Trong khi, trước đó một tháng, lãnh đạo Bộ Tư pháp khẳng định đang xem xét, giải quyết khiếu nại của Hồng Phát; khi có quyết định giải quyết sẽ thông tin cho Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng …
Văn bản số 4245/TCTHADS-GQKNTC do Vụ trưởng Nguyễn Thắng Lợi kí
Thu hồi thông báo thụ lý giải quyết nhưng “ém nhẹm”?
Ngày 18/12/2019, ông Nguyễn Thắng Lợi, Vụ trưởng Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo, kí Văn bản số 4245/TCTHADS-GQKNTC (Văn bản số 4245), gửi Công ty Hồng Phát, có nội dung: Tổng cục THADS nhận được đơn của Công ty Hồng Phát khiếu nại Quyết định giải quyết khiếu nại số 06/QĐ-CTHADS ngày 6/3/2019 của Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An (Quyết định số 06). Tổng cục THADS đã ban hành Thông báo số 103/TB-TCTHADS ngày 19/4/2019 về việc “thụ lý giải quyết khiếu nại của Công ty Hồng Phát”, và khẳng định: Quyết định số 06 có hiệu lực thi hành; theo quy định tại Điều 142 Luật THADS, Tổng cục THADS không có thẩm quyền xem xét, giải quyết khiếu nại đối với Quyết định số 06. Vì vậy ngày 17/5/2019, Tổng cục THADS đã ra Thông báo số 130/TB-TCTHADS “thu hồi Thông báo thụ lý giải quyết khiếu nại số 103/TB-TCTHADS”.
Cũng trong Văn bản số 4245, Vụ trưởng Lợi xác định: Tổng cục THADS nhận được đơn của Công ty Hồng Phát tố cáo Chấp hành viên Cục THADS tỉnh Long An ký Quyết định số 07/QĐ-CTHADS ngày 18/12/2018 (Quyết định số 07) về việc “tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng đối với 13 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Hồng Phát” và tố cáo Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An ký Quyết định số 06, bao che cho Chấp hành viên.
Vụ trưởng Lợi cho rằng: Đơn tố cáo của Hồng Phát không đúng đối tượng được quyền tố cáo theo quy định tại Điều 154 Luật THADS và Điều 2 Luật Tố cáo. Và Công ty Hồng Phát không cung cấp được thông tin, tài liệu để chứng minh cho nội dung tố cáo theo quy định tại Điều 29 Luật Tố cáo. Do đó, Tổng cục THADS không có cơ sở để thụ lý giải quyết tố cáo (?!).
Trao đổi với Báo Người cao tuổi, đại diện Công ty Hồng Phát rất bất ngờ trước Văn bản số 4245; khẳng định:“Chúng tôi chỉ nhận được Thông báo số 103/TB-TCTHADS ngày 19/4/2019; còn Thông báo số 130/TB-TCTHADS ngày 17/5/2019, Công ty không có nhận nên hoàn toàn không biết. Đề nghị Tổng cục THADS và Vụ trưởng Lợi trưng ra bằng chứng để chứng minh đã tống đạt hợp lệ, đúng quy trình và Công ty Hồng Phát đã nhận được Thông báo số 130/TB-TCTHADS ngày 17/5/2019? Nếu Tổng cục THADS và Vụ trưởng Lợi không chứng minh được, thì đây là dấu hiệu “bịa đặt” để tước đoạt quyền khiếu nại hợp pháp của doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ kiên quyết làm rõ và có biện pháp tương thích”.
Thông báo số 103/TB-TCTHADS do Vụ trưởng Nguyễn Thắng lợi kí
Quyết định số 06/QĐ-CTHADS của Cục THADS tỉnh Long An ghi rõ việc Công ty Hồng Phát có quyền khiếu nại tiếp đến Tổng cục trưởng Tổng cục THADS
Ông Vụ trưởng có “đứng trên” pháp luật (?!)
Văn bản số 4245 thể hiện nhiều bất thường. Như Báo điện tử Ngày mới, Báo Người cao tuổi đã phản ánh, ngày 18/12/2018, ông Đặng Hoàng Yến, Chấp hành viên Cục THADS tỉnh Long An ký Quyết định số 07 ngăn chặn vô thời hạn 13 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với 232,66 ha của Công ty Hồng Phát, dẫn đến khiếu nại. Ngày 6/3/2019, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An Bùi Phú Hưng ký Quyết định số 06 “giữ nguyên Quyết định số 07”.
Công ty Hồng Phát khiếu nại gay gắt đối với 2 Quyết định số 07 và 06 của Cục THADS tỉnh Long An. Tổng cục THADS ra thông báo thụ lý từ ngày 19/4/2019 rồi “im lặng” và thoải mái “ngâm”, không giải quyết. Công ty Hồng Phát chờ đợi suốt 8 tháng, thì nhận được kết quả giải quyết bằng Văn bản số 4245 của ông Vụ trưởng Lợi nhằm “vô hiệu hoá” việc khiếu nại?
“Thừa lệnh” Tổng Cục trưởng Mai Lương Khôi, Vụ trưởng Lợi đã có cách hành xử thể hiện dấu hiệu bất thường. Bởi sau khi Thông báo số 103/TB-TCTHADS (cũng do Vụ trưởng Lợi kí) được ban hành, dư luận trong đó có Báo Người cao tuổi liên tục phản ánh, việc Tổng cục THADS thụ lý giải quyết khiếu nại của Công ty Hồng Phát và doanh nghiệp đang chờ kết quả. Nếu Tổng cục THADS đã ban hành Thông báo từ ngày 17/5/2019 thu hồi việc thụ lý thì cớ sao lại “im lặng” cho đến tận bây giờ mới công bố?
Còn nữa, Thông báo số 103/TB-TCTHADS được Tổng cục THADS gửi đến Viện KSND Tối cao để phối hợp và giám sát. Vậy Thông báo số 130/TB-TCTHADS Tổng cục THADS gửi đến Viện KSND Tối cao hay không?
Chưa hết, nếu đã ban hành Thông báo số 130/TB-TCTHADS thì tại sao Vụ trưởng Lợi và Tổng cục trưởng Mai Lương Khôi không tham mưu để Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh trả lời rõ ràng cho ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội. Đằng này, Thứ trưởng Oanh lại kí Văn bản số 4511/BTP-TCTHADS ngày 18/11/2019, gửi ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, khẳng định: “Bộ Tư pháp đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra xác minh xem xét, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của Công ty Hồng Phát. Khi có Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo, Bộ Tư pháp sẽ thông tin tới Đại biểu được biết”.
Nội dung của Văn bản số 4511/BTP-TCTHADS cho thấy Thông báo số 130/TB-TCTHADS không hề tồn tại? Ngoài ra còn nhiều văn bản khác, trong đó có báo cáo số 1159/BC-CTHADS ngày 10/10/2019 do Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An Bùi Phú Hưng kí cũng xác định rõ:“Công ty Hồng Phát đã khiếu nại Quyết định số 07 và Quyết định số 06 lên Tổng cục THADS…”.
Vấn đề đặt ra ở đây: Công ty Hồng Phát có được quyền khiếu nại Quyết định số 06 của Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An hay không? Và Tổng cục THADS có hay không có thẩm quyền để xem xét, giải quyết? Căn cứ theo Khoản 3, Điều 142 Luật THADS (quy định“thẩm quyền giải quyết khiếu nại về thi hành án”) thì Hồng Phát có quyền khiếu nại Quyết định số 06 và thẩm quyền xem xét, giải quyết khiếu nại này thuộc Tổng cục trưởng Tổng cục THADS.
Khoản 3, Điều 142 Luật THADS năm 2014 quy định rõ: “Thủ trưởng cơ quan quản lý THADS thuộc Bộ Tư pháp giải quyết đối với các khiếu nại sau đây:
a) Khiếu nại quyết định, hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh;
b) Khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh. Quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp có hiệu lực thi hành”.
Cục trưởng Bùi Phú Hưng cũng nắm rõ Luật THADS nên ghi rõ trong Quyết định số 06, tại Điều 4:“Công ty Hồng Phát có quyền khiếu nại tiếp đến Tổng cục trưởng Tổng cục THADS trong thời gian 15 ngày…”.
Và taị Thông báo “thụ lý” số 103/TB-TCTHADS, Vụ trưởng Lợi cũng căn cứ vào Khoản 3, Điều 142, nhưng nay lại “lật ngược”? Điều này khiến nhiều người đặt vấn đề phải chăng Vụ trưởng Lợi có “đứng trên” Luật THADS, muốn “diễn” sao tuỳ thích?
Văn bản số 4511/BTP-TCTHADS ngày 18/11/2019 của Bộ Tư pháp
Trụ sở Công ty Hồng Phát.
Xin đừng làm mất sự tôn nghiêm của cơ quan bảo vệ pháp luật (!)
Văn bản số 4245 của Vụ trưởng Lợi thể hiện việc kéo dài việc ngăn chặn 13 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên Hồng Phát, bóp chết Dự án nghìn tỉ, đẩy chủ đầu tư vào đường cùng, dẫn đến phá sản là điều khó tránh khỏi.
Như Báo Người cao tuổi đã phản ánh chỉ rõ, lấy lí do thi hành Phán quyết Trọng tài số 29/12 ngày 25/4/2013, cơ quan THADS đã bốn lần ngăn chặn quyền sử dụng đất Dự án (lần thứ nhất ngày 9/12/2013; lần hai ngày 10/12/2014; lần ba ngày 18/9/2017 và lần tư ngày 18/12/2018). Đáng chú ý là hai lần ngăn chặn thứ ba và thứ tư.
Ngày 18/9/2017, Cục THADS tỉnh Long An ra Công văn số 525/CTHA ngăn chặn toàn bộ 13 quyền sử dụng đất của Hồng Phát dẫn đến khiếu nại. Ngày 28/11/2017, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Long An xem xét, xử lý các nội dung phản ảnh, kiến nghị của Công ty Hồng Phát.
Sau khi làm rõ, ngày 4/6/2018, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng ký Văn bản 123/BC-BTP, nêu rõ: Bộ Tư pháp sẽ chỉ đạo Tổng Cục THADS yêu cầu Cục THADS Long An giải quyết việc thi hành án theo đúng quy định pháp luật, vì không có cơ sở để áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản theo Điều 71 Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014. Theo Luật THADS, sau khi kê biên, cơ quan THADS phải áp dụng các biện pháp tiếp theo để xử lý tài sản như thẩm định giá, bán đấu giá, giao tài sản... Trường hợp, cơ quan THADS tổ chức cưỡng chế kê biên tài sản của Hồng Phát thì không đúng theo nội dung Phán quyết Trọng tài…
Văn bản 123/BC-BTP đã được Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đồng ý, thể hiện tại Văn bản số 8248/VPCP-V.I ngày 31/8/2018 của Văn phòng Chính phủ.
Ngày 26/11/2018, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Sơn kí Văn bản số 4341/TCTHADS-NV1, khẳng định:“Theo quy định tại Khoản 4, Điều 69, Điều 71, Luật THADS, Cơ quan THADS không có căn cứ để cưỡng chế kê biên đối với 13 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Công ty Hồng Phát, đồng thời không có cơ sở để tiếp tục yêu cầu thực hiện Công văn số 525/CTHA ngày 18/9/2017. Vì vậy, Tổng cục THADS yêu cầu Cục THADS tỉnh Long An chấm dứt thi hành Công văn số 525/CTHA”.
Ngày 29/11/2018, Cục THADS tỉnh Long An ban hành Văn bản số 682/CTHADS-NV “chấm dứt hiệu lực Công văn số 525/CTHA”, huỷ bỏ việc ngăn chặn. Trong khi Văn bản 682/CTHADS-NV vẫn còn nguyên giá trị pháp lí, chưa bị thu hồi thì Chấp hành viên Đặng Hoàng Yên lại kí Quyết định 07 tái lập việc ngăn chặn 13 quyền sử dụng đất, tiếp tục “cấm vận” Hồng Phát kéo dài đến nay.
Bức màn “bí mật” đã được vén lên khi mới đây, Báo Người cao tuổi đã thu thập được chứng cứ, xác định: Chính Tổng cục THADS đã chỉ đạo Cục THADS tỉnh Long An ban hành Quyết định 07 theo yêu cầu lãnh đạo Bộ Tư pháp (!).
Và trong Văn bản số 4511/BTP-TCTHADS ngày 18/11/2019, gửi ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh nêu rõ: “Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Bộ Tư pháp đã tích cực phối hợp với Viện KSND Tối cao, UBND tỉnh Long An và các cơ quan, đơn vị có liên quan tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Phán quyết Trọng tài. Tuy nhiên, đến nay việc thi hành án chưa có kết quả là do nguyên nhân từ các bên chưa thống nhất việc thành lập Công ty liên doanh. Theo quy định của Luật đầu tư và pháp luật khác có liên quan, việc thành lập Công ty liên doanh phải do ý chí tự nguyện của các bên đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác kể cả cơ quan thi hành án dân sự không thể thực hiện thay”.
Không thể phủ nhận sự tích cực của Bộ Tư pháp và Tổng cục THADS trong vụ việc trên, nhưng thực tế cho thấy càng gỡ thì càng rối rắm, khiến cho vụ tranh chấp ngày càng phức tạp. Chính vì thế, lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS cần xem lại toàn diện cách giải quyết vừa qua, từ đó điều chỉnh cho phù hợp, tuân thủ theo quy định của pháp luật, tránh việc can thiệp quá sâu, không đúng vào tranh chấp doanh nghiệp, hậu quả khó lường …