Đà Nẵng: Cấy máy khử rung ICD cứu bệnh nhân nhi mắc hội chứng Brugada nguy hiểm

Thảo Huyền

Ngày 1/10, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng cho biết đã thực hiện thành công ca cấy máy khử rung ICD cho bệnh nhân nhi (14 tuổi) do hội chứng Brugada gây rung thất.

Hội chứng Brugada là một bệnh lý hiếm gặp có tính di truyền và là nguyên nhân gây đột tử cao trong tất cả các nguyên nhân gây đột tử do tim (Sudden cardiac death - SCD). Hội chứng Brugada có thể dẫn đến ngưng tim đột ngột nếu không được xử trí kịp thời các rối loạn nhịp nguy hiểm xảy ra.

Trước đó, ngày 17/9 N.A.B (14 tuổi, trú tại Thanh Khê, Đà Nẵng) đang ngồi chơi ở nhà, thì đột ngột té ngửa xuống, bất tỉnh nên gia đình gọi cấp cứu đưa đi. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đột ngột mất ý thức, co giật, sùi bọt mép, mạch không bắt được, huyết áp không đo được, monitoring theo dõi phát hiện rung thất.

Ekip tiến hành cấy máy khử rung nhịp tim ICD cho bệnh nhi

Ekip trực cấp cứu phối hợp với bác sĩ Hồi sức tim mạch đã ngay lập tức tiến hành sốc điện chuyển nhịp cứu sống bệnh nhân. Sau sốc điện, bệnh nhân nhi tỉnh lại, mạch bắt được, huyết áp 110/60mmHg, monitoring theo dõi xuất hiện lại nhịp xoang, có hiện tượng rối loạn nhịp rung thất (tim mạch).

Theo đánh giá lâm sàng, bệnh nhân nhi đã từng vá lỗ thông liên thất và đóng còn ống động mạch lúc 6 tháng tuổi. Qua thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết, ekip xác định bệnh nhân bị rung thất do hội chứng Brugada nguy hiểm và có thể dẫn đến đột tử bất cứ lúc nào. BS.CKII Huỳnh Thúc Bảo - Trưởng khoa Nội Tim Mạch và Ths. BS Đỗ Thị Thùy Trang - Trưởng nhóm điều trị hồi sức tim đã chỉ định cấy máy khử rung ICD cho người bệnh nhằm phòng ngừa những cơn rung thất xuất hiện trong tương lai.

Bệnh nhi hồi phục sức khỏe tốt sau ca cấy ghép và có thể sớm xuất viện trong vài ngày tới

Trước đó, anh trai của bệnh nhân cũng đã từng được cấy máy khử rung ICD do hội chứng Brugada này.

Quá trình cấy máy khử rung ICD cho bệnh nhân N.A.B đã thực hiện trong 1 giờ. Ekip đã cấy máy ICD với túi máy được đặt tại vùng ngực phía dưới xương đòn trái, điện cực được đặt và cố định ở đường ra thất phải. Sau khi kiểm tra điện cực dẫn tốt, tiến hành lắp máy, đóng túi máy, khâu vết thương và băng vô khuẩn vùng đặt máy.

BS.CKII Huỳnh Thúc Bảo cho biết thêm: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi tiến hành cấy máy ICD cho trẻ em với tiền sử và bệnh lý nền phức tạp như vậy. Hiện tại, sau 4 ngày cấy ICD, bệnh nhân nhi đã ổn định, không xảy ra biến chứng và dự kiến xuất viện sau 2 ngày nữa”.

Minh Hằng