút thuốc lá. Vì vậy trẻ dễ đua đòi bạn, bắt chước bạn hút thuốc để tạo cảm giác là mình trưởng thành, độc lập hoặc thể hiện là một người lạnh lung, có bản lĩnh…”, TS Luyện nói.
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng hút thuốc lá ở học sinh ngày càng nhiều, TS Luyện cho biết, thứ nhất là do ảnh hưởng của đặc điểm tâm lý lứa tuổi. Độ tuổi từ 13-19 tuổi là giai đoạn mà các em có nhu cầu mạnh mẽ trong việc khẳng định bản thân và được các nhà tâm lý học gọi là “lứa tuổi chuyển tiếp từ trẻ em sang người lớn”. Điều này có mặt tích cực là thôi thúc các em cố gắng trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, do kinh nghiệm sống của các em còn thiếu, tư duy chưa đủ sâu sắc, chín chắn nên các em cũng dễ có những hành vi lệch lạc.
Thứ hai là do ảnh hưởng của môi trường sống xung quanh. Ngoài việc các em thường bị bạn bè lôi kéo, muốn chứng tỏ mình là người chịu “chơi” hay do chán nản về hoàn cảnh gia đình, kết quả học tập… thì còn có một số ít em vì tò mò, muốn biết cảm giác hút thuốc như thế nào.
Thứ ba là do hiện nay, hệ thống bán hàng và phân phối thuốc lá, đặc biệt là việc bán lẻ thuốc lá điếu ở các quán cà phê, tiệm Internet hay các cửa hàng lớn nhỏ ở ven đường ngày càng phổ biển. Vì thế, các em rất dễ dàng mua thuốc lá ở bất cứ chỗ nào.
Cũng theo TS Luyện, ở độ tuổi còn nhỏ, các em xem hút thuốc lá như một thú vui, tiêu khiển nhưng các em chưa biết tương lai của chính mình đang mờ tan dần theo khói thuốc với những căn bệnh nguy hại từ thuốc lá.
Đối với người hút thuốc lá, chỉ sau 7 giây, chất Nicôtin sẽ gây hưng phấn lên vỏ não và ngay lập tức được bộ não ghi nhớ. Khi lượng Nicôtin trong máu giảm, trạng thái hưng phấn mất đi. Khi đó, người hút sẽ có cảm giác khó chịu, não bộ sẽ kích thích gây cảm giác thèm thuốc trở lại. Đó là lý do vì sao chỉ tâm lý hút vài điếu, các em dần dần trở thành thói quen và không từ bỏ được.
Để trẻ có sức khỏe tốt nhất và tránh được những nguy cơ do thuốc lá gây ra, TS Luyện cho rằng,cha mẹ nên dựa vào độ tuổi, đặc điểm tâm sinh lý của con để có cách ứng xử phù hợp.
Có những đứa trẻ đang học cấp I đã hút thuốc, nhưng độ tuổi này không nhiều, chỉ là một hành động bắt chước người lớn chứ chưa ý thức được hành vi. Lúc này cha mẹ chỉ cần nói chuyện, giải thích để con hiểu thuốc lá không tốt cho con. Đặc biệt, cha mẹ không nên hút thuốc trước mặt con, không chỉ vì khói thuốc ảnh hưởng sức khỏe con mà còn để ngăn ngừa con bắt chước và để lời dạy của cha mẹ có “trọng lượng” hơn.
Còn ở lứa tuổi dậy thì, khi phát hiện con hút thuốc, cha mẹ không nên đánh mắng trẻ vì trẻ đang độ tuổi mới lớn, càng la mắng trẻ sẽ càng làm ngược lại. Thay vào đó, cha mẹ cần kiên trì giải thích, phân tích cho con thấy tác hại của thuốc lá. Quan trọng là cha mẹ cần gạt bỏ “cái tôi” của mình, gần gũi với con theo cách quan tâm chứ không xét nét, hạch sách để giúp con bỏ thuốc.
“Dạy con là một nghệ thuật của người làm cha mẹ. Muốn thay đổi con cái theo chiều hướng tích cực, thì cần thay đổi từ nhận thức, đến cảm xúc và hành vi. Một khi trẻ đã bước đầu hình thành được những hành vi tốt, thì những hành vi đó nên được củng cố, lặp đi lặp lại thường xuyên, thì sẽ trở thành những thói quen tốt nơi con cái”, TS Luyện nhấn mạnh.
Còn theo chuyên gia tâm lý Phạm Hiền lại cho rằng, việc quan trọng nhất khi thấy con hút thuốc là cha mẹ cần phải bình tâm tìm hiểu nguyên nhân vì sao con hút thuốc.Với những cha mẹ “dị ứng” với thuốc lá, công việc này sẽ rất khó khăn vì cha mẹ sẽ dễ bị cảm xúc bực bội, tức giận chi phối. Tuy nhiên cha mẹ cần hiểu rằng mình cũng đã có một phần quan trọng trách nhiệm ở đó. Bởi nếu cha mẹ thực sự quan tâm, hiểu và đáp ứng tích cực hai nhu cầu tâm lý cơ bản của trẻ (muốn thể hiện bản thân và muốn được sự công nhận của người khác, nhất là của nhóm bạn cùng chơi), trẻ sẽ không thể hiện bản thân qua việc hút thuốc hoặc chơi với những nhóm bạn không tích cực.
Với ông bố bà mẹ đã từng hút thuốc, họ có thể thoải mái hơn để ngồi trò chuyện cùng con. Tuy nhiên, đừng la mắng và dạy đạo đức. Thay vào đó hãy chia sẻ chân thành trải nghiệm của mình, vì sao mình hút thuốc, mình cảm thấy thế nào, nhận ra điều gì sau khi hút thuốc, tại sao lại không hút thuốc nữa và đã làm gì để không hút thuốc nữa.
“Sự thấu hiểu tâm lý của cha mẹ là bước đầu giúp trẻ không tái phạm việc hút thuốc. Bên cạnh đó, cha mẹ cần khoan dung, tha thứ cho con. Biểu hiện cho sự khoan dung cha mẹ là cùng con đưa ra những giải pháp để con không mắc lại lỗi lầm đó như cho con tham gia các hoạt động phù hợp với sở thích, đam mê của con, dành thời gian tìm hiểu và chơi với nhóm bạn của con, giới thiệu con với những nhóm bạn hoạt động khác…”, chuyên gia Hiền chia sẻ.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần phải thưởng cho con những món quà bổ ích khi con không tái phạm.
Đồng thời, để dạy tốt trẻ vị thành niên, các chuyên ra cũng chỉ ra rằng, các bậc phụ huynh cần phải đảm bảo những nguyên tắc vàng như:
Nguyên tắc giáo dục từ sớm: Các bậc cha mẹ nên sớm dạy cho con về các chuẩn mực xã hội, điều gì là đúng, điều gì là sai,điều gì nên làm và điều gì không nên làm.
Không thỏa hiệp với cái xấu: Điều cần lưu ý trong cách giáo dục tâm lý trẻ vị thành niên là phải quyết đoán nhưng nên khéo léovà đặc biệt là phải biết tôn trọng cái tôi của trẻ.
Làm bất cứ điều gì cũng nên biết nghĩ đến người khác: Cha mẹ nên khích lệ các em phát triển về nhân cách, biết nghĩ đến người khác và ý thức được trách nhiệm của bản thân trong gia đình.