Đón loạt thông tin tích cực, chứng khoán hướng đến vùng 1.300 điểm

Biên tập viên

Chuyên gia chứng khoán cho rằng khả năng cao VN-Index sẽ cần tích lũy lại một vài phiên trước khi đà tăng ngắn hạn quay trở lại và hướng đến gần hơn vùng kháng cự 1.300 điểm.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục ghi nhận một tuần hồi phục tích cực khi chỉ số VN-Index chốt tuần chạm ngưỡng 1.270 điểm. Thanh khoản thị trường cũng là điểm sáng khi chứng kiến sự trở lại của những phiên giao dịch trên 20.000 tỷ đồng.

Nổi bật là phiên bùng nổ vào thứ 5 khi tăng hơn 27 điểm, trong bối cảnh đón nhận những đánh giá tích cực từ FTSE trong chuyến làm việc tại Việt Nam. Điều này đã củng cố về khả năng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường chứng khoán mới nổi thứ cấp của FTSE vào năm tới.

Kết tuần, VN-Index tăng 19,68 điểm so với tuần trước, tương ứng 1,57% lên mức 1.270,14 điểm, HNX-Index tăng 1,91% lên 228,93 điểm.

Đón loạt thông tin tích cực, chứng khoán hướng đến vùng 1.300 điểm- Ảnh 1.Diễn biến chỉ số VN-Index trong 5 phiên gần đây (Nguồn: TradingView).

Khối ngoại nhanh chóng quay lại đà bán ròng trong tuần qua. Nhà đầu tư ngoại bán ròng 356 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần, trong đó bán ròng 155 tỷ đồng trên HoSE, bán ròng 110 tỷ đồng trên HNX và bán ròng 75 tỷ đồng trên UPCoM.

Trong đó, nhà đầu tư ngoại bán ròng mạnh nhất cổ phiếu MWG với giá trị 410 tỷ đồng, mã FPT cũng bị khối ngoại "xả" bán ròng 380 tỷ đồng.

Những lo ngại về lạm phát đã được "bỏ lại phía sau"

Nói về diễn biến tuần qua, ông Đinh Quang Hinh - Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường CTCK VNDirect cho rằng, đà phục hồi được nới rộng nhờ một số thông tin vĩ mô trong nước hỗ trợ.

Cụ thể, những đánh giá tích cực từ FTSE trong chuyến làm việc tại Việt Nam lần này đã kích hoạt dòng tiền đầu cơ quay trở lại thị trường, thúc đẩy đà tăng giá của nhóm cổ phiếu được kỳ vọng hưởng lợi từ nâng hạng thị trường như chứng khoán và một số cổ phiếu vốn hóa lớn.

Trong hai phiên cuối tuần, đà tăng của thị trường còn được tiếp sức nhờ chuyến thăm trở lại Việt Nam của CEO Nvidia ông Jensen Huang nhằm hiện thực hóa những cam kết trước đó về mở trung tâm R&D và thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê cũng đã công bố số liệu vĩ mô tháng 11 nhìn chung khá tích cực, thể hiện xu hướng tiếp tục phục hồi trên diện rộng của nền kinh tế Việt Nam sau bão Yagi, trải rộng từ công nghiệp, dịch vụ đến đầu tư công cũng như cho thấy những lo ngại về lạm phát đã được "bỏ lại phía sau" khi chỉ số CPI tháng 11 chỉ tăng 0,13% so với tháng trước và 2,77% so với cùng kỳ.

Hướng đến vùng kháng cự 1.300 điểm

Với những dấu hiệu tích cực của dòng tiền, ông Hinh nhận định chỉ số VN-Index có thể tiếp tục vận động đi lên và hướng tới vùng kháng cự mạnh 1.280-1.300 điểm.

"Thị trường sẽ sớm chứng kiến hoạt động chốt lời gia tăng khi chỉ số VN-Index chạm vùng kháng cự 1.280-1.300. Do đó nhà đầu tư nên hạn chế mua đuổi tại vùng giá cao, kiên nhẫn chờ đợi các nhịp rung lắc sắp tới để tái cơ cấu danh mục đầu tư, dịch chuyển danh mục sang nhóm cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng tích cực trong quý cuối năm như ngân hàng, xuất khẩu (thủy sản, dệt may) và nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ câu chuyện nâng hạng thị trường", ông Hinh đưa lời khuyên tới nhà đầu tư.

Trong khi đó, bà Nguyễn Phương Nga – chuyên viên phân tích Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng khả năng cao VN-Index sẽ cần tích lũy lại một vài phiên trước khi đà tăng ngắn hạn quay trở lại và hướng đến gần hơn vùng kháng cự 1.300 điểm.

Theo bà Nga, trong trường hợp nhà đầu tư vẫn chờ đợi để giải ngân thì ngưỡng hỗ trợ gần nhất là xung quanh vùng 1.250 điểm.

Chuyên gia từ VCBS khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục chốt lời đối với những mã đã đạt mục tiêu lướt sóng T+ để bảo toàn lợi nhuận khi đà tăng đang tạm thời suy yếu trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, nhà đầu tư với khẩu vị rủi ro cao vẫn có thể chọn lọc cổ phiếu duy trì được vận động ổn định và vẫn nằm trong xu hướng đi lên, đồng thời thu hút được dòng tiền, và canh những nhịp điều chỉnh trong phiên để giải ngân.

Một số nhóm ngành đáng chú ý trong những phiên tới sẽ là công nghệ - viễn thông, chứng khoán, dệt may, thủy sản.