Phóng viên vào vai đi mua đề đánh giá năng lực
Thời điểm này nhiều phụ huynh, học sinh tỏ ra lo lắng trước kỳ thi THPT, đây chính là ngưỡng cửa để các em học sinh tự khẳng định mình và bước tiếp trên con đường phía trước. Nắm bắt được tâm lý này, không ít những trang web công khai bán đề luyện thi đánh giá năng lực của một số trường đại học.
Để tìm hiểu thực hư, trong vai một phụ huynh muốn mua đề luyện thi đánh giá năng lực cho con, PV đã “đột nhập” vào trang “Đề thi thử đánh giá năng lực ôn luyện kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) ĐHQG TP.HCM”. Ngay lập tức PV được nhận một tin nhắn với lời mời hấp dẫn kèm theo số điện thoại để liên lạc trao đổi cách thức mua đề cũng như hướng dẫn ôn luyện khi đã thành toán mua bộ đề thành công.
Liên lạc với số điện thoại 037300xxxx được cho trước đó, một người phụ nữ tự xưng tên Quỳnh là nhân viên tư vấn bán đề thi liên tục hỏi PV: “Không biết chị đã đăng ký trên hệ thống của bên em chưa, nếu chưa chị đăng ký ngay vì hiện giờ đã có hơn 1 nghìn bạn học sinh đang truy cập vào hệ thống mua bộ đề thi, nếu không nhanh sẽ hết cơ hội để con chị đánh giá được năng lực”.
Theo hướng dẫn của nhân viên Quỳnh, khi khách hàng (Phụ huynh, học sinh – PV) có nhu cầu thì kích vào trang web và tìm hình thức thanh toán phù hợp. Sau khi thanh toán xong hệ thống sẽ cấp quyền truy cập vào bộ đề để đăng nhập và khách hàng ôn luyện trên đó.
Với giá của những bộ đề này, nhân viên tư vấn cho hay, trước đây 10 bộ đề có giá 300 nghìn đồng, nhưng đang đúng vào đợt ưu đãi nên được giảm giá xuống còn 240 nghìn đồng, đăng ký xong có thể ôn luyện... trọn đời.
Khi PV thắc mắc về nguồn gốc những bộ đề này, có phải của ĐH Quốc gia TP.HCM như đã quảng cáo, nữ nhân viên ậm ừ: “Thực chất 10 bộ đề ôn luyện đánh giá năng lực học sinh của bên em được phát triển theo bộ đề của ĐH Quốc gia TP.HCM. 10 bộ đề này được một nhóm giáo viên trên địa bàn biên soạn để giúp các em học sinh tham dự kỳ thi tốt nhất”.
PV tỏ ý nghi ngờ về chất lượng cũng như nguồn gốc của 10 bộ đề thi nhân viên tư vấn khẳng định: “Chị cứ yên tâm, rất nhiều bạn học sinh tham gia vào hệ thống và bên em chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào. Những thầy cô biên soạn đều là người có kinh nghiệm và năng lực tương đương với ĐH Quốc gia TP.HCM và một số trường đại học khác (?!). Hình thức học online, sẽ có đáp án để so sánh, vì thế cả phụ huynh và học sinh cứ yên tâm vào chất lượng của 10 bộ đề thi bên em đưa ra”.
Các hội nhóm rao bán đề thi, tổ chức thi thử đánh giá năng lực. |
Muốn kiểm chứng thêm về năng lực của các giáo viên tham gia biên soạn bộ đề thi như giáo viên đó dạy ở đâu, chuyên ngành gì nhân viên tư vấn từ chối không thể tiết lộ vì một nhóm giáo viên này ở rất nhiều trường khác nhau. Nếu khách hàng có nhu cầu mua chủ động truy cập vào trang web để đăng ký sau đó thanh toán qua các kênh được hướng dẫn và bắt đầu học, thi...
Theo tìm hiểu của PV, không chỉ có trang web trên mà hiện nay trên mạng xã hội cũng có rất nhiều trang được tung hô của một số trường đại học để câu kéo phụ huynh, học sinh tham gia học, thi đánh giá năng lực với những bộ đề chi tiết và hấp dẫn. Thế nhưng, những bộ đề đấy từ đâu, chất lượng ra sao không ai có thể khẳng định được.
Cảnh giác cao với những bộ đề tràn lan
Với những trang web giả mạo bán đề luyện thi đánh giá năng lực đang được tràn lan, trước đó, ĐH Quốc gia TP.HCM vừa có thông báo khẳng định trường không phát hành các tài liệu luyện thi của kỳ thi đánh giá năng lực năm 2020. Những tài liệu trên mạng xã hội gần đây đều là mượn danh ĐH này.
Đại diện ĐH Quốc gia TP.HCM cũng khẳng định, trường đã thống nhất quan điểm từ đầu không công bố các bộ đề và chỉ công bố cấu trúc, đề minh họa để thí sinh định hướng ôn tập. Vì thế, phụ huynh, học sinh cần cân nhắc, tìm hiểu kỹ thông tin bộ đề để luyện thi.
Nói thêm về việc phụ huynh và học sinh đang cố “đâm lao” theo những bộ đề luyện thi đánh giá năng lực bán tràn lan, không được kiểm chứng rõ, thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh khẳng định: “Thực ra, năng lực học sinh không ai đánh giá chính xác bằng bản thân các em được. Những bộ đề thi đó chỉ mang tính chất tham khảo do một số trung tâm xào nấu từ các trường đại học để đưa ra một phiên bản nhái sau đó kiếm tiền mà không biết học sinh sẽ học và luyện được những gì”.
Cũng theo Ths. Phạm Phúc Thịnh, do nhu cầu của học sinh và phụ huynh quá cao nên một số người đã “đẻ” ra các hình thức luyện thi, bộ đề thi để trục lợi.
Điều cần làm ngay lúc này là phụ huynh hãy cùng con giải quyết hết bài tập trong sách giáo khoa, mở lại đề thi của những năm trước và các đề thi mẫu do một số trường biên soạn. Học sinh không phải luyện thi một cách thuộc lòng, quan trọng học sinh hãy đọc đề đó, đúc rút xem lượng kiến thức chủ yếu tập trung ở vùng nào, tự kiểm tra năng lực của bản thân sau đó hãy gia cố thêm lỗ hổng kiến thức còn đang thiếu.
Xử phạt như thế nào?
Liên quan đến việc một số trang web giả mạo trường đại học để bán, luyện thi đánh giá năng lực học sinh kiếm tiền, luật sư Quách Thành Lực (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho hay: “Giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác” được quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 99 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Với hành vi vi phạm này bị xử phạt vi phạm hành chính đến 20 triệu đồng. Ngoài ra đối tượng xử lý còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm”.
Luật sư Lực nhấn mạnh, trước khi các cá nhân vi phạm, giả mạo bị xử lý trách nhiệm, thiết nghĩ trường đại học bị giả mạo nên chủ động cung cấp thông tin khẳng định các web đó là giả mạo trên web của trường cũng như cung cấp thông tin trên các phương tiện truyền thông để các em học sinh, phụ huynh không bị mắc lừa. Bản thân phụ huynh khi lựa chọn bất kỳ hình thức học, luyện thi cho con trên mạng xã hội cũng cần cân nhắc thật kỹ để tránh con học nhưng kết quả không xứng đáng với công sức bỏ ra.