Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương Bạch Quốc Khánh khẳng định: Máu an toàn bắt đầu từ người hiến máu an toàn, do đó cần đảm bảo tuyển chọn, duy trì được nguồn người hiến máu an toàn, thường xuyên và ổn định, đáp ứng được nhu cầu máu cho điều trị.
Là người trực tiếp tham gia chỉ đạo, tổ chức công tác vận động hiến máu tình nguyện, ông nhận định như thế nào về phong trào hiến máu tình nguyện ở nước ta hiện nay?
Phong trào hiến máu tình nguyện ở nước ta hiện nay đã có những bước phát triển vượt bậc, lan tỏa rộng khắp đến cả vùng sâu, vùng xa. Phong trào đạt được nhiều dấu ấn, thành tích đáng ghi nhận; thay đổi được nhận thức của phần lớn người dân về hiến máu tình nguyện.... Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều khó khăn để thực sự hướng đến yêu cầu phong trào chất lượng, hiệu quả, bền vững.
Khó khăn mà ông nhắc tới hiện nay là gì?
Hiện nay, lượng máu tiếp nhận còn thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng. Lượng máu tiếp nhận mới chỉ đáp ứng khoảng 80% nhu cầu cấp cứu và điều trị. Ở một số thời điểm khan hiếm máu, người bệnh vẫn phải tiếp nhận máu từ người cho máu lấy tiền và người nhà hiến máu.
Phong trào hiến máu tình nguyện hiện phát triển chưa đồng đều ở các thời điểm trong năm và ở các vùng địa lý. Lượng máu tiếp nhận được chủ yếu tập trung ở những trung tâm/cơ sở lớn, khu vực đô thị - nơi có nhu cầu và khả năng sử dụng lượng máu và chế phẩm máu lớn hơn so với khu vực khác, gây khó khăn, hạn chế trong việc đảm bảo cho mọi người dân ở mọi vùng, miền, khu vực đều có cơ hội tiếp cận với nguồn máu có cùng chất lượng.
Ngoài ra, một số địa phương luôn có xu hướng tổ chức hiến máu vào các thời điểm thuận lợi như: Tháng Thanh niên (tháng 3), Ngày Toàn dân hiến máu (7/4), Ngày Quốc tế người hiến máu (14/6)… Trong khi đó, nhu cầu máu cần ở tất cả các thời điểm trong năm.
Bên cạnh đó, công tác vận động hiến máu còn rất khó khăn khi dịch bệnh, thiên tai, thảm họa vẫn còn xảy ra. Điển hình như dịch COVID-19 đã khiến cả nước liên tiếp rơi vào các đợt thiếu máu trầm trọng.
Hiện nay, tỷ lệ người hiến máu nhắc lại, thường xuyên ở nước ta còn thấp, trong khi đây lại là lực lượng hiến máu an toàn và chất lượng. Nhận thức của các cấp chính quyền ở một số địa phương chưa cao, dẫn đến tình trạng, ở nhiều nơi phong trào vẫn còn mang tính kỳ cuộc, nặng hình thức và dựa vào chỉ tiêu được giao để gây “sức ép”. Một số địa phương chưa chú trọng vận động đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia hiến máu, vẫn chủ yếu vận động trong nhóm thanh niên, học sinh, sinh viên.
Theo ông, chúng ta cần có những giải pháp gì để phong trào hiến máu tình nguyện ngày càng được nâng cao?
Công tác tổ chức hiến máu, vận động hiến máu muốn đạt được hiệu quả rất cần sự ủng hộ, đồng thuận của các cấp lãnh đạo, nhà quản lý. Bên cạnh đó, các đơn vị tổ chức vận động hiến máu cần tổ chức tiếp nhận, vận động đến từng cơ quan, đơn vị, khu dân cư.
Công tác tổ chức cần chú trọng, hướng đến yêu cầu của phong trào hiến máu tình nguyện chất lượng, hiệu quả, bền vững. Trong đó, chất lượng là vận động người hiến máu đủ tiêu chuẩn, điều kiện hiến máu tham gia hiến máu thể tích lớn… Hiệu quả là duy trì việc tổ chức hiến máu thường xuyên, định kỳ ở các cơ quan, doanh nghiệp trường học, chứ không chỉ tổ chức mang tính kỳ cuộc, phong trào. Chỉ vận động người đủ điều kiện sức khỏe, đến là hiến, không chạy theo số lượng…Bền vững là vận động người đã hiến máu hãy duy trì sức khỏe để một năm có thể hiến máu định kỳ 2-3 lần.
Các cơ sở truyền máu, hệ thống Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cấp cần chú trọng công tác chăm sóc người hiến máu: Tạo điều kiện cho người hiến máu được kiểm tra, giám sát sức khỏe thông qua các gói xét nghiệm quà tặng; chăm sóc, tư vấn trước, trong và sau hiến máu; gửi tin nhắn chúc mừng sinh nhật hoặc gửi tin nhắn mời hiến máu…
Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thời gian qua đã gây ảnh hưởng đến lượng máu tiếp nhận được như thế nào, thưa ông?
Tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh khiến liên tiếp trong nhiều tuần qua, lượng máu tiếp nhận của Viện Huyết học - Truyền náu Trung ương sụt giảm nghiêm trọng. Cả tháng 3, Viện chỉ tiếp nhận được 16.000 đơn vị máu, trong khi con số này ở các năm là 32.000 - 36.000 đơn vị. Trong vài tuần liên tiếp, Viện chỉ tiếp nhận được 50 - 60 đơn vị máu mỗi ngày (tại Viện và một số điểm hiến máu cố định) do hầu như không có lịch hiến máu tại các cơ quan, trường học, khu dân cư. Chưa năm nào, trong Tháng Thanh niên và Ngày Toàn dân hiến máu, số lượng máu tiếp nhận thấp như vậy.
Lượng máu toàn phần tiếp nhận được giảm nghiêm trọng dẫn đến thiếu tiểu cầu. Nhu cầu tiểu cầu cho điều trị rất nhiều trong khi thời hạn bảo quản tiểu cầu rất ngắn chỉ 3 - 5 ngày.
Viện có kế hoạch như thế nào để khắc phục tình trạng này, đảm bảo nguồn máu cho điều trị và an toàn cho người tham gia hiến máu giữa đại dịch COVID-19?
Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương sẽ tiếp tục duy trì các điểm hiến máu cố định và mượn thêm một số địa điểm để tổ chức hiến máu liên tục trong nhiều ngày nhằm đảm bảo: các điểm hiến máu không quá xa; không tập trung đông người và tuân theo các biện pháp phòng dịch theo quy định của Bộ Y tế.
Trong thời gian qua, các biện pháp phòng dịch đã được Trung tâm Máu triển khai để đảm bảo an toàn, tạo sự an tâm cho người hiến máu, nhân viên tiếp nhận máu và người bệnh nhận máu như: đo nhiệt độ cho tất cả mọi người đến đăng ký hiến máu; bố trí dung dịch rửa tay nhanh ở nhiều vị trí; thường xuyên nhắc nhở người hiến máu đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc sát khuẩn tay bằng dung dịch rửa tay nhanh chứa cồn. Trung tâm bố trí điểm hiến máu rộng rãi, ở không gian rộng, kê các ghế lấy máu cách xa nhau; phun khử khuẩn thường xuyên điểm hiến máu ngay sau khi kết thúc buổi hiến máu; sát khuẩn quả bóp, các dụng cụ thường xuyên; vệ sinh định kỳ các bề mặt, bàn, ghế. Trung tâm sử dụng giấy lót tại vị trí kê tay của người hiến máu, khi lấy nước từ bình nhằm hạn chế người hiến máu tiếp xúc với các bề mặt. Người hiến máu được đề nghị trả lời trung thực các câu hỏi về tình trạng sức khỏe đánh giá nguy cơ lây nhiễm virus gây bệnh COVID-19.