Dịch COVID-19: Sớm hoàn thiện quy trình quản lý khép kín người nhập cảnh vào Việt Nam

Thảo Huyền

Đến nay, Bộ Y tế đang khẩn trương hoàn thiện quy trình đưa đón chuyên gia, người Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài về nước, tạo thành quy trình quản lý khép kín, từ khi tiếp nhận đăng ký nhập cảnh, cách ly tập trung, theo dõi y tế tại nhà… Dự kiến, những người nhập cảnh vào Việt Nam được phân loại thành các nhóm khác nhau.

Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra chiều 8/6, tại Trụ sở Chính phủ. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

vu duc dam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra chiều 8/6   Ảnh:Đình Nam/VGP

Từng bước kiểm soát dịch bệnh

Báo cáo tại cuộc họp, TS Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, tính đến 9 giờ ngày 8/6, thế giới ghi nhận hơn 174 triệu ca mắc COVID-19, trong đó hơn 3,7 triệu ca tử vong.

Tại Việt Nam, từ ngày 27/4 đến 14 giờ ngày 8/6, cả nước ghi nhận 6.251 ca mắc COVID-19 tại 39 tỉnh, thành phố, 16 địa phương đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới; 7 địa phương không có lây nhiễm thứ phát; 16 địa phương chưa qua 14 ngày với tổng số 5817 ca mắc...

Trong đó 5 địa phương ghi nhận số ca mắc cao là: TPHCM, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng. Các trường hợp mắc mới hầu hết là các trường hợp tiếp xúc gần (F1) đã được cách ly từ trước hoặc trong khu vực đã phong toả.

Đến thời điểm này, tình hình dịch bệnh trong nước cơ bản đã được kiểm soát. Bộ Y tế nhận định trong những ngày tới, tại Bắc Giang, Bắc Ninh, TPHCM có thể sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các ca mắc mới do nhiều trường hợp đã bị phơi nhiễm từ trước, hầu hết đã được cách ly hoặc trong khu vực phong tỏa, số ca mắc mới bắt đầu có xu hướng chững lại.

Cũng theo Bộ Y tế, sẽ vẫn có thể ghi nhận một số trường hợp mắc đơn lẻ tại một số địa phương khác từ những người nhập cảnh trái phép hoặc từ những trường hợp có tiếp xúc với ca bệnh tại một số ổ dịch cũ.

Về xét nghiệm SARS-CoV-2, tính đến ngày 7/6, cả nước đã thực hiện xét nghiệm Realtime RT-PCR được gần 4,48 triệu mẫu cho gần 7,3 triệu lượt người, trong đó, từ 29/4 đến nay đã thực hiện xét nghiệm Realtime RT-PCR được hơn 1,78 triệu mẫu cho hơn 3,76 triệu lượt người. Về việc gộp mẫu bệnh phẩm, từ ngày 16/8 đến nay, cả nước đã thực hiện gần 580.000 mẫu gộp cho 3,16 triệu lượt người. 

Ban Chỉ đạo lưu ý, các địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang và TPHCM cần tiếp tục huy động toàn bộ lực lượng đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, chú trọng ở mức cao nhất công tác giám sát, phát hiện tại cộng đồng và đảm bảo an toàn cao nhất với các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhận định, đợt dịch lần thứ 4 với biến chủng của virus SARS-CoV-2 có diễn biến nhanh, phức tạp và làm bệnh nặng hơn so với các đợt trước. Số trường hợp mắc gia tăng nhanh trong thời gian ngắn đã gây áp lực lớn lên hệ thống y tế. Dịch lây lan chủ yếu giữa các khu công nghiệp và cộng đồng và tại các sự kiện tập trung đông người (đám ma, đám cưới, hoạt động tôn giáo…), đặc biệt, dịch xảy ra trong khu công nghiệp nên lây lan nhanh trên phạm vi rộng.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị các cấp, ngành, địa phương chủ động, quyết liệt và thần tốc hơn nữa triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, sớm ổn định tình hình để tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, các địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang và TP Hồ Chí Minh tiếp tục huy động toàn bộ lực lượng đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, chú trọng ở mức cao nhất công tác giám sát, phát hiện tại cộng đồng và đảm bảo an toàn cao nhất với các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Sớm ban hành Sổ tay phòng, chống dịch bệnh trong các khu công nghiệp

Tại cuộc họp, các thành viên Thường trực Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, qua thực tiễn tình hình dịch bệnh tại Bắc Ninh và Bắc Giang, một trong những vấn đề đáng lo nhất hiện nay là dịch bệnh xuất hiện trong các khu công nghiệp nhưng không được phát hiện nhanh.

Qua báo cáo của các đơn vị, các ý kiến thống nhất cần tích cực tăng cường các giải pháp liên quan đến năng lực xét nghiệm để đề phòng dịch bệnh xảy ra ở nhiều nơi, đặc biệt tại các khu công nghiệp; công tác xét nghiệm phải tổ chức ngay từ những ngày đầu. 

Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương ban hành hướng dẫn tự lấy mẫu xét nghiệm; thúc đẩy thí điểm công nghệ xét nghiệm COVID-19 sử dụng mẫu nước bọt; nhanh chóng tiếp cận công nghệ kết hợp giữa xét nghiệm sinh học với quang học, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). 

Theo Bộ Y tế, công nghệ xét nghiệm COVID-19 sử dụng mẫu nước bọt và công nghệ xét nghiệm quang học đã được thực hiện tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương 2. Đến nay, kết quả ban đầu được đánh giá khả quan. Dự kiến, trong tuần này, Bộ Y tế sẽ đánh giá để đề xuất, triển khai thí điểm tại các vùng có dịch.

Ngoài ra, Thường trực Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế khẩn trương đúc rút kinh nghiệm trong đợt chống dịch tại Bắc Ninh, Bắc Giang để sớm ban hành Sổ tay phòng, chống dịch bệnh trong các khu công nghiệp và phổ biến ngay cho các địa phương.

Hoàn thiện chu trình quản lý khép kín người nhập cảnh

Bên cạnh đó, Thường trực Ban Chỉ đạo nghe báo cáo việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo trong việc chấn chỉnh các khâu đưa đón chuyên gia, người Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài về nước thành quy trình khép kín.

bcd 1

Quang cảnh cuộc họp       Ảnh: Đình Nam/VGP

Về các giải pháp công nghệ liên quan đến vấn đề này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành tích hợp các giải pháp, phối hợp với các đơn vị để hoàn chỉnh quy trình; hiện đang chạy thử trước khi trao đổi, báo cáo lại với Bộ Y tế. Do nhu cầu đưa đón chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài về nước hiện rất lớn, các thành viên Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn thiện hệ thống công nghệ người nhập cảnh vào Việt Nam để Bộ Y tế nghiệm thu trong tuần tới.

Các ý kiến nhấn mạnh, phải nêu rõ trách nhiệm thực hiện quy định phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho cộng đồng của mỗi người nhập cảnh; đồng thời, quy định cụ thể trách nhiệm của các tổ chức như Đại sứ quán trong việc tiếp nhận người nhập cảnh vào Việt Nam; các bộ, ngành thành viên “Tổ 5 người” trong việc quyết định các chuyến bay nhập cảnh, giải cứu công dân; chính quyền cơ sở, cơ quan y tế trong việc theo dõi người nhập cảnh thực hiện theo dõi y tế tại địa phương sau khi hoàn thành cách ly tập trung….

Đến nay, Bộ Y tế đang khẩn trương hoàn thiện quy trình đưa đón chuyên gia, người Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài về nước, tạo thành quy trình quản lý khép kín, từ khi tiếp nhận đăng ký nhập cảnh, cách ly tập trung, theo dõi y tế tại nhà… Dự kiến, những người nhập cảnh vào Việt Nam được phân loại thành các nhóm khác nhau.

Người đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 được kiểm tra bằng các xét nghiệm khác nhau để khẳng định chứng minh hiệu quả việc tiêm vắc xin (bởi các loại vắc xin hiện hành có hiệu quả từ 70-90%), sau đó, việc thực hiện cách ly rút ngắn xuống còn 7 ngày. 

Thường trực Ban Chỉ đạo nhận định, nếu kiểm soát tốt, cơ bản trong tháng 6, tình hình dịch bệnh được khống chế nhưng sẽ vẫn ghi nhận các ca mắc lẻ tẻ trong cộng đồng. Trong khi đó, việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 ở trong nước và nhiều nước trên thế giới chưa thể có miễn dịch cộng đồng sớm. Do đó, các lực lượng không chủ quan, lơ là, luôn sẵn sàng phòng, chống dịch bệnh.