Nhiều khởi sắc mới
Khoảng 2 năm trở lại đây, Gia Lai đang khẳng định vị thế của một điểm đến đặc biệt hấp dẫn du khách nhờ thảm thiên nhiên phong phú với những cánh rừng nguyên sinh, hệ thống sông – hồ hùng vĩ được mệnh danh là tuyệt cảnh giữa đại ngàn Tây Nguyên như: Biển Hồ Pleiku, Núi lửa Chư Đang Ya, đồi cỏ hồng Glar, Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng…
Vùng đất này còn là nơi lưu giữ kho tàng nhiều di tích văn hóa, lịch sử độc đáo. Đó là những buôn làng truyền thống đầy bản sắc đã tồn tại hàng trăm năm trong lòng đô thị Pleiku, các không gian lễ hội, không gian văn hóa cồng chiêng độc đáo đã được thế giới công nhận là di sản của nhân loại.
Cùng với đó, hệ thống giao thông ngày một hoàn thiện kết nối thuận lợi với các vùng trong cả nước và quốc tế cũng là lợi thế lớn thu hút du khách đến với Gia Lai ngày càng nhiều hơn. Hiện tỉnh đã xây dựng 5 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 722km; Cảng hàng không Pleiku được Tổng cục Hàng không VIệt Nam có kế hoạch đầu tư nâng công suất với Quy mô nhà ga mới đạt 4 triệu lượt khách/năm trong giai đoạn đến năm 2030, phục vụ nhu cầu vận chuyển, đi lại của hành khác đến Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên ngày càng gia tăng.
Thành phố Pleiku, đô thị tỉnh lỵ của Gia Lai
Nhằm khai thác và phát huy tối đa thế mạnh sẵn có, Gia Lai đề ra hai mục tiêu là phát triển kinh tế - xã hội song song đẩy mạnh du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó định hướng đưa TP. Pleiku trở thành điểm đến trọng điểm của tỉnh.
Theo quy hoạch xây dựng được tỉnh đề ra đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, Gia Lai sẽ là trung tâm khu vực tiểu vùng Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào -Campuchia, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Đồng thời đến năm 2030, Gia Lai cũng là trung tâm du lịch của vùng về nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe, tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân 15 – 18%/năm, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân 18 – 20%/năm.
Thiếu dự án xứng tầm để bứt phá
Tổng lượt khách du lịch đến Gia Lai 9 tháng đầu năm 2019 đạt 566.000 lượt, tăng hơn 26% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng thu du lịch đạt 261 tỷ đồng. Những con số này dù có nhiều khởi sắc nhưng vẫn còn khiêm tốn nếu so sánh với các địa phương lân cận có cùng tiềm năng phát triển du lịch như Đà Lạt (khoảng 5,1 triệu lượt khách), Buôn Mê Thuột (834.000 lượt khách, doanh thu 799 tỷ đồng).
Nguyên nhân một phần lớn do đền từ việc Gia Lai hiện còn thiếu vắng những cơ sở lưu trú đồng bộ, trung tâm vui chơi giải trí hiện đại để thu hút khách du lịch đến tham quan và chi tiêu nhiều hơn. Tính đến năm 2018, toàn tỉnh có hơn 80 khách sạn với tổng số 2.095 buồng, tập trung chủ yếu ở thành phố Pleiku. Trong đó khách sạn 3-4 sao đếm trên đầu ngón tay, còn lại chủ yếu là khách sạn quy mô nhỏ lẻ, kinh doanh dịch vụ lưu trú đơn thuần.
Trước nhu cầu phát triển mạnh mẽ và khai thác hiệu quả các thế mạnh, bên cạnh nội lực của tỉnh, Gia Lai cũng tập trung kêu gọi nhiều nguồn đầu tư đáng giá. Trong đó thành phố Pleiku sẽ là trung tâm, cửa ngõ giao thương định hình vị thế của vùng kinh tế trọng điểm Tây Nguyên.
Ông Nguyễn Hữu Quế, Phó bí thư thành ủy, Chủ tịch UBND TP Pleiku cho biết, thành phố hiện đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ hướng tới phát triển bền vững Pleiku trở thành đô thị hiện đại, mang bản sắc văn hóa đặc trưng. Đặc biệt chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật gắn với quản lý quy hoạch, đầu tư, nâng cấp mở rộng kết nối các công trình giao thông, song song với việc nâng cấp phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật đô thị tạo đà cho phát triển đô thị trong tương lai bền vững.
Biển Hồ - Địa điểm du lịch nổi tiếng của Gia Lai
Theo các chuyên gia hoạch định chính sách, giải pháp phù hợp nhất với Gia Lai lúc này là xây dựng các tổ hợp đô thị tích hợp nhiều tiện ích, phục vụ nhu cầu của cả người dân và khách du lịch. Các tổ hợp đô thị này vừa tạo ra không gian an cư đón đầu xu hướng mới, đồng thời mang đến những trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí, đưa Gia Lai từng bước đến gần hơn với hình ảnh một đô thị hiện đại.
Trong bối cảnh Gia Lai đang thiếu các công trình quy mô, việc các nhà đầu tư tiên phong xuất hiện với những dự án tầm cỡ sẽ có không gian lớn để tạo sự đột phá, nâng cao đời sống người dân. Đặc biệt khi tỉnh ủy Gia Lai đang nỗ lực kêu gọi xúc tiến đầu tư, cởi mở về chính sách, hứa hẹn mang tới những bước tiến lớn cho diện mạo đô thị, đồng thời thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh nhà phát triển.