Món ăn này dần trở thành “đặc sản” ở làng, từ trẻ em đến người già, phụ nữ ai cũng “nghiện”.
Theo các “cao thủ” trong làng, có rất nhiều cách bắt chuột: Đánh bẫy cạm, đào hang, đổ nước vào hang, huấn luyện chó để săn chuột, dùng vợt bắt…
Từ đầu làng, người dân đã thui chuột khói tỏa nghi ngút.
Món thịt chuột dần phổ biến, thực khách ở khắp nơi tìm đến làng Canh Nậu để thưởng thức “đặc sản” này nên người dân trong làng đua nhau đổ ra đồng “săn” chuột.
Ngày nay, người dân làng Canh Nậu chủ yếu dùng biện pháp đánh bẫy cạm và soi đèn pin bắt vào buổi tối, cách làm này năng suất và tiết kiệm thời gian hơn.
Ông Đỗ Hữu Lại (thôn 2, Canh Nậu), một trong những thợ “săn” chuột đồng lâu năm chia sẻ: “Mùa bắt chuột thường kéo dài từ tháng 9 đến tháng 12 (âm lịch) hàng năm, tức thời điểm trong và sau khi vụ lúa mùa thu hoạch. Lúc này chuột đồng ăn nhiều thóc nên béo, đây cùng là thời điểm chuột sinh sản nên số lượng chuột nhiều”.
Người dân cho biết, tháng 2, 3, 4 chuột khan hiếm và gầy hơn. Mỗi ngày chỉ bắt được 3kg - 4kg, thực khách muốn ăn phải đặt trước. Còn thời gian này thì “sẵn”, muốn ăn lúc nào cũng có.
Để có thu nhập cao, ông Lại phải lặn lội sang những huyện lân cận như Phúc Thọ, Hoài Đức, thậm chí phải sang cả tỉnh Vĩnh Phúc để đặt bẫy: “Vào mùa chuột, đêm nào tôi cũng xách bẫy cạm đi lừa bắt chuột, mỗi ngày đặt khoảng 100 cái bẫy, thu được trung bình 15kg”.
Bà Đỗ Thị Lý (vợ ông Lại) bán chuột quanh năm ở chợ Canh Nậu chia sẻ: “17 tuổi tôi lấy chồng, cũng bán chuột từ đấy cho đến bây giờ, gần 30 năm rồi đấy. Ngày xưa, ít người ăn thì chỉ bán chuột của nhà bắt được thôi, giờ tôi mua thêm chuột sống của những người dân trong làng để làm thịt bán ở chợ kiếm lời”.
Bà Lý còn bán buôn chuột cho các quán nhậu.
Chuột đồng có trọng lượng khoảng 150gam đến 300gam, lông đen dài, tai to, phát ra tiếng kêu chít chít.
Chuột đồng làm sạch, thui vàng có giá từ 120.000 - 150.000 đồng/kg.
Bà Lý vừa bán chuột vừa khoe: “Ngày “đắt hàng” nhất tôi bán được 60kg chuột đã thui vàng. Ngoài bán chuột sống, nhiều khách hàng yêu cầu làm thành món ăn chín hay tẩm ướp gia vị sẵn tôi cũng phục vụ”.
Năm nay chuột ít hơn, người dân lý giải nguyên nhân là do ngày càng có nhiều người đi bắt và diện tích đất nông nghiệp đang thu hẹp dần.
Chuột đồng sau khi làm sạch lông trắng nõn nà.
Sau khi thui xong phần lưng sẽ lật ngược lại để thui nốt phần bụng.
Ông Nguyễn Lương Thắng (thôn 4, Canh Nậu), tay “săn” chuột nức tiếng trong làng mách: “Không được thui chuột quá lâu bởi nó sẽ làm nứt phần da, nhìn sẽ không hấp dẫn và rất khó bán”.
Làm thịt chuột cũng kỳ công, chuột sau khi bắt về được chần qua nước sôi ở 70 độ C, sau đó làm sạch lông, rồi để khô mới đem thui rơm. Châm lửa, quạt liên tục để lửa bùng to, thui phần lưng trước, sau đó lật lại và thui nốt phần bụng cho vàng óng.
Chế biến món ăn từ chuột là cả một bí quyết riêng của từng vùng. Khác với chuột ở làng Giống (Hải Dương), chuột ở Đình Bảng (Bắc Ninh), ở Canh Nậu, chuột đồng được chế biến thành các món như: Luộc, hấp sả, nấu giả cầy, xào sả ớt…, nhưng phổ biến nhất là chuột giả cầy hay một số địa phương còn gọi là món rựa mận.
Những con chuột vàng óng chuẩn bị lên bàn nhậu.
Những quán bán thịt chuột đông đúc khách ghé mua.
Chị Nguyễn Thị Hợi, tiểu thương bán chuột tại chợ Canh Nậu gần chục năm bộc bạch: “Hôm nay nhà tôi ít hàng, có hơn 20kg thôi mà khách cũng đặt gần hết rồi, còn độ 3kg, mang ra chợ chiều một loáng cái là hết. Có ngày đỉnh điểm tôi bán được 70kg chuột đã thui”.
Thịt chuột thường được người dân ví như ăn thịt chó, mèo, nhưng mềm và ngon hơn.
Với những “bợm nhậu”, món thịt chuột xào sả ớt là ưu tiên số 1. Sau khi ướp sả, ớt, gia vị, thịt được xào trong chảo mỡ phi hành thơm nức. Hương thơm của sả và vị cay của ớt hòa quyện cùng vị béo ngậy của thịt chuột, ăn lúc còn nóng thì có lẽ không món nào sánh bằng.
“Không nói dối, thịt chuột luôn là món hết đầu tiên trong mâm cơm nhà tôi, ai trong gia đình tôi cũng nghiện món này”, chị Thúy (thôn 4, Canh Nậu) vừa cười vừa nói.
Anh Tiến Tới (thôn 3, Canh Nậu) hài hước chia sẻ: “Thịt chuột thui rơm vàng óng, nấu giả cầy thì khỏi phải bàn, thêm rau thơm ăn kèm nữa thì không sơn hào hải vị nào có thể sánh được”.