Tuổi thơ con in dấu chân của bố…
Đến bây giờ, anh em tôi vẫn đinh ninh rằng, nếu ai đã từng gặp bố tôi, dù chỉ một lần thì ấn tượng nhất vẫn là ở đôi bàn chân của bố. Đôi bàn chân giao chỉ với hai ngón cái bạnh và tòe ra như muốn chạm vào nhau. Những ngón còn lại vừa dài vừa khum khum bám chặt xuống mặt đất. Đôi bàn chân cục mịch, gân guốc ấy suốt ngày chân đất chân chiên, chẳng biết đến đôi giày là gì. Và gần như cũng chẳng có đôi dép nào là vừa vặn.
Cuộc đời mỗi người bắt đầu từ những bước đi. |
Những lần ngồi bên bố dưới mái hiên nhà mát dịu hay trong những bữa cơm quê đạm bạc, tôi lại chẳng thể vô tâm trước đôi bàn chân của bố. Đôi bàn chân gầy gầy, xương xương, đầy những vết chai sần, nứt nẻ. Là đôi chân mốc trắng ngày đông. Đen đúa, táp nắng những ngày hè. Và nhợt nhạt, bị nước ăn mòn đỏ tấy cả kẽ chân suốt mùa mưa lũ. Để rồi có lúc tôi tự hỏi, cũng là kiếp người sao đôi bàn chân của bố lại phải chịu chạm khắc bao nhọc nhằn đến thế?
Quay về với thế giới tuổi thơ xa lắc, tôi nhớ đến những ngày tết, được ngồi vắt vẻo trên chiếc xe đạp nam đã xỉn màu để đôi chân bố cứ đều đều đạp xe đưa tôi đi khắp xóm làng, tới nhà người thân và xuống tận cả thị xã. Đôi chân ấy đã bao lần cõng tôi đi trên con đường làng quanh co thơm mùi rơm rạ, cùng tôi rong ruổi theo cánh diều trên triền đê những chiều lộng gió... Dù chẳng là gì to tát, nhưng đôi bàn chân mộc mạc, hiền lành của bố đã góp phần dệt cho tôi một khung trời tuổi thơ thật đẹp.
Hồi còn nhỏ, tôi còn được bố kể cho nghe chuyện của một thời đã qua. Đôi bàn chân của bố từ thời niên thiếu đã góp mặt vào đoàn dân công đi đắp đê sông Mã, đôi bàn chân đã từng xông pha nơi chiến trường miền Đông Nam Bộ trong chiến dịch mùa xuân năm 1975. Những người đồng đội của bố, người may mắn trở về lành lặn, người gửi lại cả đôi chân nơi chiến trường, người vĩnh viễn trở về với đất mẹ. Bố kể bằng giọng vừa trầm lắng vừa hào hùng. Và trong trí nghĩ non nớt của tôi khi ấy làm sao có thể hình dung hết được những gian nan, nguy hiểm một thời mà đôi chân bố đã trải qua.
… Tiếp bước cho con vững bước
Đi qua thời chiến, về với quê hương rồi lập gia đình, đôi bàn chân của bố là những tháng ngày gắn bó với ruộng đồng. Mùa nắng cũng như mùa mưa, ruộng sâu cũng như ruộng cạn, đôi chân bố cứ miệt mài trên đồng gần đồng xa. Những thửa ruộng, mảnh vườn in dấu chân bố, mùa nối mùa thay áo, tốt tươi. Nhưng rồi đổi lại, chẳng mấy khi đôi bàn chân bố được khô ráo, sạch sẽ hay được xỏ vào những đôi dép đẹp. Đôi bàn chân bố lúc nào cũng lấm lem bùn đất, vàng màu chua phèn. Chỉ khi tối đến, đôi chân bố mới biết đến đôi dép tổ ong, mới được thảnh thơi ngồi gác chân bên chén trà chén nước.
Đôi bàn chân bố miệt mài tiếp bước con vững bước đi trên đôi chân của mình. |
Những tháng năm nhọc nhằn cơm áo, đôi bàn chân bố còn bươn chải, chạy vạy ngược xuôi. Đôi bàn chân chẳng còn được thẳng mà đã uốn cong vì phải khuân vác nặng. Những buổi trưa hè ra tận cầu đón bố về, tôi lại thấy đôi bàn chân của bố chẳng khác nào hai thanh nam châm lớn bám chặt xuống mặt đường rát bỏng, oằn mình đẩy chiếc xe đạp chở đầy khoai sắn vượt dốc cầu bắc qua sông về làng. Có những buổi tối, bố nằm buông thõng mệt nhoài, đôi bàn chân chẳng buồn nhúc nhích trên chiếc chõng tre nơi góc hiên nhà. Thấy vậy mà thương!
Cũng đã lâu rồi, đôi bàn chân bố chẳng còn phải tất bật, gánh gồng. Đôi bàn chân đã từng in dấu khắp nơi giờ đã được nghỉ ngơi bên con cháu, sân vườn. Ngắm nhìn đôi bàn chân bố giờ càng thêm gầy guộc với những đường gân chịt chằng, mắt con lại ngùi ngùi trào dâng một nỗi niềm thương cảm. Lòng thầm biết ơn đôi bàn chân của bố bao tháng năm đã miệt mài tiếp sức để giờ con có thể vững vàng bước đi trên đôi chân của mình.