Núp bóng dưới danh nghĩa là các nhà xưởng phục vụ đời sống công nhân xây dựng khu đô thị, hàng loạt các nhà xưởng đua nhau được xây dựng trên đất dự án, đất nông nghiệp để làm nơi tập kết hàng hóa, làm kho xưởng, làm xưởng cơ khí...
Đây là thực tế đang diễn ra tại Khu đô thị Thanh Hà - Cienco5 và khu vực đất nông nghiệp của người dân chưa được đền bù giải phóng mặt bằng ở xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội. Ghi nhận thực tế của PV báo TN&MT thấy rằng, những dãy nhà xưởng mọc san sát đang được sử dụng để kinh doanh hoặc cho thuê làm kho bãi, địa điểm sản xuất cơ khí, dịch vụ ăn uống… Đi dọc theo Khu đô thị Thanh Hà - Cienco5, hình ảnh dễ bắt gặp nhất chính là những nhà xưởng rộng lớn cùng các tấm áp phích quảng cáo rực rỡ sắc màu.
Những quán bia mọc la liệt ngay tại đất dự án
Trong vai một người có nhu cầu thuê đất để mở xưởng sản xuất, PV đã có cuộc trao đổi ngắn với một nhân viên làm việc tại một công ty kho vận thuê đất ở đây. Nhân viên này cho hay: “Thường giá thuê ở mỗi địa điểm là khác nhau nhưng dao động khoảng 50.000 đồng/1m2. Nếu các anh muốn thuê thì cứ vào xã hoặc vào chủ đầu tư khu đô thị mà hỏi. Tôi thấy thời gian gần đây nhiều người về hỏi thuê đất làm kho bãi lắm. Chỗ tôi người ta đã thuê hết, không còn đất nữa”.
Bên cạnh việc đất dự án Khu đô thị Thanh Hà - Cienco5 bị “xẻ thịt” để làm nhà xưởng, quan sát của PV thấy rằng, hàng nghìn m2 đất nông nghiệp nằm sát khu vực dân cư đang được đổ đất, san lấp mặt bằng. Một số nhà xưởng cũng đã dựng xong và đi vào hoạt động, nằm sát ngay khu dân cư hiện có ở xã Cự Khê. Một số nữa thì đang trong quá trình hoàn thiện khiến cho bộ mặt khu đô thị này nhìn rất nhếch nhác, lụp xụp.
Những nhà xưởng lụp xụp xen lẫn với những nhà cao tầng của khu dân cư trông rất mất mỹ quan
Nhằm làm rõ thông tin nói trên, PV báo TN&MT đã có buổi làm việc với ông Đặng Anh Phương, Chủ tịch UBND xã Cự Khê. Tại buổi làm việc, ông Phương cho biết: “Khu vực nhà xưởng nói trên là của chủ đầu tư dựng lên phục vụ công nhân xây dựng khu đô thị. Theo Quyết định số 3229/QĐ-UBND ngày 13/07/2017 của UBND TP Hà Nội thì trong quá trình xây dựng có một số chỗ để cây xanh chưa sử dụng nên chủ đầu tư có quyền làm các kho lán tạm để phục vụ cho quá trình xây dựng. Theo các quy định hiện hành thì việc xây dựng các lán tạm phục vụ công nhân không phải xin giấy phép xây dựng. Tuy nhiên khi phát hiện ra sự việc, UBND xã đã báo cáo với UBND huyện Thanh Oai và huyện cũng đã đồng ý (bằng văn bản) cho việc xây dựng này”.
Khi PV cung cấp thông tin liên quan tới tình trạng biến tướng, núp bóng dưới danh nghĩa dựng xưởng phục vụ công nhân để dựng xưởng kinh doanh, cho thuê làm kho bãi, xưởng sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống… thì ông Phương cho biết thêm: “Quá trình hình thành các nhà xưởng ở đây không phải mới bắt đầu mà diễn ra từ khá lâu trước đó (trước khi ông Phương lên làm chủ tịch xã – PV). Trong số những nhà xưởng mà các anh đề cập, có những nhà xưởng dựng từ lâu và người ta sử dụng vào làm kho bãi. Đó là những tồn tại cũ. Riêng đối với những sự việc phát sinh mới gần đây, tôi đều báo cáo và xin ý kiến của lãnh đạo huyện Thanh Oai. Huyện đã chấp thuận cho chủ đầu tư dựng lán tạm phục vụ công nhân thì xã phải chấp hành”.
Đề cập thêm về vấn đề người dân “hô biến” đất nông nghiệp để dựng xưởng cho thuê, ông Phương nói: “Thực tế là người dân chúng tôi rất khó khăn. Sau khi bị thu hồi đất nông nghiệp để phục vụ dự án xây dựng khu đô thị, đa phần người dân mất đất nên họ không còn sinh kế. Thành ra họ tận dụng những diện tích còn sót lại để dựng xưởng cho thuê kiếm thu nhập. Hon nữa do chúng tôi vẫn là đơn vị hành chính cấp xã nên việc xây dựng không cần xin phép nên việc quản lý tình hình cũng rất khó khăn, không sát sao hết được”.
Nhiều công ty kho vận tìm đến nơi đây thuê đất dựng xưởng
Từ những thông tin nêu trên có thể thấy, nhu cầu dựng lán tạm phục vụ công nhân xây dựng Khu đô thị Thanh Hà - Cienco5 là hoàn toàn hợp lý. Nhưng điều bất hợp lý là rất nhiều người đã lợi dụng chủ trương này để núp bóng, dựng xưởng làm kho bãi hoặc cho thuê kinh doanh, buôn bán. Những dãy nhà xưởng rộng hàng nghìn m2 với đủ các tấm áp phích quảng cáo, những tấm biển thông báo tuyển nhân viên, những đoàn xe vận tải nối đuôi nhau chở hàng đến và chuyển hàng đi … lẽ nào chỉ để phục vụ công nhân xây dựng?
Sự việc đã rõ như ban ngày nhưng chính quyền xã Cự Khê và huyện Thanh Oai vẫn cho rằng đó chỉ là công trình lán tạm phục vụ công nhân thì quả khiến dư luận suy nghĩ? Liệu có hay không sự làm ngơ của chính quyền nơi đây cho việc xây dựng ồ ạt nói trên? Và liệu có hay không việc huyện Thanh Oai ban hành văn bản “tạo điều kiện” cho việc dựng xưởng công khai?
Theo báo TN&MT