Trưa ngày 22/7, Đội cảnh sát kinh tế công an huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra 3 xe ôtô trung tải chở số lượng lớn dâu tây từ cảng hàng không Liên Khương về thành phố Đà Lạt. Toàn bộ hàng hóa và phương tiện đang bị tạm giữ do không xuất trình được hóa đơn chứng từ của lô hàng.
Đại diện Đội cảnh sát kinh tế công an huyện Đức Trọng cho biết, trọng lượng dâu tây trên 3 xe tải là 3,5 tấn, được đóng kín trong 326 thùng xốp. Từng gói dâu tây trong thùng xốp có nhãn mác in bằng chữ Trung Quốc. Bước đầu các lái xe không xuất trình được hóa đơn chứng từ để chứng minh xuất xứ hàng hóa và khai nhận chỉ là người chở thuê. Toàn bộ lô hàng đang được bảo quản và điều tra xử lý theo qui định.
Dâu tây nhập lậu vào Đà Lạt được đóng trong hộp carton toàn chữ Trung Quốc, có hình thức bắt mắt. Ảnh: CAND
Tiếp đó, lúc 22h30 cùng ngày, Đội Cảnh sát kinh tế Công an huyện Đức Trọng tiếp tục kiểm tra lô hàng chứa sản phẩm dâu tây tươi thứ 3 trong ngày vừa được vận chuyển vào Cảng hàng không Liên Khương. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện thêm 196 thùng xốp, toàn bộ chứa quả dâu tây tươi.
Bên trong những thùng xốp này, sản phẩm dâu tây tươi được đóng gói cẩn thận trong các hộp carton nhỏ màu đỏ, hình thức đẹp mắt, in toàn bộ bằng chữ Trung Quốc.
Công an huyện Đức Trọng đã kiểm tra, niêm phong, đồng thời đưa toàn bộ 313 thùng xốp chứa sản phẩm dâu tây tươi từ Cảng hàng không Liên Khương về cơ quan để tiếp tục xác minh, xử lý, truy tìm chủ nhân của các lô hàng dâu tây này.
Theo ghi nhận của PV Báo CAND, sản phẩm dâu tây nhập lậu được cho là xuất xứ từ Trung Quốc có trái đều, hình thức đẹp mắt với nhiều giống dâu khác nhau. Mặc dù chưa rõ đã thu hoạch cách đây từ bao nhiêu ngày nhưng các lô hàng dâu tây trên đều tươi rói như vừa mới được hái từ vườn vào.
Dâu tây là sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, tiêu biểu bậc nhất của Đà Lạt. Sản phẩm nông nghiệp này đã được cấp chứng nhận thương hiệu “Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Nông sản được cấp chứng nhận này được bảo hộ trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Nghiêm cấm việc sử dụng trái mục đích thương hiệu trên dưới mọi hình thức.
Tuy nhiên, vì lợi nhuận, các doanh nghiệp, thương nhân vẫn lén lút nhập lậu dâu tây từ Trung Quốc vào Đà Lạt. Sau khi thay đổi nhãn mác, bao bì, sản phẩm dâu tây này nghiễm nghiên được giới thiệu, bán cho người tiêu dùng với mác “dâu tây Đà Lạt” với giá cao ngất ngưỡng, lên tới 600.000 đồng/kg nếu được gắn mác “dâu tây công nghệ cao”.
Một thành viên trong đoàn liên ngành cho hay, trong quá trình theo dõi thời gian gần đây, dâu tây được vận chuyển bằng đường hàng không về Đà Lạt sau đó chủ hàng phân phối cho các điểm bán và thậm chí cả những vườn dâu tham quan, hái dâu tại vườn.
Mẫu mã của loại dâu tây này rất bắt mắt và thường được các chủ vườn giới thiệu là dâu tây canh tác bằng công nghệ cao, được trồng riêng ở trang trại. Vì là loại cao cấp nên không cho khách tham quan.
Để tránh mua phải dâu tây Trung Quốc "đội lốt" dâu tây Đà Lạt, người tiêu dùng nên "nằm lòng" cách phân biệt 2 loại quả này, theo hướng dẫn của Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng.
Cụ thể, về hình dạng quả, dâu tây Đà Lạt quả to, quả nhỏ không đồng đều, nhiều hình khối khác nhau, trong đó có loại quả còn hơi dài (giống từ Pháp về), còn dâu tây Trung Quốc quả to khá đều nhau, rất đẹp.
Nguồn: Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng
Về kích thước quả, dâu tây Đà Lạt quả vừa phải, không quá to trong khi đó dâu tây của Trung Quốc quả to và trội hơn hẳn. Về độ cứng, dâu tây Đà Lạt mềm, vỏ không nhẵn và mịn còn dâu của Trung Quốc quả có độ cứng nhất định, vỏ mịn hơn.
Về màu sắc, dâu tây Trung Quốc có màu sắc rất đỏ như hàng nhuộm. Phần lá phủ trên cuống quả rất mướt, phủ đến hơn 1/3 trái dâu và có màu xanh đậm và to. Còn dâu tây Đà Lạt quả sáng, màu hồng nhạt hoặc hơi đỏ nhưng không đều nhau giữa các quả, phần gần cuống màu hơi trắng. Phần lá phủ trên cuống trái dâu Đà Lạt mỏng, ngắn và có màu xanh nhạt.
Về mùi vị, quả dâu tây Đà Lạt ăn mềm dai và chua thanh có mùi thơm rất đặc trưng, còn dâu Trung Quốc khi ăn sẽ có cảm giác không có vị ngọt và chua, có mùi thơm nhẹ…
Về thời gian bảo quản, đặc điểm này dễ phân biệt hơn cả bởi lẽ, dâu Đà Lạt gốc thường không sử dụng loại thuốc bảo quản nào, do đó không thể để được lâu, chỉ dùng trong 2,3 ngày ở nhiệt độ 15 độ C. Còn nắng hanh thì một ngày dâu đã héo cuống và thâm. Trong khi đó thì dâu Trung Quốc để ở điều kiện bình thường (25 – 32 độ) thì 7 – 10 ngày vẫn còn tươi.