Thu hồi tiền là xong?
Ngày 10/7, ông Đặng Ngọc Thân, Trưởng phòng Lao động, thương binh và xã hội huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An xác nhận, đã thu hồi 60 triệu đồng tiền chi trả hỗ trợ Covid-19 sai đối tượng trên địa bàn xã Nghĩa Phúc (huyện Tân Kỳ). Nguyên nhân, 17 hộ/80 khẩu tại địa bàn này không nằm trong danh sách hộ cận nghèo, nhưng vẫn có trong danh sách nhận tiền hỗ trợ.
Huyện Tân Kỳ đang có 5 xã phải rà soát lại hộ nghèo, cận nghèo.
Theo đó, tại xã Nghĩa Phúc, hộ nghèo là 78, hộ cận nghèo là 756, số tiền hỗ trợ dịch Covid-19 khoảng 2,6 tỷ đồng đã được chi trả xong. Đến ngày 9/6, UBND huyện Tân Kỳ quyết định kiểm tra, chấn chỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 cho đối tượng thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Qua phúc tra, tổ công tác phát hiện xã Nghĩa Phúc có 19 hộ cận nghèo không đủ điều kiện theo quy định.
Trong đó, 2 hộ cận nghèo có 9 khẩu do trùng lặp với danh sách nên không chi trả; 13 khẩu cận nghèo trùng với chế độ hỗ trợ bảo trợ xã hội, người có công nên không chi trả; Đặc biệt, có 17 hộ xóm trưởng lập vào danh sách đề nghị UBND xã công nhận hộ cận nghèo nhưng không thông qua họp xóm.
Quá trình chi trả, người dân phát hiện có sự bất thường khi những hộ này không nằm trong danh sách cận nghèo vẫn được nhận tiền. Trước thông tin phản ánh, UBND xã đã kiểm tra lại biên bản họp xóm, rồi mới "cuống cuồng" ra văn bản thu hồi với số tiền lên đến 60 triệu đồng.
Nói về việc này, ông Thân cho biết: “Đây là sai sót của UBND xã Nghĩa Phúc. Việc bình xét từ xóm, đưa danh sách lên xã. Sau đó, Ban chỉ đạo bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo của xã kiểm tra, tổng hợp rồi báo cáo lên UBND huyện. Phát hiện vụ việc, chúng tôi đang yêu cầu xã rà soát lại một lần nữa tiến, hành họp dân lấy ý kiến, niêm yết công khai danh sách tại trụ sở UBND xã và nhà văn hóa khối xóm để người dân được biết”.
Điều đáng nói, đây không phải là trường hợp đầu tiên một địa phương ở Nghệ An phải ra văn bản thu hồi số tiền chi trả sai đối tượng. Trước đó, Chủ tịch UBND xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An cũng phát hiện 33 nhân khẩu chi trả sai và đã ra văn bản để thu hồi lại số tiền gần 30 triệu đồng; những trường hợp này là người đã đi xuất khẩu lao động, đã mất...
Huyện Quỳ Châu xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều sau khi chi trả hỗ trợ Covid-19
Xã Châu Bình là một trong những địa phương được nhận nhiều nhất tiền hỗ trợ đợt dịch Covid-19 vừa qua của huyện Quỳ Châu. Cả xã có tới 4.462 nhân khẩu được nhận tiền hỗ trợ là hơn 3,3 tỷ đồng theo Nghị quyết 42 của Chính phủ. Sau khi các hộ dân ở đây nhận tiền hỗ trợ, có thông tin cho rằng có những trường hợp khá giả, những người chết rồi vẫn được nhận tiền hỗ trợ dịch.
Trước việc này, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu đã ký văn bản hỏa tốc gửi các xã và thị trấn yêu cầu tổ chức kiểm tra, rà soát việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Theo đó, Chủ tịch huyện yêu cầu kiểm tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2019, nếu phát hiện kiên quyết cắt giảm những hộ nghèo, cận nghèo sai đối tượng, đề nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước. Ngoài ra, xem xét trách nhiệm của các tập thể, cá nhân nếu để xảy ra sai phạm…
Cũng lúc này, UBND xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu cũng yêu cầu Ban quản lý bản Tằn phải trả lại số tiền cho những đối tượng được hưởng trợ cấp. Nguyên nhân là sau khi xã chi trả cho 106 hộ nghèo, cận nghèo tiền hỗ trợ Covid-19, trưởng bản Tằn lại thu lại số tiền này của dân và chia đều cho các hộ trong bản. Không những thế, Ban quản lý bản Tằn còn thu số tiền gần 100 triệu đồng của dân vào việc thu nợ quỹ pháp chế, các loại quỹ khác và tiền giải phóng mặt bằng. Việc này đã khiến cho người dân vô cùng bức xúc, phản ánh gay gắt lên các cấp chính quyền.
Xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm
Ông Lê Văn Thúy, Trưởng phòng Lao động - Tiền Lương – BHXH, sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Nghệ An cho biết, tính đến 31/12/2019, toàn tỉnh có 485.298 khẩu thuộc hộ nghèo, cận nghèo; trong đó số khẩu hộ nghèo, hộ cận nghèo hưởng chính sách ưu đãi người có công, trợ giúp xã hội hàng tháng là 8.767 khẩu (sẽ hưởng hỗ trợ theo nhóm đối tượng người có công, bảo trợ xã hội).
“Thẩm quyền bình xét hàng năm hộ nghèo, cận nghèo là do cấp xã. Cấp huyện quản lý cấp xã. Vì vậy, nếu các cơ quan hành chính nhà nước các cấp thực hiện sai phạm thì phải chịu trách nhiệm, gắn với cán bộ có động cơ thực hiện sai phạm. Ngoài ra, nếu người dân có những động cơ lợi dụng chính sách nhà nước thì cũng phải chịu trách nhiệm”, ông Thúy nói.
Về vụ việc trên địa bàn, ông Lang Văn Chiến, Bí thư Huyện ủy Quỳ Châu thông tin, Huyện ủy đã tổ chức họp, chỉ đạo huyện rà soát kiểm tra thông tin báo phản ánh tại xã Châu Bình. Sau khi xác minh, UBND huyện Quỳ Châu sẽ báo cáo và đề xuất hướng xử lý nếu vi phạm.
“Việc này chủ yếu triển khai từ cơ sở, có thông tin phản ánh những hộ thoát nghèo đó phải đi kiểm tra lại thời điểm công nhận hộ nghèo từ năm ngoái. Thời điểm này có thể có biến động, thay đổi. Nếu có trường hợp làm chưa đúng huyện sẽ vào cuộc kiểm tra”, ông Chiến nói.
Nhiều gia đình phải "thoát nghèo" giữa năm sau khi rà soát
Ông Phan Văn Giáp, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tân Kỳ cũng xác nhận: “Ngay khi nhận được thông tin, huyện ủy cũng đã họp và yêu cầu các cấp phải rà soát, xác minh, làm rõ vụ việc. Tinh thần là phải vận động bà con trả lại nhà nước, chính sách nhân đạo của Nhà nước thì cần phải đến đúng đối tượng. Sau khi xong việc này thì sẽ xem xét xử lý vi phạm nếu có”.