Đông lạnh trứng: Những điều bạn nên biết

Thảo Huyền

Đông lạnh trứng là một trong những kỹ thuật dành cho những người trẻ chưa muốn lập gia đình sớm hay người không may bị bệnh liên quan đến ung thư nhưng vẫn muốn mang thai.

Trứng trong cơ thể người phụ nữ có thể lão hóa. Theo thời gian, khi càng lớn tuổi, trứng cũng già đi và giảm số lượng đáng kể. Từ đó, khả năng thụ thai cũng kém hơn.

Hiện nay, tỷ lệ phụ nữ có xu hướng lấy chồng muộn ngày càng tăng cao. Sau 35 tuổi, chất lượng phôi sẽ kém đi, khả năng thụ thai và thai nhi phát triển bình thường cũng không còn đảm bảo. Bên cạnh đó, nhiều người bệnh cần điều trị lâu dài nên cũng quan tâm đến khả năng mang thai trong tương lai. Khi ấy, các đối tượng này có thể cân nhắc phương pháp đông lạnh trứng.

Đông lạnh trứng là gì?

Đông lạnh trứng – hay còn gọi là bảo quản lạnh noãn bào trưởng thành – là một phương pháp được sử dụng để bảo tồn khả năng mang thai trong tương lai của người nữ. Trứng chưa thụ tinh được lấy từ buồng trứng và bảo quản ở điều kiện lạnh sâu (bằng hơi nitơ hoặc nitơ lỏng) trong thời gian dài để sử dụng về sau. Một quả trứng đông lạnh sau khi rã đông có thể kết hợp với tinh trùng trong phòng thí nghiệm và cấy vào tử cung của người mẹ (thụ tinh trong ống nghiệm).

Dựa trên mong muốn và tiền sử sinh sản, bác sĩ có thể tư vấn cho người có nhu cầu cách thức đông lạnh trứng, những rủi ro tiềm ẩn và khả năng phù hợp của phương pháp.

Khi nào bạn nên thực hiện đông lạnh trứng?

Đông lạnh trứng có thể là một lựa chọn hợp lý nếu bạn chưa sẵn sàng mang thai vào thời điểm hiện tại và vẫn mong muốn có con trong tương lai.

Không giống như đông lạnh trứng đã thụ tinh (bảo quản phôi lạnh), phương pháp này không cần tinh trùng vì trứng không được thụ tinh trước khi chúng đông lạnh. Tuy nhiên, cũng giống như đông lạnh phôi, người phụ nữ sẽ cần sử dụng thuốc hỗ trợ thụ thai để làm trứng rụng nhiều. Sau đó, trứng sẽ được trữ lạnh để phục vụ cho công tác thụ tinh trong tương lai.

Đông lạnh trứng giúp phụ nữ hiện thực hóa ước mơ làm mẹ

Đối tượng phù hợp của phương pháp

Phương pháp đông lạnh trứng thường được áp dụng cho những người phụ nữ:

- Mắc bệnh lý có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Ví dụ: bệnh thiểu máu hồng cầu hình liềm, các bệnh tự miễn dịch như lupus. Thậm chí trong trường hợp đa dạng giới tính như người chuyển giới.

- Đang cần điều trị ung thư hoặc một bệnh khác có thể ảnh hưởng đến khả năng mang thai. Đông lạnh trứng trước khi điều trị có thể cho phép người phụ nữ hạn chế khả năng ảnh hưởng đến tỷ lệ đậu thai hoặc sức khỏe thai nhi.

- Có nhu cầu bảo quản trứng khi còn trẻ để sử dụng trong tương lai.

Đông lạnh trứng có nguy hiểm không?

Đông lạnh trứng có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro khác nhau, bao gồm:

- Các tình trạng liên quan đến việc sử dụng thuốc hỗ trợ thụ thai. Dù hiếm, nhưng hormone kích thích tổng hợp nang trứng hoặc hormone luteinizing (LH) gây rụng trứng có thể khiến buồng trứng bị sưng và đau (hội chứng quá kích buồng trứng). Người lấy trứng có thể thấy đau bụng, đầy hơi, buồn nôn, nôn và tiêu chảy. Thậm chí, có trường hợp ghi nhận mắc hội chứng nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng. Dù vậy, tình huống này cực kỳ hiếm xảy ra.

- Biến chứng từ quy trình lấy trứng. Một lần nữa, khả năng này tuy hiếm nhưng vẫn có thể xảy ra. Đó là khi việc sử dụng kim hút để lấy trứng gây chảy máu, nhiễm trùng hoặc tổn thương ruột, bàng quang hay các mạch máu.

- Ảnh hưởng về mặt cảm xúc. Dù đông lạnh trứng có thể ấp ủ hy vọng về việc làm mẹ trong tương lai, nhưng thực tế phương pháp này không đảm bảo thành công trong mọi trường hợp.

Nếu sử dụng trứng đông lạnh để mang thai, nguy cơ sẩy thai chủ yếu dựa vào tuổi của người mẹ tại thời điểm trứng được đông lạnh. Phụ nữ lớn tuổi có tỷ lệ sẩy thai cao hơn, chủ yếu là do trứng già.

Nghiên cứu từ trước đến nay không cho thấy sự gia tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh của trẻ sinh ra từ phương pháp đông lạnh trứng. Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu để tối ưu hóa phương pháp này.

Những thông tin cần biết trước khi làm thủ thuật

Nếu bạn đang cân nhắc việc đông lạnh trứng, hãy tìm một cơ sở sức khỏe sinh sản có chuyên môn trong lĩnh vực này, cũng như các bác sĩ khoa nội tiết sinh sản uy tín.

Cần lưu ý rằng tỷ lệ thành công của phương pháp không hoàn toàn phụ thuộc vào bệnh viện hay bác sĩ, mà còn vào nhiều yếu tố khác. Trong đó, độ tuổi khi lấy trứng của người phụ nữ cũng rất quan trọng.

Chi phí cho bất kỳ phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản nào cũng không hề rẻ. Bạn cần nắm thông tin chi phí liên quan đến từng bước của quy trình, cũng như phí lưu trữ trứng hằng năm (thời gian tối đa tốt nhất thường là 4 năm). Hãy tính toán thật hợp lý và lên kế hoạch rõ ràng.

Quy trình thực hiện

Trước khi bắt đầu quá trình đông lạnh trứng, bác sĩ có thể yêu cầu một số xét nghiệm máu sàng lọc, bao gồm:

- Xét nghiệm dự trữ buồng trứng. Để xác định số lượng và chất lượng trứng, bác sĩ có thể kiểm tra nồng độ hormone kích thích nang trứng và định lượng estradiol (hormone sinh dục nữ) trong máu vào ngày thứ ba của chu kỳ kinh nguyệt. Kết quả có thể giúp dự đoán cách buồng trứng đáp ứng với thuốc hỗ trợ thụ thai.

- Sàng lọc bệnh truyền nhiễm. Người mẹ tương lai sẽ được kiểm tra một số bệnh truyền nhiễm như HIV và viêm gan B, C.

Ngoài ra, bác sĩ cũng yêu cầu các xét nghiệm máu để đo lường phản ứng của cơ thể với các loại thuốc kích thích buồng trứng.

Đông lạnh trứng dùng thùng chứa ni-tơ lỏng để bảo quản

Các bước của kỹ thuật đông lạnh trứng

Đông lạnh trứng gồm các bước: kích thích buồng trứng, lấy trứng và đông lạnh.

Kích thích buồng trứng

Bác sĩ sẽ dùng hormone tổng hợp để kích thích buồng trứng sản xuất nhiều trứng, khác với hiện tượng rụng trứng tự nhiên – thường chỉ duy nhất một trứng mỗi tháng.

Các loại thuốc cần thiết bao gồm:

- Thuốc kích thích buồng trứng như follitropin alfa hoặc beta (Follistim AQ, Gonal-f) hoặc menotropin (Menopur).

- Thuốc ngăn ngừa rụng trứng sớm như chất chủ vận hormone giải phóng gonadotropin – leuproline acetate (Lupron) hoặc chất đối kháng thụ thể hormone giải phóng gonadotropin – cetrorelix (Cetrotide).

Bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ quá trình kích thích buồng trứng này.

Vào mỗi lần tái khám, người phụ nữ sẽ được siêu âm âm đạo để theo dõi sự phát triển của nang trứng. Sau 10–14 ngày, khi các nang trứng đã sẵn sàng để lấy trứng, bác sĩ sẽ cho tiêm thuốc giúp kích thích trứng trưởng thành.

Lấy trứng

Lấy trứng được thực hiện sau khi tiêm thuốc an thần. Một cách tiếp cận phổ biến là chọc hút có siêu âm qua âm đạo. Lúc này đầu dò siêu âm được đưa vào âm đạo để xác định các nang trứng. Bác sĩ dùng kim theo đường âm đạo để vào một nang trứng. Một thiết bị hút kết nối với kim được sử dụng để lấy trứng ra khỏi nang. Thu càng nhiều trứng sẽ càng tăng cao cơ hội sinh nở. Số lượng có thể lên đến 15 trứng lấy được vào mỗi chu kỳ.

Sau khi lấy trứng, bạn có thể cảm thấy đau vùng bụng dưới. Tình trạng này sẽ tiếp diễn trong nhiều tuần vì buồng trứng vẫn đang mở rộng.

Đông lạnh

Ngay sau khi thu lấy, trứng chưa thụ tinh sẽ được làm lạnh đến nhiệt độ âm để bảo quản. Quá trình được sử dụng phổ biến nhất để đông lạnh trứng gọi là thủy tinh hóa. Các chất giúp ngăn chặn tinh thể băng hình thành trong quá trình đóng băng sẽ được dùng với nồng độ cao.

Những điều cần lưu ý sau khi thực hiện kỹ thuật

Sau khi lấy trứng trong vòng một tuần, hầu hết phụ nữ đã có thể quay về các hoạt động bình thường. Đừng quên sử dụng các biện pháp quan hệ tình dục an toàn để tránh mang thai ngoài ý muốn.

Hãy trở lại bệnh viện nếu gặp các triệu chứng sau:

- Sốt cao hơn 38,6°C

- Đau bụng nặng

- Tăng cân (gần 1 kg) trong 24 giờ

- Chảy máu âm đạo nặng (trong một giờ có thể thay đến 2 lần băng vệ sinh)

- Tiểu khó

Kết quả của kỹ thuật đông lạnh trứng

Tiêm tinh trùng vào trứng đã rã đông từ kỹ thuật đông lạnh trứng

Khi có nhu cầu sử dụng trứng đông lạnh của mình, trứng sẽ được rã đông, thụ tinh với tinh trùng trong phòng thí nghiệm và cấy vào tử cung của người mang thai. Các bác sĩ có thể khuyên dùng một kỹ thuật gọi là tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI). Lúc đó, một tinh trùng khỏe mạnh duy nhất sẽ được tiêm trực tiếp vào từng quả trứng trưởng thành.

Cơ hội mang thai sau khi cấy tinh trùng là khoảng 30–60%, tùy thuộc vào độ tuổi của người phụ nữ tại thời điểm đông lạnh trứng. 

Mặc dù rất tốn kém, nhưng phương pháp này đang ngày càng phổ biến trên thế giới. Đông lạnh trứng cho phép nữ giới hoãn lại kế hoạch sinh con do bận rộn với cuộc sống hiện tại hoặc để điều trị bệnh.

Bình Vy (t/h)